Các đại lý ôtô Trung Quốc trước nguy cơ đứt vỡ chuỗi vốn

Các đại lý ôtô Trung Quốc trước nguy cơ đứt vỡ chuỗi vốn
3 giờ trướcBài gốc
Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp xe ôtô tại khu công nghiệp kỹ thuật cao ở thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) ngày 29/6/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo caixin.com ngày 24/9, hiện tại, doanh số tiêu thụ ôtô mới ở Trung Quốc đang bị lỗ trên diện rộng, các đại lý ôtô đang phải đối mặt với nguy cơ đứt vỡ chuỗi vốn và gặp khó khăn trong việc tồn tại.
Ngày 23/9, Hiệp hội Đại lý ôtô Trung Quốc (CADA) đã đưa ra một văn bản cho biết gần đây họ đã gửi báo cáo khẩn cấp cho các cơ quan chính phủ có thẩm quyền, hy vọng những cơ quan có thẩm quyền có thể ban hành các chính sách hỗ trợ để giúp những đại lý giải quyết các vấn đề khó khăn đang phải đối mặt.
Theo CADA, do nhu cầu tiêu dùng chậm chạp, các nhà sản xuất ôtô lại không ngừng gây áp lực lên các đại lý, và đẩy mức tồn kho của đại lý lên cao.
Để thu hồi vốn và giảm giá thành vốn, các đại lý chỉ có thể bị buộc phải bán xe với giá thấp. Đồng thời, cuộc chiến giá cả tại thị trường nội địa ngày càng khốc liệt, nhưng hầu hết giá xe mà các nhà sản xuất bán cho đại lý đều không giảm, điều này có nghĩa là giá nhập xe từ nhà sản xuất và giá bán xe cuối cùng đại lý đang bị “treo ngược” (giá nhập xe bằng với giá bán xe), xe bán càng nhiều thì đại lý càng lỗ.
Tháng 1/2024, một nhóm đại lý với hơn 80 cửa hàng ôtô 4S tại Quảng Đông bất ngờ "vỡ toang." Hồi tháng 6/2024, tập đoàn đại lý ôtô lớn nhất tại Diêm Thành, tỉnh Giang Tô, cũng gặp khó khăn trong hoạt động và phải bắt đầu thủ tục tổ chức lại.
Vào tháng 8/2024, một số đại lý ở Hồ Nam đã cùng nhau đưa ra một bức thư công khai nói rằng áp lực tồn kho quá lớn và họ đã ngừng nhận xe từ Beijing Hyundai…
CADA tin rằng hầu hết các sự cố là do sự đứt gãy của chuỗi vốn dẫn đến đình chỉ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Các đại lý ôtô đang tham gia vào việc kinh doanh lưu thông tài sản vốn lớn. Chỉ có một số ít đại lý trên thị trường sử dụng tiền mặt của chính họ để nhận xe từ nhà sản xuất, đại đa số các đại lý còn lại cần vay tiền từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính để nhận xe, vì vậy họ cần phải thế chấp giấy chứng nhận xe cho ngân hàng.
Sau khi chiếc xe được bán và người tiêu dùng trả tiền, đại lý trả lại khoản vay cho ngân hàng và ngân hàng trả lại giấy chứng nhận xe, để chiếc xe mới có thể được cấp phép và đăng ký treo biển thành công.
Một khi chuỗi vốn của đại lý bị đứt vỡ, lợi ích của người tiêu dùng thường bị tổn hại, ví dụ sau khi mua xe, không thể có được giấy chứng nhận và chiếc xe không thể được cấp đăng ký biển số.
CADA kêu gọi các cơ quan chính phủ chú ý đến những khó khăn tài chính và nguy cơ đóng cửa của những đại lý, đồng thời nghiên cứu và đưa ra các biện pháp cứu trợ tài chính theo từng giai đoạn.
CADA đề nghị các cơ quan chức năng cần hướng dẫn những cơ quan tài chính tăng cường hỗ trợ cho lĩnh vực đại lý ôtô, không rút vốn, tiếp tục cho vay, không gây áp lực cho vay, cho phép gia hạn linh hoạt… Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét tăng dần hạn mức tín dụng cho các đại lý ôtô.
Ôtô được trưng bày bên ngoài một đại lý bán lẻ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một giám đốc điều hành đại lý ôtô không muốn nêu tên tin rằng vấn đề lớn nhất tại thời điểm này là thiếu nhu cầu thị trường.
Ví dụ, trước đây, nhiệm vụ bán hàng của tháng về cơ bản có thể hoàn thành vào tuần thứ ba của mỗi tháng, nhưng bây giờ chỉ bằng cách giảm giá vào cuối tháng mới hoàn thành nhiệm vụ bán hàng của tháng.
Theo đại lý trên, mô hình bán xe truyền thống là các hãng sản xuất ôtô bán buôn cho các đại lý, sau đó đại lý bán cho người tiêu dùng.
Để thúc đẩy các đại lý nhận nhiều xe hơn, những nhà sản xuất đã phát triển một bộ cơ chế khuyến khích. Các đại lý chỉ có thể nhận được chiết khấu bán hàng từ các công ty xe hơi nếu họ hoàn thành nhiệm vụ bán hàng.
Trong thời kỳ bùng nổ của ngành, mặc dù giá nhập và giá cuối cùng của xe mới cũng bị “treo ngược” một chút, nhưng số tiền chiết khấu từ các nhà sản xuất có thể trang trải chi phí, và hình thức bán hàng này vẫn hoạt động bình thường.
Trong những năm gần đây, giá nhập xe mới và giá bán của các đại lý đã bị “treo ngược” nghiêm trọng, và hầu hết các nhà sản xuất đã không thể cung cấp đủ hỗ trợ cho các đại lý do hiệu quả kinh doanh của họ cũng rất kém.
Một đại lý khác tin rằng Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra chính sách đổi “đổi cũ lấy mới” xe hơi, và gần đây đã nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn trợ cấp, điều này đã và đang trực tiếp mang lại lợi ích cho ngành.
Do đó, xác suất đưa ra các biện pháp cứu trợ khác trong giai đoạn này là nhỏ. Ông tin rằng áp lực “treo ngược” giá nên được đáp ứng bằng cách giảm giá bán buôn của các nhà sản xuất xe hơi./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/cac-dai-ly-oto-trung-quoc-truoc-nguy-co-dut-vo-chuoi-von-post978929.vnp