Các chuyên gia kinh tế cảnh báo rủi ro phía sau việc Mỹ hoãn áp thuế

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo rủi ro phía sau việc Mỹ hoãn áp thuế
5 giờ trướcBài gốc
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo rủi ro phía sau việc Mỹ hoãn áp thuế
Việc trì hoãn giúp các đối tác thương mại của Mỹ có thêm thời gian đàm phán để tránh các mức thuế cao, nhưng cũng kéo dài sự bất định cho cộng đồng doanh nghiệp.
Các chuyên gia kinh tế phần lớn hoan nghênh quyết định này. Họ từ lâu phản đối các loại thuế quan vì cho rằng chúng gây hại cho chính nền kinh tế áp dụng, đặc biệt là người lao động và người tiêu dùng. Mặc dù thừa nhận thương mại tự do cũng tạo ra những bất cập, nhưng thuế cao hiếm khi được coi là giải pháp.
Cho đến nay, các đợt áp thuế của ông Trump chưa gây tác động rõ rệt đến lạm phát, tăng trưởng hay việc làm tại Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent từng mô tả lạm phát là “con chó không sủa” để chỉ sự vắng mặt bất thường của áp lực giá. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo tác động trễ của thuế có thể bắt đầu hiện rõ vào cuối năm nay, và sự bình lặng hiện tại có thể khiến chính quyền lạc quan một cách sai lầm.
“Lợi ích của thương mại tự do vẫn vượt trội ngay cả ở các quốc gia giàu có. Tôi cho rằng Mỹ và châu Âu đều đã hưởng lợi từ việc mở cửa thương mại”, chuyên gia kinh tế Antonio Fatas thuộc trường Kinh doanh INSEAD nhận định với CNN.
Người tiêu dùng chịu thiệt
Thuế quan thực chất là một loại thuế đánh vào hàng nhập khẩu, với tác động trực tiếp là làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và giá bán cho người tiêu dùng.
Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khoảng một nửa hàng nhập khẩu vào Mỹ là các sản phẩm trung gian, nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm hoàn chỉnh.
“Nhìn vào một chiếc máy bay Boeing hay ô tô lắp ráp tại Mỹ hay Canada, bạn sẽ thấy nguồn cung đến từ toàn cầu”, giáo sư kinh tế Doug Irwin thuộc Đại học Dartmouth chia sẻ trên podcast EconTalk. Khi các doanh nghiệp Mỹ phải trả nhiều hơn cho linh kiện nhập khẩu, chi phí sản xuất của họ sẽ đội lên.
Tương tự, thuế nhập khẩu cũng khiến giá hàng hóa thành phẩm từ nước ngoài tăng, buộc nhà nhập khẩu Mỹ phải chuyển gánh nặng đó sang người tiêu dùng.
“Họ không thể tự gánh khoản tăng 10%, 20% hay 30% nếu không có nguồn lực tài chính đủ mạnh”, Irwin nói.
Đây cũng là điều đã xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, khi chính quyền áp thuế nặng với 283 tỷ USD hàng nhập khẩu vào năm 2018. Nghiên cứu năm 2019 do Mary Amiti tại Cục Dự trữ Liên bang New York đồng tác giả cho thấy, các mức thuế này được chuyển hoàn toàn vào giá hàng hóa nhập khẩu bán trong nước, người tiêu dùng Mỹ chính là bên chịu thiệt.
Theo chuyên gia chiến lược thị trường toàn cầu Hugh Gimber thuộc J.P. Morgan Asset Management, hai thập kỷ qua, nhờ thuế nhập khẩu thấp, hàng hóa ngoại nhập vào Mỹ nhìn chung có giá rẻ hơn. Từ năm 2001 - thời điểm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và bùng nổ xuất khẩu - giá hàng hóa tại Mỹ tăng rất ít, trong khi giá dịch vụ đã tăng gấp đôi.
Tương tự nhiệm kỳ đầu, các đợt thuế mới của ông Trump được kỳ vọng sẽ tiếp tục đẩy giá hàng hóa tại Mỹ tăng lên. Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm 18/6 nhận định: “Lạm phát hàng hóa đã nhích lên, và chúng tôi dự báo xu hướng này sẽ tiếp diễn”.
Tổng sản lượng suy giảm
Thuế quan không chỉ làm tăng chi phí mà còn có thể khiến tổng sản lượng kinh tế của Mỹ suy giảm, điều đã từng xảy ra trong quá khứ. Một nghiên cứu năm 2020 dựa trên dữ liệu từ 151 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, trong giai đoạn 1963-2014, cho thấy thuế quan để lại “tác động tiêu cực kéo dài đến quy mô chiếc bánh kinh tế”, tức là GDP của quốc gia áp thuế.
Có nhiều nguyên nhân lý giải hiện tượng này.
Theo chuyên gia chiến lược thị trường Hugh Gimber, khi thuế thấp hoặc không tồn tại, quốc gia đó có thể tập trung vào các lĩnh vực mà họ có lợi thế cạnh tranh, từ đó tối ưu hóa sản xuất và xuất khẩu.
“Khi tăng thuế, mức độ chuyên môn hóa sẽ suy giảm, kéo theo năng suất lao động thấp hơn. Lực lượng lao động lẽ ra có thể được sử dụng hiệu quả hơn ở những lĩnh vực có lợi thế vượt trội”, ông nói.
Ngoài ra, theo nhóm tác giả nghiên cứu 2020 - phần lớn là các chuyên gia kinh tế thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì chi phí đầu vào nhập khẩu cao hơn cũng là lý do khiến tổng sản lượng suy giảm.
Chuyên gia Antonio Fatas tại INSEAD đưa ra ví dụ minh họa: “Tôi là công nhân làm việc trong một nhà máy. Để sản xuất, chúng tôi cần nhập vi mạch từ Đài Loan. Nếu những linh kiện này trở nên đắt đỏ hơn, giá trị gia tăng trên mỗi giờ làm việc sẽ giảm, cả tôi và công ty đều tạo ra ít giá trị hơn”.
Một yếu tố khác khiến thuế cao gây tổn hại kinh tế là sự bất ổn do chính sách thay đổi bất thường, tạo tâm lý lo ngại về mức thuế tương lai. Tình trạng thiếu rõ ràng này càng trở nên nghiêm trọng trong năm nay, đặc biệt khi chính sách thương mại của Tổng thống Trump thường thay đổi đột ngột.
Các khảo sát của Liên đoàn Doanh nghiệp Nhỏ Mỹ (NFIB) cho thấy sự bất định đang ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ lên kế hoạch đầu tư vốn trong 6 tháng tới đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020 - thời điểm đại dịch COVID-19 lan rộng.
“Nền kinh tế sẽ tiếp tục "loạng choạng" cho đến khi những nguồn bất ổn lớn như chính sách thuế được làm rõ. Rất khó điều hướng con tàu trong làn sương mù”, NFIB nhận định.
Dù nguyên nhân cụ thể là gì, IMF dự báo các mức thuế cao hơn của Mỹ sẽ khiến năng suất và sản lượng giảm.
Nguy cơ mất việc làm
Tác động của thuế quan đến việc làm cũng là một vấn đề đáng chú ý. Ngạc nhiên là, tăng thuế nhập khẩu lại có liên quan đến việc tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ tại nhiều quốc gia.
Giáo sư Doug Irwin dẫn ra một ví dụ, khi Mỹ áp thuế thép năm 2018, số việc làm ròng bị mất nhiều hơn số được tạo ra. Nguyên nhân là các ngành sử dụng thép làm đầu vào, vốn chiếm số lao động lớn hơn phải chịu chi phí tăng mạnh.
Một nghiên cứu được công bố năm 2024 của Fed cho thấy, việc chi phí đầu vào tăng do thuế giai đoạn 2018-2019 đã gây ra tổn thất việc làm trong ngành sản xuất Mỹ. Thiệt hại này càng trầm trọng khi các quốc gia khác trả đũa bằng thuế lên hàng hóa xuất khẩu của Mỹ, làm lu mờ tác động tích cực nhỏ mà thuế có thể mang lại cho việc làm trong sản xuất.
Biện pháp trả đũa từ các đối tác thương mại là một rủi ro rõ rệt khi Mỹ tăng thuế. Khi đối phương tăng thuế lên hàng hóa Mỹ, giá bán tại thị trường nước ngoài tăng lên, dẫn đến nhu cầu giảm.
Ngay sau khi ông Trump công bố các mức thuế mới trong năm nay, nhiều đối tác thương mại lớn của Mỹ đã nhanh chóng đáp trả bằng thuế quan riêng. Tuy nhiên, Mỹ sau đó đã đạt được thỏa thuận đình chiến tạm thời với Trung Quốc và Liên minh châu Âu.
Thương mại tự do và cái giá phải trả
Các chuyên gia kinh tế nhìn chung đồng thuận rằng thương mại tự do đã mang lại lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu trong những thập kỷ gần đây, nhưng cũng thừa nhận rằng chính sách này đi kèm với một số hệ lụy.
Một trong những hệ quả rõ ràng là sự mất việc làm tại các cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng nề từ cạnh tranh của các nhà sản xuất nước ngoài.
Tác động này tương tự với những gì mà tiến bộ công nghệ gây ra cho người lao động. “Tỷ trọng việc làm trong ngành sản xuất đang giảm tại hầu hết các nền kinh tế, không chỉ riêng Mỹ”, chuyên gia Hugh Gimber nhận định, viện dẫn vai trò của tự động hóa.
Ông Gimber so sánh việc hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi nhập khẩu tăng cao với khái niệm “chuyển đổi công bằng”, tức là đảm bảo rằng các thay đổi lớn để tiến tới nền kinh tế xanh cần công bằng với tất cả mọi người, giảm thiểu tối đa tổn thương đối với người lao động và cộng đồng.
Trong cả hai trường hợp, giải pháp then chốt là đào tạo lại và trang bị kỹ năng mới cho người lao động ở các ngành bị ảnh hưởng.
Một chi phí tiềm ẩn khác của thương mại tự do là sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất ở xa. Điều này trở nên đặc biệt nghiêm trọng trong đại dịch COVID-19, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hóa như khẩu trang và máy thở tại Mỹ và nhiều quốc gia khác.
Tuy vậy, chuyên gia Antonio Fatas cho rằng việc áp thuế không phải là công cụ hiệu quả để phát triển năng lực sản xuất trong nước.
“Trợ cấp có mục tiêu cho các ngành cụ thể sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn vì có tác động trực tiếp hơn”, ông nói.
Tuy nhiên, lập luận mạnh mẽ nhất ủng hộ thương mại tự do có thể đến từ vai trò của nó trong việc duy trì hòa bình giữa các quốc gia.
Như chuyên gia David Kelly, một đồng nghiệp của Gimber nhận định hồi tháng 3, mối quan hệ thương mại chặt chẽ khiến các quốc gia có nhiều thứ để mất hơn trong một cuộc xung đột.
Đại Hùng
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/cac-chuyen-gia-kinh-te-canh-bao-rui-ro-phia-sau-viec-my-hoan-ap-thue-167050.html