Các cựu chiến binh Liên Xô kể về ký ức đáng tự hào ở Việt Nam

Các cựu chiến binh Liên Xô kể về ký ức đáng tự hào ở Việt Nam
11 giờ trướcBài gốc
1. Đã hơn 50 năm trôi qua, những cựu chiến binh Liên Xô vẫn mãi không thể quên được những ngày tháng đã sát cánh cùng người dân Việt Nam trong công cuộc Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để hồi tưởng lại một phần đời đầy gian khó nhưng cũng đáng để tự hào ấy. Người cựu chiến binh Valeriy Petrovych Miroshnychenko đã không khỏi bồi hồi xúc động. Ông vừa kể vừa lần giở từng bức ảnh kỷ niệm về quãng thời gian ở Việt Nam mà ông đã lưu giữ như báu vật trong suốt bao thập kỷ qua. Khi kể lại câu chuyện này, ông như một lần nữa được sống lại với quá khứ.
Đại sứ Phạm Hải (đứng giữa) và Tùy viên Quốc phòng Việt Nam Đại tá Phạm Thế Hưng (thứ hai từ phải sang) chụp cùng các cựu chiến binh Ukraine trong một buổi gặp gỡ thân mật.
Ông kể lại: "Nhóm chúng tôi, nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên về sử dụng pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka, gồm 8 người, đến bằng chuyến bay dân sự của Aeroflot vào ngày 19-5-1972 tại sân bay quốc tế ở thủ đô Hà Nội. Chính Tư lệnh Phòng không - Không quân Việt Nam, Đại tá Lê Văn Tri đã trực tiếp đón tiếp chúng tôi. Qua đó, Bộ chỉ huy Việt Nam thể hiện sự tôn trọng đối với nhóm chúng tôi cũng như niềm hy vọng vào sự thành công trong việc sử dụng chiến đấu hệ thống phòng không mới ở Việt Nam.
Các đồng chí Việt Nam ngay lập tức cảnh báo chúng tôi rằng việc ở lại trong khu vực sân bay quốc tế hiện giờ rất nguy hiểm vì các cuộc tấn công bằng bom và không kích của không quân Mỹ vào các mục tiêu ngay trong sân bay đang xảy ra thường xuyên hơn. Do vậy, sau buổi uống trà truyền thống ngắn, nhân tiện nói thêm, đó là lần đầu tiên chúng tôi thấy, uống trà xanh và cũng như nếm thử hương vị của đậu phộng, chúng tôi được đưa bằng xe buýt sản xuất tại Liên Xô đến khách sạn quân đội ở thành phố Hà Nội. Tuyến đường tránh đi quanh khu vực sân bay và chúng tôi chưa kịp đi xa khỏi đó thì xe buýt đột ngột dừng lại và chúng tôi được yêu cầu xuống xe, đi về phía các cánh đồng lúa".
Nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên về sử dụng hệ thống pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 “Shilka”, chụp sau 20 phút kể từ khi đến Việt Nam vào ngày 19-5-1972.
Lý do dừng xe nhanh chóng được xác định là từ phía mặt trời mọc xuất hiện một cặp máy bay Mỹ loại F-4C Phantom, bay sát gần chúng tôi, thực hiện một số đòn tấn công bằng tên lửa và thả bom. Trận chiến đấu bắt đầu. Mặt đất rung chuyển, mọi thứ xung quanh chúng tôi vang lên tiếng nổ, cháy rực và khu vực sân bay bị bao phủ bởi ngọn lửa. Khi chúng tôi tiếp tục hành trình trên xe buýt, bầu không khí trở nên yên tĩnh. Người Mỹ đã "thử lửa" chúng tôi ngay trong những phút đầu tiên sau khi đặt chân tới Việt Nam và khiến chúng tôi hiểu rằng mình sắp bước vào một công việc chiến đấu thực sự nghiêm túc.
Cựu chiến binh Valeriy Petrovych Miroshnychenko.
Nhóm của chúng tôi được bố trí sống tại một tỉnh miền núi, không xa Hà Nội, trong một tòa nhà bỏ hoang từng là trạm điện, không có cửa sổ hay cửa ra vào. Bên trong là những chiếc giường gỗ với màn chống muỗi. Bên cạnh giường là “máy điều hòa” duy nhất giúp chống chọi với cái nóng – một chiếc quạt bàn Kharkov sản xuất tại Ukraine.
Phía dưới thung lũng có một giếng nước với vòi sen nước lạnh. Xung quanh tòa nhà là các khu vực đặt ăng-ten với những cột cao. Trên hai ngọn đồi có hai lô cốt còn sót lại từ thời Pháp thuộc. Chúng rất tiện lợi để làm hầm trú bom. Tường bê tông của chúng dày tới hơn 1,5m. Ban đầu, chúng tôi khá tin tưởng rằng các bức tường này không thể bị xuyên thủng – cho đến khi một quả bom phát nổ ngay bên cạnh một trong các lô cốt, khiến một nửa bức tường đổ sụp đổ. Lúc đó mới thấy rõ: Không có gì bảo vệ được nếu bị trúng trực tiếp.
Khi tôi kể lại những điều kiện đó với các cựu binh trong các nhóm khác, họ nói rằng điều kiện của họ vẫn còn thoải mái hơn nhiều. Gần nơi chúng tôi đóng quân là một sân bay quân sự. Trận địa của tiểu đoàn pháo – tên lửa phòng không của chúng tôi cũng nằm gần đó. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên bị tấn công bằng bom và hỏa lực từ máy bay.
Năm 1972, lực lượng Phòng không- Không quân Việt Nam đã giành được ưu thế trên không, khiến không quân Mỹ phải chịu tổn thất nặng nề. Vào thời điểm đó, khoảng 4.000 máy bay Mỹ đã bị bắn rơi trên bầu trời Việt Nam. Vì vậy, để có thể tiếp tục tấn công, không quân Mỹ buộc phải bay ở độ cao cực thấp. Tại độ cao này, hệ thống tên lửa phòng không S-75 trở nên hoàn toàn vô hiệu. Và chính ZSU-23-4 Shilka là khí tài cực kỳ phù hợp để giải quyết nhiệm vụ này. Vào thời điểm đó, đây là thiết bị khá hiện đại: Nó được trang bị radar, máy tính điều khiển hỏa lực, pháo bốn nòng và có khả năng bắn tự động với độ chính xác rất cao, ngay cả đối với các loại máy bay tốc độ lớn của địch.
Tôi có mặt tại Việt Nam vào giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến. Giai đoạn này chính quyền Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng rút quân khỏi Việt Nam, nhưng trước khi rời đi họ sẽ không để lại bất cứ thứ gì. Và trên thực tế, họ bắt đầu thực hiện điều đó. Đặc biệt, các đợt ném bom dữ dội bắt đầu ngay từ đầu tháng 12-1972. Mỹ đã bắt đầu tiến hành các cuộc oanh tạc mạnh mẽ nhất nhằm vào các mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam – dữ dội nhất trong toàn bộ cuộc chiến.
Khi đang công tác tại Hà Nội, tôi đã gặp đúng lúc đội hình chiến đấu của không quân Mỹ bay ngang qua để thực hiện một đợt tấn công quy mô lớn. Trên bầu trời có nhiều máy bay đến mức giống như các vì sao trên bầu trời đêm, không phải ngẫu nhiên mà cuộc không kích này được gọi là “cuộc oanh tạc sao trời”. Dẫn đầu đội hình là các máy bay gây nhiễu, chúng thả xuống một lượng lớn các thiết bị gây nhiễu thụ động đến mức không thể nhìn thấy bầu trời. Đội hình bay tiến rất chậm, giữ đúng thứ tự đội hình chiến đấu và âm thanh ù ù vang vọng một cách đe dọa. Dù các pháo phòng không đã bắn vào giữa đội hình, dù có máy bay bị bắn rơi, đội hình khổng lồ đó vẫn không bị phá vỡ. Không hiểu sao, tôi bỗng nghĩ đến một cuộc tấn công tâm lý. Lần này, thành phố Hà Nội đã may mắn vì đòn tấn công chính không nhằm vào trung tâm thành phố mà là các mục tiêu ở vùng ven Hà Nội.
Thời điểm đó, các cuộc đàm phán hòa bình ba bên về chấm dứt chiến tranh Việt Nam được tổ chức tại Paris. Các cuộc đàm phán này có thể kéo dài trong vài ngày. Trong thời gian đó, chỉ có các máy bay trinh sát hoạt động. Chúng tôi tận dụng tối đa khoảng thời gian yên tĩnh này để huấn luyện chiến đấu và phối hợp tác chiến giữa các khẩu đội ZSU-23-4 Shilka.
Các chuyên gia quân sự Liên Xô phụ trách huấn luyện chiến đấu với hệ thống pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 “Shilka” cùng nhóm hỗ trợ chiến đấu trong quá trình đào tạo, tại trận địa của một tiểu đoàn phòng không của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người thứ hai từ trái sang ở hàng đầu là ông Valeriy Petrovych Miroshnychenko.
Ngay khi các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc, không quân Mỹ lại tiến hành các cuộc không kích mạnh hơn, như thể để “bù” cho những ngày không đánh trước đó. Chúng tôi cảm nhận điều này rất rõ trên chính các mục tiêu mà chúng tôi đang bảo vệ.
Cuối năm 1972, Mỹ thực hiện nỗ lực cuối cùng nhằm phá vỡ hệ thống phòng không của Việt Nam. Họ lên kế hoạch cho một chiến dịch không quân với mật danh “Linebacker II”, huy động hơn 700 máy bay tham gia... Mục tiêu của chiến dịch này là hoàn toàn vô hiệu hóa phòng không Việt Nam, hủy diệt triệt để nền kinh tế và dập tắt ý chí cũng như khát vọng kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Tôi nhớ rất rõ sự kiện này, đặc biệt là thời điểm chiến dịch bắt đầu. Chiến dịch khởi động vào lúc 22 giờ ngày 18-12-1972. Đó là một cơn ác mộng thực sự... Không quân Mỹ tung ra những đợt tấn công mãnh liệt đến mức tưởng như mặt đất không thể chịu đựng nổi. Những quả tên lửa của quân đội Việt Nam bay lên bầu trời... Một trận chiến đấu dữ dội bắt đầu...
Khi từ trên trời rơi xuống những quả cầu lửa với đuôi cháy dài, chúng tôi đã nghĩ rằng người Mỹ đang sử dụng một loại vũ khí mới chưa từng thấy. Chỉ đến sáng hôm sau chúng tôi mới biết rằng đó chính là những “pháo đài bay” – các máy bay ném bom chiến lược B-52 – đã bị bắn hạ. Người Mỹ hoàn toàn choáng váng. Ngày hôm sau, chỉ còn lác đác vài chiếc máy bay trinh sát xuất hiện.
Nhờ vậy, chúng tôi có thể tới nơi chiếc B-52 gần nhất bị rơi. Máy bay này, dĩ nhiên, cực kỳ lớn và đầy ắp thiết bị điện tử. Thật ấn tượng. Chúng tôi rất vui mừng khi gỡ được vài tấm biển nhà máy từ thân máy bay để làm kỷ niệm.
Chiến dịch này kéo dài đến ngày 31-12-1972. Trong hai tuần đó, đã có 81 máy bay Mỹ bị bắn rơi. Nhìn chung, chiến dịch này về sau có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc ký kết hiệp định hòa bình.
Ngay từ khi bắt đầu hoạt động chiến đấu tại Việt Nam, chúng tôi luôn được bảo vệ bởi các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Họ cũng chính là những người nấu ăn cho chúng tôi. Đơn vị nhỏ này được gọi là “Bộ phận phục vụ”. Mỗi sĩ quan chuyên gia đều có một phiên dịch viên riêng. Phiên dịch viên của tôi là đồng chí Phong – luôn ở bên cạnh tôi.
Miroshnychenko V.P. – chuyên gia quân sự Liên Xô cùng với phiên dịch viên Phong.
Nhiệm vụ của nhóm là huấn luyện lại cho các quân nhân Việt Nam về loại khí tài mới và thành lập một đơn vị phòng không chính quy có khả năng chiến đấu thực sự. Nhiệm vụ này đã được hoàn thành một cách thành công. Tư lệnh Phòng không- Không quân Việt Nam, Đại tá Lê Văn Tri đã đích thân gửi lời cảm ơn tới từng chuyên gia quân sự.
Năm 1973, Tư lệnh Phòng không – Không quân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đại tá Lê Văn Tri, đến thăm nhóm các chuyên gia quân sự Liên Xô phụ trách triển khai huấn luyện sử dụng hệ thống pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 “Shilka”. Người đầu tiên từ phải sang ở hàng đầu là Trung úy Valeriy Petrovych Miroshnychenko.
Ngày nay, chúng tôi, những cựu chiến binh từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam có mối quan hệ rất tốt với ngài đại sứ cùng các cán bộ Sứ quán của Việt Nam tại Ukraine, Tùy viên Quốc phòng Việt Nam, cũng như với các cộng đồng người Việt tại Kiev, Kharkov, Odessa, Cherkasy và các thành phố khác của Ukraine. Chúng tôi thường gặp nhau và cùng tổ chức các dịp lễ kỷ niệm trọng đại của Việt Nam. Chúng tôi luôn nhận được sự tri ân từ các bạn Việt Nam.
Về cá nhân, tôi vô cùng tự hào vì đã có, dù chỉ là một đóng góp nhỏ bé, vào một sự nghiệp lớn lao: Đó là chiến thắng của Việt Nam, sự thống nhất đất nước, và sự phát triển của một nhà nước xã hội chủ nghĩa. Hãy cùng nhau củng cố tình hữu nghị giữa hai dân tộc và hai quốc gia chúng ta.
2. Ông Burnash Vladimir Ilyich, Đại tá về hưu, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh toàn Ukraine tham chiến tại nước ngoài, ông đã chia tay người vợ trẻ đang mang thai ở tháng thứ 5 và đến Việt Nam từ tháng 5-1967 đến tháng 5-1968.
Theo dòng hồi tưởng, ông Burnash Vladimir Ilyich kể: Khi đó tôi mang quân hàm Thiếu tá, được cử làm trưởng một nhóm nhỏ các chuyên gia quân sự Liên Xô, được giao nhiệm vụ rất quan trọng và khó khăn là trong thời gian ngắn nhất phải thành lập và tổ chức hoạt động Trường Kỹ thuật vô tuyến cho lực lượng Phòng không- Không quân Việt Nam.
Trên toàn bộ lãnh thổ miền Bắc Việt Nam khi đó đang diễn ra một cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt, và không thể chiến thắng nếu thiếu một hệ thống phòng không hiệu quả. Các phương tiện hỏa lực trong hệ thống đó, như bộ đội tên lửa phòng không và không quân tiêm kích, không thể hoạt động hiệu quả nếu thiếu đi lực lượng kỹ thuật vô tuyến (VTĐ) và các trạm radar của họ. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là huấn luyện các chuyên gia Việt Nam để vận hành radar.
Tầm quan trọng của nhiệm vụ này được thể hiện qua việc người được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng là Trung tá Thái, nguyên là Chỉ huy trưởng lực lượng VTĐ Việt Nam, còn Chính ủy là Trung tá Bích, một cán bộ chính trị có kinh nghiệm. Chúng tôi phối hợp rất tốt với hai vị chỉ huy này, nhưng dù vậy, những khó khăn vẫn vô cùng lớn.
Ban đầu, trường được triển khai ở khu vực gần sát biên giới Trung Quốc. Đã có một số thành quả ban đầu. Nhưng sau khi các cuộc không kích của Mỹ gia tăng, trường buộc phải di dời về phía Tây và phải bắt đầu lại từ con số không.
Khi đó điều kiện làm việc vô cùng khó khăn. Các chuyên gia của chúng tôi chủ yếu được tuyển từ các trường kỹ thuật vô tuyến của Liên Xô, nhưng số lượng quá ít. Trang thiết bị giảng dạy cũng thiếu thốn nghiêm trọng. Học viên thì yếu, khó tiếp cận được công nghệ radar phức tạp.
Trong khi đó điều kiện sinh hoạt của người Việt Nam lẫn chuyên gia Liên Xô, trong hoàn cảnh rừng tre núi đá, vô cùng thiếu thốn. Chỉ riêng việc, mỗi ngày chỉ có điện một giờ vào buổi tối từ máy phát điện, đã đủ nói lên tất cả. Và đó chỉ là một phần trong hàng loạt khó khăn mà chúng tôi gặp phải.
Khi mọi thứ trở nên quá sức chịu đựng, người phiên dịch của tôi (có một cái tên rất thú vị – Inga, nghĩa là “Hải Âu”), mỗi khi thấy tôi suy sụp, lại an ủi và nói: Đừng buồn, đồng chí Burnash. Rồi chiến tranh sẽ kết thúc, chúng tôi sẽ chiến thắng người Mỹ, thống nhất đất nước và nhất định sẽ mời đồng chí quay lại, để thấy đất nước chúng tôi tuyệt vời đến mức nào.
Khi đó, tôi đã nghĩ, người Việt Nam này hẳn là có khả năng tiên tri. Tất nhiên, tôi và tất cả các đồng chí Liên Xô đều rất mong Việt Nam đạt được mục tiêu. Chính vì điều đó mà chúng tôi đến đây, để giúp họ thành công.
Nhưng đồng thời, chúng tôi không thể không đặt câu hỏi: Làm sao có thể đánh bại người Mỹ? Làm sao Mỹ lại cho phép Việt Nam thống nhất? Vì thế, lời tiên đoán của người phiên dịch về việc tôi sẽ quay trở lại Việt Nam sau chiến tranh lúc đó đối với tôi như tan biến trong sương mù.
Ông Burnash Vladimir Ilyich.
Thế nhưng, chính niềm tin mãnh liệt ấy của người Việt, từ mọi tầng lớp, đã giúp chúng tôi vượt qua biết bao khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua nổi.
Chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngôi trường kỹ thuật vô tuyến đã được thành lập. Và một bằng chứng rõ ràng cho điều đó là: Trong năm chúng tôi ở Việt Nam, hơn 1.000 máy bay Mỹ đã bị bắn rơi. Một kỷ vật đầy ý nghĩa đối với tôi là tấm Giấy khen “Vì đã phối hợp thành công trong công cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược”, được viết trên mảnh xác của một chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi, có chữ ký của Hiệu trưởng Trung tá Thái và Chính ủy Trung tá Bích.
Việt Nam từ lâu đã không còn chiến tranh, đã chiến thắng, thống nhất đất nước, và suốt nhiều năm nay đang xây dựng cuộc sống mới một cách thành công, đạt được nhiều thành tựu lớn và quan trọng hơn cả, đang đi đúng con đường phát triển.
Lời tiên tri của người phiên dịch ngày ấy đã trở thành hiện thực.
Nhờ sự quan tâm của chính quyền và nhân dân Việt Nam, nhiều cựu chiến binh trong chúng tôi đã có dịp quay lại Việt Nam thống nhất, tận mắt chứng kiến những thành tựu của nhân dân Việt Nam và thấy rõ rằng đất nước Việt Nam đẹp biết bao nhiêu.
HẠ LY (Từ Ukraine, ghi theo lời kể của các cựu chiến binh Ukraine)
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/cac-cuu-chien-binh-lien-xo-ke-ve-ky-uc-dang-tu-hao-o-viet-nam-825839