Sáng 1/7, tại chùa Quốc Ân Khải Tường (xã Long Phước, tỉnh Đồng Nai), Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự đã quang lâm đài trống, trang nghiêm thỉnh ba hồi chuông trống Bát Nhã, khởi xướng cho nghi thức trọng đại nguyện cầu quốc thái dân an, nhân sự kiện 34 tỉnh thành bước vào hoạt động chính thức, theo mô hình chính quyền 2 cấp.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn thực hiện nghi thức thỉnh đại hồng chung. Ảnh: Đăng Huy
Ngay sau nghi lễ thỉnh chuông, trống, chư Tăng đồng vân tập nơi chánh điện, dưới sự chủ trì của Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch, cử hành nghi thức niêm hương bạch Phật, đảnh lễ Tam bảo và dâng lời cầu nguyện - hồi hướng cho quốc thái dân an, đạo pháp trường tồn, nhân dân an lạc, đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới phát triển phồn vinh và thịnh vượng.
Sau đó ngài lên chánh điện niệm hương. Ảnh: Đăng Huy
Chư Tăng trú xứ Quốc Ân Khải Tường nhất tâm cầu nguyện. Ảnh: Đăng Huy
Trong nhà Phật, mỗi một pháp cụ đều có một ý nghĩa đặc biệt, riêng có. Tiếng trống, tiếng mõ hay tiếng chuông trong thiền gia khi cất lên lên đều ngầm có ý là cảnh tỉnh mọi người nên thức tỉnh tu hành. Và mỗi pháp cụ khi sử dụng, đều có phương pháp và cách thức riêng.
Chuông trống Bát Nhã rất quan trọng trong thiền môn. Chuông là một loại pháp khí được đúc bằng kim loại, phát ra âm thanh vang rền và thanh thoát, hình dáng của chuông được làm theo các hình tháp hay hình bát rỗng.
Chuông được coi là biểu trưng cho trí tuệ. Mỗi khi âm thanh huyền diệu ngân vang thì đó chính là lời triệu gọi làm tỉnh giấc bao tâm hồn đang ngủ say trong lầm mê, khổ ải và thanh lọc bao cõi lòng của người con Phật.
Thỉnh chuông.
Trống là một trong những loại nhạc khí được sử dụng rộng rãi thường làm bằng đá, cây, đồng… Tùy thuộc vào mục đích của người sử dụng mà nó có công năng khác nhau, nhưng riêng ở Phật giáo, tiếng trống tượng trưng cho chánh pháp và là âm thanh truyền tải giai điệu thuần khiết cho đời sống tâm linh. Đây là một trong những phương tiện để nhắc nhở Phật tử luôn sống bằng lòng chân thật, không giả dối, cảm thông, sẻ chia…
Trống là một pháp khí thiền gia. Ảnh: Đăng Huy
Theo Phật giáo, chúng sinh mỗi khi nghe tiếng trống chánh pháp ấy thì tội chướng được tiêu trừ và cũng nhờ đó mà được giải thoát vào cảnh giới an lạc, nơi chư Phật đón chờ.
Bát Nhã tiếng Sanscrit là Prajnà, tiếng Pali là Panna, chữ Hán dịch là Trí tuệ hay Tuệ minh. Đó là một loại trí tuệ sáng suốt, thanh tịnh, không còn bị chi phối bởi phiền não, uế trược, phiền hà. Đó là trí tuệ đệ nhất. Bát Nhã là mầm mống trí tuệ siêu việt, cao tột, thậm thâm vi diệu, vốn sẵn có trong mỗi người nhưng vì bị vô minh, ái dục che mờ nên con người không tự biết.
Vì vậy, tiếng chuông, tiếng trống là hai thứ tiếng có sức mạnh thúc giục giúp cho con người khai sáng tiềm lực, mở thông trí tuệ, hiện hữu. Tiếng chuông trống Bát Nhã kêu gọi con người thức tỉnh, thôi thúc con người thắp lên ngọn đèn trí tuệ soi sáng con đường đi đến giải thoát.
Trang nghiêm cầu nguyện quốc thái dân an tại chánh điện Quốc Ân Khải Tưởng. Ảnh: Đăng Huy
Chuông trống Bát Nhã thường đánh lên vào những buổi lễ pháp sự đặc biệt, như thuyết pháp, truyền giới, sám hối, cung thỉnh các giảng sư, chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức và mở đầu hoặc kết thúc một quyển kinh... Và mỗi khi đánh lên ngầm ý thỉnh Phật thượng đường chứng minh. Đồng thời cung nghinh chư tôn đức và cũng để cho mọi người chú ý nhiếp tâm trở về với chánh niệm.
Phật giáo hơn 2.000 năm "đồng hành cùng dân tộc". Ảnh: Đăng Huy
Sáng nay, trong không khí linh thiêng, hoan hỷ - khi hơn 18.000 ngôi chùa trên cả nước theo lời kêu gọi của Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã đồng loạt cử hành nghi thức cử ba hồi chuông, trống Bát Nhã cầu nguyện quốc thái dân an.
Được biết, tên gọi ngôi cổ tự Quốc Ân Khải Tường do Tổ Linh Nhạc - Phật Ý kiến tạo và trụ trì, năm Nhâm Dần (1752). Ngày nay, chùa Quốc Ân Khải Tường gìn giữ bức tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới. Ngôi chùa là trú xứ của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn.
Lưu Đình Long