Toàn cảnh buổi thảo luận tại tổ.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tập trung vào các nội dung: Sửa đổi, bổ sung quy định về HĐND, các Ủy ban của Quốc hội; sửa đổi, bổ sung các quy định về Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; điều chỉnh một số nội dung có liên quan đến việc phân định thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thẩm quyền của Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác, đồng thời, kết hợp sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội mà qua tổng kết thực tiễn hoạt động từ năm 2016 đến nay có phát sinh vướng mắc, bất cập.
Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia buổi thảo luận tại tổ.
Tham gia góp ý, các ĐBQH cơ bản thống nhất với hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Đồng thời cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung luật đảm bảo tính linh hoạt trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, kịp thời thể chế các chủ trương đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất gắn với yêu cầu của công tác lập pháp, giám sát và đặc biệt là quyết định các vấn đề quan trọng trong tình hình mới.
ĐBQH Cao Thị Xuân tham gia phát biểu tại tổ.
Tham gia góp ý tại Điều 5 về làm luật và sửa đổi luật, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, đây là nội dung rất quan trọng trong hoạt động của Quốc hội. Trong đó, tại Điểm 2, Khoản 2 quy định một số vấn đề mang tính ổn định có giá trị lâu dài, quy định cụ thể các nội dung có liên quan đến quyền con người. Theo đại biểu, nên để quy định ở Luật văn bản quy phạm pháp luật thì phù hợp hơn; đồng thời cũng cần phải rà soát và lược bỏ bớt đi những nội dung mang tính định hướng, chủ trương của Đảng.
ĐBQH Mai Văn Hải tham gia phát biểu tại tổ.
Đối với việc Quốc hội ban hành nghị quyết, quy định về thí điểm một số nội dung mới thuộc thẩm quyền Quốc hội, do đó nội dung này không nên đưa sang Luật văn bản quy phạm pháp luật, mà nên quy định rằng là Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm những vấn đề mới mà có quy định khác với luật hiện hành hoặc là những vấn đề mà pháp luật chưa quy định. Nên quy định mang tính nguyên tắc, cụ thể hóa đối với việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Cần cân nhắc quy định về việc xem xét xử lý hành vi vi phạm đối với đại biểu Quốc hội...
ĐBQH Cầm Thị Mẫn tham gia phát biểu tại tổ.
Tham gia góp ý tại Khoản 4, Điều 5 quy định về thẩm quyền của Quốc hội, ĐBQH Cầm Thị Mẫn cho rằng, Khoản 4 có quy định việc xây dựng pháp luật theo từng nhiệm kỳ được xác định và thực hiện theo định hướng lập pháp của nhiệm kỳ của Quốc hội và chương trình lập pháp hằng năm. Theo đó, đề nghị thay cụm từ “việc xây dựng pháp luật” bằng cụm từ “công tác lập pháp” để đảm bảo đúng thẩm quyền của Quốc hội theo quy định tại Điều 69 của Hiến pháp là Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với các hoạt động của Nhà nước.
Tham gia góp ý về cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, ĐBQH Cầm Thị Mẫn cho rằng, Khoản 1 Điều 67 sau khi sửa đổi được quy định như sau: Hội đồng Dân tộc gồm có chủ tịch, các phó chủ tịch và các ủy viên; Ủy ban của Quốc hội gồm có chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm và các ủy viên. Hiện nay, các đại biểu hoạt động không chuyên trách hoặc đại biểu hoạt động chuyên trách tại địa phương đều đăng ký tham gia thành viên Hội đồng Dân tộc hoặc thành viên của các ủy ban. Nếu theo quy định này thì đại biểu hoạt động không chuyên trách và đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương có thuộc cơ cấu của tổ chức Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội hay không?
ĐBQH Cầm Thị Mẫn thống nhất với dự thảo là không quy định ủy viên thường trực và ủy viên chuyên trách như luật hiện hành. Tuy nhiên để làm rõ hơn cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội đề nghị phân định ủy viên bao gồm: Ủy viên hoạt động thường trực chính là những ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách tại Trung ương theo quy định của luật hiện hành và ủy viên không thường trực là những đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương và đại biểu hoạt động không chuyên trách (các đại biểu kiêm nhiệm). Theo đó đề nghị sửa Khoản 1, Điều 67 thành: Hội đồng Dân tộc gồm có chủ tịch, các phó chủ tịch, các ủy viên hoạt động thường trực và ủy viên không thường trực; Ủy ban của Quốc hội gồm có chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm và các ủy viên hoạt động thường trực và ủy viên không thường trực. Hoặc xem xét sửa quy định này tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc và Ủy ban của Quốc hội.
ĐBQH Lê Thanh Hoàn tham gia phát biểu tại tổ.
Tham gia góp ý về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), các ĐBQH cơ bản thống nhất với việc sửa đổi dự án Luật. Đồng thời cho rằng, việc sửa đổi dự án Luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Đồng thời, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một số nội dung trọng tâm như: phản biện xã hội và tham vấn chính sách; thông qua và điều chỉnh Chương trình lập pháp hằng năm; quy trình xây dựng chính sách; việc xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền đối với các vấn đề lớn của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật...
Quốc Hương