Các địa phương cần lên phương án phòng, chống bão số 6 với tinh thần không chủ quan

Các địa phương cần lên phương án phòng, chống bão số 6 với tinh thần không chủ quan
3 giờ trướcBài gốc
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp với các bộ, ngành và địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 6, chiều 25/10. Ảnh: Bích Nguyên
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết, địa phương đã quán triệt và triển khai sớm các công điện của cấp trên và của tỉnh theo phương châm "4 tại chỗ". Đến 14 giờ ngày 25/10, tỉnh Quảng Bình còn 41 phương tiện/229 lao động đang hoạt động trên vùng biển ven bờ. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã thông báo, hướng dẫn cho các chủ tàu thuyền trên hướng di chuyển của bão số 6. Hiện, 41 phương tiện trên đang di chuyển vào bờ tránh trú.
Về tàu hàng, ông Thắng cho biết trên vùng biển của tỉnh có 52 tàu đã vào khu neo đậu an toàn. Để ứng phó với bão số 6, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương triển khai đảm bảo an toàn cho toàn bộ diện tích rau màu, nuôi trồng thủy sản.
Hiện tỉnh Quảng Bình đã huy động 100% lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai, trực sẵn sàng xử lý các điểm xung yếu. Nếu có bão đổ bộ hoặc lũ lụt, tỉnh đã chỉ đạo rà soát, chuẩn bị di dời các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, là địa phương thường xuyên bị thiên tai bão lũ nên địa phương này luôn chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai và chủ động thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ".
Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh đã triển khai kêu gọi tàu thuyền. Hiện, tất cả các tàu thuyền của tỉnh đã vào nơi neo đậu an toàn. Có 36/69 tàu thuyền của các tỉnh bạn vào neo đậu trong tỉnh.
Trên khu vực vùng biển đảo Cồn Cỏ, không còn tàu thuyền hoạt động trên biển. Chính quyền địa phương đã tổ chức kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân và tàu thuyền neo đậu tại khu neo đậu của đảo.
Theo ông Hưng, vấn đề nguy cơ nhất hiện nay là khả năng xảy ra sạt lở đất, do đó địa phương sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 6 trong đó có việc ứng phó với sạt lở đất.
Đại diện tỉnh Quảng Nam cho biết, đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 6, trong đó, trực tiếp đồng chí Chủ tịch tỉnh đã họp với các địa phương để triển khai công tác phòng, chống thiên tai.
Tỉnh Quảng Nam đã sử dụng tất cả các hình thức tuyên truyền tới người dân về bão số 6, đồng thời kiểm tra, rà soát về thông tin liên lạc, phương tiện, vật chất phục vụ chống bão số 6. Địa phương này đã thực hiện cấm biển từ 10 giờ ngày 25/10.
Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế cho biết, sáng nay tất cả tàu thuyền của địa phương đã vào neo đậu an toàn. Hiện, tại cảng Chân Mây có 20 tàu hàng đang neo đậu, lực lượng BĐBP đang tiếp tục kêu gọi tàu ngoại tỉnh vào neo đậu an toàn.
Đại tá Phạm Hải Châu thông tin về tình hình kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão số 6. Ảnh: Bích Nguyên
Thông tin về tình hình tàu thuyền, Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam cho biết, theo báo cáo của Bộ Tư lệnh BĐBP, các đơn vị Biên phòng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 67.212 phương tiện/307.822 người biết diễn biến, hướng đi của bão, trong đó có 35 tàu/184 người (Quảng Ngãi) hoạt động khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa; hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm, các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển vòng tránh.
Để ứng phó với bão số 6, Bộ Quốc phòng đã sẵn sàng hơn 200.000 người và 100 tàu ở các vùng biển sẵn sàng ứng phó khi có tình huống. Đại tá Phạm Hải Châu lưu ý, rút kinh nghiệm từ các cơn bão khác, bão số 6 rất phức tạp, có thể thay đổi hướng đột ngột, nên các địa phương cần làm tốt công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền.
Các địa phương cũng cần rà soát các nguy cơ, vị trí có thể xảy ra sạt lở để tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra; kiểm đếm và kêu gọi người trên lồng bè ven biển vào bờ tránh trú bão.
Phát biểu tại cuộc hợp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các tỉnh ven biển cần lưu ý thời gian lưu sóng do bão số 6 lâu nên khả năng cao gây sạt lở bờ biển khu vực miền Trung. Do đó, các địa phương ven biển dự báo chịu ảnh hưởng của bão số 6 cần có tính toán ngay từ đầu để phòng, chống sạt lở bờ biển.
Các địa phương cũng cần thông tin, tuyên truyền đến người dân một cách kịp thời, chính xác và đầy đủ thông tin về bão số 6 để người dân không chủ quan.
“Vấn đề thứ hai là Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải cần tiếp tục chỉ đạo di chuyển, neo đậu tàu thuyền hợp lý để đảm bảo an toàn. Các địa phương nên có thời gian cấm biển dài hơn do dự báo bão vào bờ rồi lại quay ra” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị.
Miền Trung cũng là khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung với hơn 100.000 lồng bè, theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, các địa phương cần thu hoạch bớt, cái nào di chuyển được thì di chuyển, cái nào đánh chìm được thì đánh chìm để tránh thiệt hại do bão.
Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 3, các địa phương cần triển khai làm tốt công tác chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh trước bão, kê cao tài sản, tìm chỗ đỗ ô tô tránh bị ngập úng.
Về phòng chống sạt lở đất, các địa phương cần chủ động trong di dân, hạn chế tối đa người chết, mất tích và chủ động trong rà soát các khu vực sạt lở. Đối với những khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất cần chủ động di dời dân trước.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, để ứng phó với bão số 6, các địa phương cần lên phương án phòng, chống với tinh thần không hối tiếc.
"Rút kinh nghiệm cơn bão số 3 vừa rồi, chúng ta đã lo rất tốt cho vùng ven biển nhưng vùng phía Tây lại chịu ảnh hưởng nặng" - Bộ trưởng nói.
Các tỉnh cần lên kịch bản trong mọi tình huống để chủ động ứng phó từ lương thực, thực phẩm đến nước uống. Bên cạnh đó, cũng cần chuẩn bị các phương án ứng phó như trực thăng bên phía quân đội và sẵn sàng các phương án kích hoạt cộng đồng phòng, chống thiên tai.
Bích Nguyên
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/cac-dia-phuong-can-len-phuong-an-phong-chong-bao-so-6-voi-tinh-than-khong-chu-quan-post482650.html