Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 12/2, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nam Định tham gia thảo luận tại Tổ số 19 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Bình Dương. Dự phiên thảo luận có đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 19.
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH đoàn Nam Định có 4 lượt ý kiến về 2 dự án Luật, tập trung chủ yếu vào dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) - đạo luật có ý nghĩa quan trọng, đóng vai trò là nền tảng, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và tổ chức thi hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, các ĐBQH tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc sửa đổi lần này là một cuộc cách mạng trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Định hướng xây dựng luật là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tiễn trong giai đoạn hiện nay để xây dựng được một quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật vừa bảo đảm chất lượng của luật vừa rút ngắn thời gian đến mức tối đa.
Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.
Đóng góp cụ thể vào dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí với đề xuất của Chính phủ việc quy định về lùi thời điểm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua luật, pháp lệnh, nghị quyết tại khoản 4 Điều 38 và điểm b, khoản 11 Điều 40, để bảo đảm quyền trình dự án luật, pháp lệnh của cơ quan trình và đồng thời bảo đảm yêu cầu đối với cơ quan trình chịu trách nhiệm đến cùng.
Đồng chí Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.
Cùng với việc thực hiện quy trình chính sách đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết lớn, mới, quan trọng quy định về các vấn đề thí điểm thì trong dự thảo Luật cũng nên cân nhắc việc ban hành quy trình chính sách đối với các dự thảo Nghị định Chính phủ ban hành mà không có luật quy định bên trên, nhằm xem xét thấu đáo hơn với các văn bản mới phát sinh trong thực tiễn mà chưa có luật nào quy định.
Liên quan đến việc xin ý kiến cấp có thẩm quyền đối với dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng ủy Quốc hội có trách nhiệm xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc trình Bộ Chính trị báo cáo ý kiến của BCH Trung ương Đảng thay vì việc để sự chủ động cho cơ quan chủ trì soạn thảo xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Đồng chí Võ Văn Kim, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh tán thành với sự cần thiết ban hành, phạm vi sửa đổi, bổ sung và các nội dung cơ bản của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội như được nêu trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời đề xuất cụ thể đối với việc quy định ghi tên, hoặc không ghi tên các Ủy ban của Quốc hội trong Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) để bảo đảm sự thống nhất giữa các Luật.
Tin: Văn Trọng, Ảnh: PV