Chuyên gia hiến kế để kinh tế tăng trưởng hai con số

Chuyên gia hiến kế để kinh tế tăng trưởng hai con số
4 giờ trướcBài gốc
Mục tiêu tăng trưởng hai con số là rất thách thức, nhưng không phải không thể trở thành hiện thực. Ảnh: Hoàng Anh.
Mục tiêu đầy tham vọng
Cùng với thông điệp về "kỷ nguyên mới", "tăng trưởng hai con số" đang được coi là "từ khóa", là mục tiêu xuyên suốt đối với kinh tế Việt Nam ngay từ đầu năm 2025.
Những nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước liên tục đưa ra các thông điệp về tăng trưởng, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đột phá, khả thi để đạt mục tiêu.
Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc chuẩn bị bước chạy đà để tăng trưởng hai con số liên tiếp trong những thập kỷ sắp tới được coi là nền tảng quyết định, để đến năm 2045 Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, có mức thu nhập cao.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, nhiều chuyên gia cho rằng, mục tiêu tăng trưởng hai con số đang trở thành một thách thức lớn, một mục tiêu đầy tham vọng của nền kinh tế Việt Nam.
Theo chuyên gia tài chính, ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao như kỳ vọng của Chính phủ trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam cần phải có những bước tiến lớn, những đột phá cho tăng trưởng.
Đây là điều Việt Nam chưa từng đạt được từ trong quá khứ. Ông Hiếu dẫn chứng, trong suốt khoảng thời gian dài từ sau Đổi mới, tăng trưởng cao nhất của Việt Nam chỉ đạt từ 8 - 9%, những năm 90 của thế kỷ trước.
Sau khủng hoảng kinh tế, những năm từ 2014 - 2019, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã chậm lại rõ rệt, chỉ ở mức từ 6 - 7%. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, đà tăng trưởng giảm sâu.
Những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế đã hồi phục nhưng còn rất chậm. Năm 2024, tốc độ tăng GDP đạt 7,09%, nâng quy mô GDP nền kinh tế lên mức 11.512 ngàn tỉ đồng, tương đương khoảng 476 tỉ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD/người, tăng 377 USD so với năm 2023.
Trước thực tế này, Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng 8% cho năm 2025, hướng tới tăng trưởng hai con số trong những năm sắp tới được ông Hiếu đánh giá là rất thách thức.
Sau dịch bệnh, nền kinh tế đang trên đà phục hồi nhưng vẫn còn những khó khăn rất lớn. Những "vết thương lớn" của nền kinh tế chưa hồi phục hoàn toàn. Các doanh nghiệp nội địa phát triển chưa mạnh, chưa trở thành trụ cột phát triển của nền kinh tế.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng nhận định, việc đạt tốc độ tăng trưởng cao đang ngày càng khó, nhất là sau giai đoạn dịch bệnh, nền kinh tế còn trầm lắng, chưa hồi phục hoàn toàn.
Doanh nghiệp trong nước vẫn đang khó khăn, đầu tư công còn chậm, tăng trưởng tiêu dùng chưa thực sự mạnh mẽ trở lại. Hầu hết các động lực tăng trưởng truyền thống đều đã suy yếu ít nhiều.
Rào cản từ những biến động toàn cầu
Không chỉ những thách thức từ nội tại nền kinh tế, theo ông Hiếu, mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng cũng vấp phải những rào cản lớn từ kinh tế thế giới. Năm 2025 là một năm được dự báo sẽ có nhiều biến động mạnh của kinh tế toàn cầu.
Trước hết là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump đã thực hiện nhiều chính sách kinh tế bảo hộ như tăng thuế quan, giảm nhập khẩu và đẩy mạnh các biện pháp "nước Mỹ trên hết" (America First).
Do đó, với việc ông Trump quay trở lại, các chính sách này có thể sẽ được khôi phục hoặc thậm chí trở nên quyết liệt hơn, làm gia tăng tính bất định trong thương mại quốc tế.
Chính sách tài khóa và tiền tệ của Mỹ có tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất, điều này sẽ làm gia tăng chi phí vay vốn quốc tế, khiến Việt Nam gặp khó khăn trong việc huy động vốn và ổn định tỷ giá đồng nội tệ, ông Hiếu nhìn nhận.
Bên cạnh đó, xuất khẩu, vốn là một trong những động lực quan trọng của kinh tế Việt Nam có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Việc Mỹ và nhiều quốc gia có thể sẽ áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, tăng cường thuế quan đối với các nước xuất siêu, trong đó có Việt Nam sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt trên thị trường quốc tế.
Mặt khác, với ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế ở nhiều quốc gia lớn đang chậm lại hoặc suy thoái, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong các ngành hàng chủ lực như dệt may, thủy sản, điện tử và nông sản.
Một yếu tố khác là xung đột địa chính trị trên thế giới giữa Nga - Ukraine, cạnh tranh Mỹ - Trung và các bất ổn tại Trung Đông.
Những sự kiện này gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại và làm gia tăng chi phí sản xuất toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ, làm chậm lại quá trình tăng trưởng.
Doanh nghiệp tư nhân trong nước lớn mạnh là yếu tố quyết định
Trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn, ông Hiếu cho rằng, Việt Nam cần linh hoạt và chủ động hơn trong các chính sách kinh tế.
Theo đó, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường khai thác các thị trường mới, giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc.
Song song với đó, các doanh nghiệp trong nước cần đổi mới sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng, chuyển dịch từ xuất khẩu thô sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Để làm được điều này, theo ông Hiếu, Việt Nam cần phát triển được đội ngũ doanh nghiệp tư nhân trong nước lớn mạnh, làm trụ cột, gánh vác những trọng trách lớn, đưa tăng trưởng kinh tế bứt phá đi lên.
Minh chứng là nhiều quốc gia đi trước như Hàn Quốc và Trung Quốc đều đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phát triển đội ngũ doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, đóng vai trò trung tâm trong tăng trưởng kinh tế.
Thành công của họ dựa trên các chiến lược hiệu quả, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế và bối cảnh chính trị - xã hội. Hàn Quốc đã xây dựng và phát triển được đội ngũ doanh nghiệp tư nhân lớn, đặc biệt thông qua mô hình Chaebol (các tập đoàn kinh tế gia đình).
Những doanh nghiệp như Samsung, Hyundai, LG, và SK đã trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia
Hay như với Trung Quốc, các doanh nghiệp tư nhân như Alibaba, Huawei đã trở thành biểu tượng của sự đổi mới và năng lực cạnh tranh quốc tế.
Đồng quan điểm, ông Cung cũng cho rằng, muốn đất nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới, Việt Nam phải phát triển được đội ngũ doanh nhân Việt Nam và đội ngũ nghiên cứu khoa học, công nghệ theo kịp toàn cầu.
Nếu không có công nghệ, không có năng lực tiếp nhận chuyển giao công nghệ và không có lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh thì không thể có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, hùng cường.
"Đáng tiếc là khu vực kinh tế tư nhân đang hao mòn đi về số lượng, về khí thế và khát vọng. Số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường nhiều, tốc độ thành lập doanh mới cũng rất thấp. Các mục tiêu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp đến 2020, hai triệu doanh nghiệp đến 2025 đều đã không thành hiện thực", ông Cung nhấn mạnh.
Đề xuất chính sách cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, vực dậy các doanh nghiệp, ông Hiếu cho rằng, Chính phủ cần tạo điều kiện cung cấp vốn cho nền kinh tế. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn là điều kiện quan trọng để họ phát triển.
Đã đến lúc, Chính phủ cần có cơ chế về quỹ bảo lãnh tín dụng. Hiện Việt Nam đã có Nghị định 34 năm 2018 về quỹ bảo lãnh tín dụng tại các địa phương để bảo lãnh các ngân hàng cho vay. Khi các doanh nghiệp vay ngân hàng không thể trả nợ thì quỹ sẽ đứng ra trả ngân hàng.
Tuy nhiên, ngân sách của quỹ bảo lãnh tín dụng của các địa phương rất èo uột. Cộng thêm đó là nhiều tiêu cực trong quá trình sử dụng khiến quỹ hoạt động không hiệu quả.
Thay vào đó, ông Hiếu đề xuất Chính phủ phải có quỹ bảo lãnh tín dụng trung ương lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí là chục nghìn tỷ đồng. Quỹ này có hệ thống tại các tỉnh thành, hỗ trợ các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh vốn, ở khía cạnh khác, theo ông Cung, Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đang rất cần được tháo gỡ những điểm nghẽn về pháp lý, sự xung đột, chồng chéo giữa các luật, nghị định, thủ tục đầu tư kinh doanh phức tạp, kéo dài và về nguồn vốn để phát triển.
Cải cách thể chế không thể tách rời với sự phát triển của lực lượng doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Thể chế mới phải thay đổi cả về thái độ lẫn hành động để lấy lại lòng tin, nhiệt huyết cống hiến, quyết tâm phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Quản lý nhà nước nên thay đổi theo hướng đánh giá bằng kết quả công việc chứ không chỉ quản lý theo quy trình. Có như vậy mới tạo được môi trường cho nhân tài làm việc, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đưa kinh tế bứt phá đi lên.
Ông Cung nhấn mạnh, ngay trong năm 2025, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh để gia tăng số lượng doanh nghiệp mới, đồng thời triển khai các giải pháp mang tính vĩ mô, giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Phương Linh
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/chuyen-gia-hien-ke-de-kinh-te-tang-truong-hai-con-so-d38938.html