Sáng ngày 12-2, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu (ĐB) QH quan tâm thảo luận là việc thành lập Ủy ban Dân nguyện và Giám sát và Ủy ban Công tác đại biểu trên cơ sở Ban Dân nguyện và Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ QH.
Thảo luận về nội dung này, ĐB Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường, cho rằng việc lập hai Ủy ban mới này là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
ĐB Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường.
“Điều này giúp công tác giám sát của Quốc hội, xử lý giải quyết các kiến nghị của cử tri và nhân dân hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới hiện nay” – ông Thi nói.
Còn theo ĐB Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội), hiện các ban đã được đổi tên thành các ủy ban thuộc QH. Ông đề nghị xem xét, chuyển Hội đồng Dân tộc thành Ủy ban dân tộc cho đảm bảo thống nhất.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng các ủy ban không phải là cơ quan tư vấn mà là cơ quan thẩm tra, do vậy các nội dung thẩm tra không đi vào “bình luận”, dài dòng, mà cần trực tiếp chỉ ra các vấn đề còn băn khoăn, kiến nghị đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến.
Tán đồng với chủ trương chuyển Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu thành các ủy ban của QH, tuy nhiên ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) tỏ ra băn khoăn với tên gọi mới của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát.
Theo ông, việc thêm hai chữ “giám sát” là để nhấn mạnh đến vai trò giám sát của ủy ban và QH. Tuy nhiên, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH cũng đều có vai trò giám sát, vậy có gây chồng chéo không và phải phân ra như thế nào?
“Lâu nay, việc giám sát tại các ủy ban rất quan trọng, hiệu quả, thực hiện theo mảng được phân công. Do vậy, cần xem xét lại, lấy tên Ủy ban Dân nguyện là đủ, trong đó có bao hàm nội dung giám sát” - ông Trí cho hay.
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng ban Dân nguyện.
Phát biểu sau đó, ĐB Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng ban Dân nguyện, cho biết luật sửa đổi lần này bám sát tinh thần chỉ đạo về tinh gọn tổ chức bộ máy.
Theo ĐB Hà, việc lấy tên Ủy ban Dân nguyện và Giám sát trực thuộc QH, cho thấy sự quan tâm rất lớn đến vai trò giám sát và tiếng nói của người dân. Trong đó, Ban Dân nguyện đại diện cho tiếng nói của cử tri và nhân dân.
Trước băn khoăn của ĐB Trí về sự chồng lấn chức năng giám sát với các ủy ban khác, Phó trưởng Ban Dân nguyện lý giải, các ủy ban vẫn thực hiện chức năng giám sát lâu nay. Còn tên gọi mới của Ban Dân nguyện đã được thảo luận nhiều lần. Tới đây, sẽ có nghị quyết quy định chức năng riêng, không có sự chồng chéo và việc tổ chức bộ máy QH sẽ hiệu quả nhất.
“Ủy ban Dân nguyện và Giám sát sẽ giám sát về chất vấn, việc thực hiện cam kết, lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành, giám sát việc tiếp công dân, giải quyết kiến nghị cử tri…
QH giao quyền linh hoạt cho Chính phủ, các bộ, ngành xây dựng các nghị định, thông tư nên phải có cơ quan giám sát ban hành các văn bản phù hợp, đúng định hướng luật đã ban hành. Cần có cơ quan riêng điều tiết giúp QH trong nội dung này chứ không cho ủy ban” - ĐB Hà cho hay.
Trước đó, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Lê Quang Tùng đã trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội nhằm thực hiện chủ trương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Phạm vi sửa đổi tập trung vào sửa đổi, bổ sung quy định về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH. Sửa đổi, bổ sung các quy định về Tổng Thư ký QH, Văn phòng QH, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH.
Điều chỉnh một số nội dung có liên quan đến việc phân định thẩm quyền của QH, UBTVQH với thẩm quyền của Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác; đồng thời, kết hợp sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản liên quan đến hoạt động của QH, UBTVQH, các cơ quan của QH và ĐBQH mà qua tổng kết thực tiễn hoạt động từ năm 2016 đến nay có phát sinh vướng mắc, bất cập.
Dự thảo luật tập trung vào 35/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định về cơ quan của QH (Chương IV) theo hướng tiếp tục khẳng định Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH là các cơ quan của QH; số lượng, tên gọi các Ủy ban do QH quyết định; quy định các chức năng cơ bản của các cơ quan của QH tập trung vào ba nội dung thẩm tra - giám sát - kiến nghị; quy định khái quát về cơ cấu tổ chức, nguyên tắc làm việc của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến hoạt động của QH, UBTVQH, các cơ quan của QH và ĐBQH như việc QH lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn; việc ĐBQH tham gia làm thành viên và tham gia hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của QH; trường hợp tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH và thẩm quyền của UBTVQH trong xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, về kinh phí hoạt động của QH...
NHÓM PHÓNG VIÊN