Ghi nhận tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) lúc 5h sáng 1/7, đông đảo người dân và phật tử có mặt để chứng kiến khoảnh khắc 3 hồi chuông trống bát nhã vang lên, cầu quốc thái dân an.
Đúng 6h, hơn 18.000 ngôi chùa, tự viện cả nước cử ba hồi chuông bát nhã. Từ ngày 1/7, cả nước chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đây là dấu mốc lịch sử trong tiến trình dân tộc bước vào kỷ nguyên mới.
Hoạt động mang theo ý nghĩa cầu nguyện cho sự khởi đầu một kỷ nguyên hành chính kiến tạo, tận tâm vì nước, vì dân, tạo đà phát triển.
Các Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, tăng ni và phật tử chùa Quán Sứ tụng kinh và nghi lễ tâm linh cầu an. Trong Phật giáo, các chùa chỉ thỉnh chuông, trống bát nhã trong các sự kiện lớn của đất nước.
Đông đảo phật tử, người dân có mặt tại chùa Quán Sứ thành tâm tụng kinh, cầu quốc thái dân an, nhiều người không giấu được sự xúc động trước khoảnh khắc linh thiêng lịch sử.
Theo Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngày 1/7 là ngày hoạt động đầu tiên của các tỉnh, thành phố sau sáp nhập và vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp trong cả nước. Đây là sự kiện lịch sử rất đặc biệt trong tiến trình dân tộc bước vào kỷ nguyên mới phát triển phồn vinh, thịnh vượng.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết với truyền thống Phật giáo yêu nước, luôn đồng hành cùng dân tộc trong mọi chặng đường lịch sử, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thành phố; các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước cử hành ba hồi chuông, trống bát nhã cầu Quốc thái dân an, tụng kinh cầu an. Nghi lễ mang đến thông điệp cầu bình an, khơi dậy tình đoàn kết dân tộc trước khoảnh khắc lịch sử của cả nước khi chính chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
"Khi nghe tiếng 3 hồi chuông bát nhã, tôi rất rung động và cảm thấy hạnh phúc trước khoảnh khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc. Nghi lễ này khiến tôi cảm thấy sự gần gũi giữa Phật giáo và tiến trình lịch sử của đất nước. Việc chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp trên cả nước cũng là dấu mốc quan trọng để hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", chị Phạm Thị Mậu Hoa (48 tuổi, phường Từ Liêm) chia sẻ.
Tại chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM), Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cử hành đánh chuông vào khoảng 5h57.
Sau đó, đúng 6h, ba hồi chuông, trống bát nhã ngân vang khắp chùa Vĩnh Nghiêm.
Bên trong chánh điện chùa Vĩnh Nghiêm, các sư thầy đọc kinh trong không khí trang nghiêm.
Chị Võ Thị Lệ Thu (áo dài đỏ) cho biết bản thân cảm thấy rất ấm áp khi nghe tiếng chuông chùa và sẽ đi thêm chùa Ngọc Hoàng để cầu bình an dịp sự kiện lớn của đất nước. “Trên đường đến đây, khi đi ngang qua cầu Công Lý, tôi ngước lên bầu trời thì thấy như có hai nửa trái tim đang ghép vào nhau”, chị Thu nói.
Tiếng chuông đi cùng tiếng trống gọi là hồi chuông trống bát nhã. Mỗi khi nghe tiếng chuông, người tu hành ý thức được rằng đó là lời của Đức Thế tôn nhắc nhở mình sống chánh niệm và tỉnh giác.
Nhiều người dân đến lễ Phật thắp hương, tự mình gõ tiếng chuông cầu bình an cho bản thân và những người xung quanh.
Khương Nguyễn - Đinh Hà