Ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng được đề xuất đầu tư với tổng chiều dài hơn 403km, đi qua 9 tỉnh, thành phố, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa Ga Lào Cai mới và Ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), thuộc địa phận TP Lào Cai. Điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, thuộc địa phận TP Hải Phòng. Theo tính toán sơ bộ, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 194.929 tỷ đồng (tương đương hơn 8 tỷ USD).
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng sẽ là hành lang có nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa lớn thứ 2 của cả nước, chỉ sau hành lang kinh tế Bắc-Nam. Để bảo đảm nguồn nhân lực vận hành, khai thác sau khi dự án hoàn thành, trong quá trình nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, tư vấn đã đề xuất chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo 3 loại hình đào tạo (đào tạo trong nước, đào tạo nước ngoài, kết hợp đào tạo trong và ngoài nước) với 4 cấp trình độ (công nhân kỹ thuật, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ) cho 5 chủ thể (cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị quản lý dự án, đơn vị vận hành khai thác, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu). Mặt khác, báo cáo nghiên cứu khả thi đã dự kiến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho dự án khoảng 2.431 người bằng kinh phí của dự án.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng sẽ là hành lang có nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa lớn thứ 2 của cả nước.
Trong bước tiếp theo, Ban Quản lý dự án Đường sắt sẽ tiếp tục nghiên cứu xác định cụ thể số lượng nhân lực, chi phí, phương án, hình thức đào tạo để đáp ứng đủ nhân sự phục vụ vận hành, khai thác. Ngoài ra, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt nhấn mạnh: Trong quá trình lựa chọn nhà thầu quốc tế, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu sẽ có các quy định để các nhà thầu phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà trong nước có thể sản xuất, cung cấp; có điều kiện cam kết của nhà thầu về việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho đối tác Việt Nam để làm chủ công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, từng bước làm chủ công nghệ.
Đã thống nhất với các địa phương có tuyến đường sắt đi qua
Đánh giá dự án có tách phần giải phóng mặt bằng và một số địa phương sẽ ứng ngân sách tỉnh, thành phố để triển khai, Ban Quản lý dự án Đường sắt cho rằng việc phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm cho địa phương sẽ tạo sự chủ động cho các địa phương trong quá trình chuẩn bị và có thể sớm triển khai công tác giải phóng mặt bằng, công tác tái định cư song song với quá trình triển khai phê duyệt dự án; bảo đảm cơ sở pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho địa phương triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho dự án.
Mới đây, theo báo cáo của Sở Xây dựng Lào Cai, về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tổng số hộ cần bố trí sắp xếp tái định cư để phục vụ thực hiện dự án là khoảng 746 suất, dự kiến sắp xếp tại 19 khu vực, trong đó 10 khu vực đã có quy hoạch hoặc phải điều chỉnh quy hoạch, đề xuất 9 điểm quy hoạch mới.
UBND tỉnh đã thống nhất danh mục dự án xây dựng các khu tái định cư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và giao cho các địa phương thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư gồm 16 dự án với khái toán tổng mức đầu tư hơn 290 tỷ đồng. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng các khu tái định đang được các địa phương quyết liệt thực hiện. Huyện Văn Bàn dự kiến phê duyệt dự án tái định cư trước ngày 31/5/2025. Huyện Bảo Yên dự kiến triển khai lựa chọn nhà thầu và khởi công xây dựng công trình trước ngày 13/6/2025, phấn đấu hoàn thành bàn giao công trình đưa vào sử dụng vào tháng 12/2025. Huyện Bảo Thắng dự kiến khởi công xây dựng các khu tái định cư trong tháng 6/2025. TP Lào Cai dự kiến hoàn thành các khu tái định cư trước ngày 30/9/2025.
Nằm trên địa bàn có dự án tuyến đường sắt đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng chạy qua, UBND tỉnh Hải Dương đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị để thực hiện. Theo đó, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan đầu tư xây dựng các dự án tái định cư, hoàn thành trước ngày 30/11. Sở Xây dựng phối hợp quy hoạch các khu tái định cư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm cuộc sống tốt hơn cho người tái định cư.
Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo, phối hợp các đơn vị liên quan trích đo, trích lục, lập hồ sơ thu hồi đất xong trước ngày 30/5. Sau khi dự án cắm và bàn giao mốc hiện trường, sẽ chuẩn hóa và hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất, làm cơ sở thực hiện thông báo thu hồi đất, kiểm đếm, lập phương án bồi thường.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp để chuẩn hóa hướng tuyến, cắm và bàn giao mốc hiện trường làm cơ sở lập hồ sơ thu hồi đất, thông báo thu hồi đất, kiểm đếm, lập phương án bồi thường. UBND các địa phương thuộc Hải Dương có dự án đi qua chủ trì, triển khai di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hoàn thành trước ngày 30/11/2025. Đến nay, Hải Dương đã hoàn thành một số nội dung như: Rà soát, kiểm đếm đất đai, xác định nguồn gốc đất, tài sản trên đất, số hộ bị thu hồi đất ở, số hộ thuộc diện tái định cư, số lô đất tái định cư, số khu tái định cư, vị trí, quy mô các khu tái định cư.
Riêng tại địa bàn Hải Phòng, tuyến chính dài khoảng 48,9km và hai tuyến nhánh dài hơn 18,9km, gồm tuyến từ ga Nam Hải Phòng đến ga Nam Đồ Sơn và tuyến từ Trạm tác nghiệp kỹ thuật Nam Đình Vũ đến ga Đình Vũ. Tốc độ thiết kế cho tuyến chính là 160km/h, còn các tuyến nhánh đạt 80km/h. Dự kiến, diện tích cần giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố là khoảng 370ha, thuộc 5 quận, huyện. Từ đầu tháng 5 đến nay, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng đã nhiều lần trực tiếp đi kiểm tra thực địa tại các khu vực dự kiến tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua trên địa bàn thành phố. Tại các cuộc kiểm tra, lãnh đạo tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo, đôn đốc công tác quản lý và chuẩn bị GPMB, sẵn sàng cho giai đoạn triển khai Dự án khi được phê duyệt chính thức.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng đặc biệt lưu ý việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Chủ tịch đề nghị công tác tuyên truyền, vận động cần được thực hiện minh bạch, hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong tương lai cần được xây dựng trên cơ sở khoa học, khả thi, bảo đảm đời sống người dân sau di dời bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ…
Đặng Nhật