Tại xã Tân Tiến có 300 ha lúa bị ngập sâu.
Tính đến sáng nay, xã Tân Tiến ghi nhận khoảng 300ha lúa bị ngập sâu, 500ha diện tích nuôi trồng thủy, hải sản và 30ha rau màu chịu ảnh hưởng.
Trao đổi với phóng viên, ông Mai Văn Tài, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, cho biết: “Chúng tôi đang huy động tối đa lực lượng, tổ chức trực ban 24/24h để theo dõi sát diễn biến thời tiết và mực nước. Đồng thời, tiếp tục kiểm đếm diện tích ngập, triển khai biện pháp tiêu úng nhằm cứu diện tích lúa và rau màu còn khả năng khắc phục.”
Tàu thuyền neo đậu an toàn tại bến neo đậu cống Mộng Giường 2, xã Tân Tiến.
Về công tác đảm bảo an toàn cho ngư dân, đến thời điểm này, 117 tàu thuyền của xã Tân Tiến và một số tàu lân cận đã được neo đậu an toàn tại bến neo đậu cống Mộng Giường 2.
Chính quyền xã Tân Tiến kiểm tra tình hình tiêu thoát nước tại Cống Mộng Giường 2.
Công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” được triển khai quyết liệt. Các vật tư như đất dự trữ, đá hộc, tre, cọc tre, bao tải, phên liếp, bạt lưới... đã được phân bổ, dự trữ tại các điểm quy định.
Vật tư phục vụ “4 tại chỗ” được Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS xã Tân Tiến chủ động.
Ban Chỉ huy PCTT, TKCN& PTDS xã liên tục bám sát các khu vực xung yếu, nhất là tuyến đê tại Nga Tiến (cũ) và các công trình thoát nước. Các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn người dân kê cao tài sản, chủ động di dời khi có nguy cơ sạt lở hoặc ngập sâu. “Chúng tôi phối hợp chặt với dân quân tự vệ, công an, đội xung kích phòng chống thiên tai để xử lý nhanh các tình huống phát sinh, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân,” ông Tài nhấn mạnh.
Tại xã Nga An, đến 12h ngày 22/7, địa phương ghi nhận gần 500ha lúa mới cấy và lúa đẻ nhánh bị ngập. Ông Mai Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Nga An, thông tin: “Từ 5h-10h sáng nay, do thủy triều và các sông dâng cao hơn đồng ruộng nên nước mưa không tiêu thoát được. Chúng tôi đang huy động tối đa máy móc, thiết bị tiêu úng để bảo vệ diện tích lúa, hoa màu. Khi thủy triều rút, việc tiêu thoát nước sẽ thuận lợi hơn. Hiện xã duy trì trực ban 24/24h để kịp thời ứng phó.”
Xã Nga An huy động lực lượng, phương tiện trực 24/24h, sẵn sàng ứng phó với sự cố trên đê sông Càn.
Các xã thuộc địa bàn huyện Nga Sơn (cũ) có 2.642 ha lúa, hoa màu, thủy sản bị ngập.
Thống kê sơ bộ đến 12h trưa, các xã thuộc địa bàn huyện Nga Sơn (cũ) có 2.642 ha lúa, hoa màu, thủy sản bị ngập. Chính quyền các xã đã huy động tối đa lực lượng dân quân tự vệ, công an, đội xung kích phòng chống thiên tai túc trực tại các điểm xung yếu, nhất là tuyến đê, cống tiêu, sẵn sàng phương án xử lý sự cố, hỗ trợ Nhân dân kê cao tài sản, giảm thiểu thiệt hại.
Xã Nga An huy động phương tiện khơi thông dòng chảy.
Tại xã Vạn Lộc, thống kê đến trưa 22/7, có 562 ha hoa màu bị ngập úng, trong đó 459 ha lúa, gần 20 ha ngô, 23,9 ha rau màu cùng nhiều diện tích khoai lang, đậu, vừng, ngô ngọt. Đáng chú ý, một trại gà 7.000 con tại thôn Yên Hòa cũng bị nước dâng cao uy hiếp.
Dân quân tự vệ, quân đội hỗ trợ chủ trang trại ở thôn Yên Hòa di dời toàn bộ gia cầm về nơi an toàn.
Trao đổi nhanh với chúng tôi, ông Đoàn Văn Nga, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Lộc, cho biết: “Địa phương đã huy động lực lượng dân quân tự vệ, quân đội hỗ trợ chủ trại di dời toàn bộ gia cầm về nơi an toàn. Xã cũng đã phân công trực 24/24h, tập trung tiêu úng diện tích hoa màu đang bị ngập".
Đến nay, 440 tàu cá của xã Vạn Lộc đã được neo đậu an toàn, trong đó 426 tàu về bến địa phương và 14 tàu tránh trú tại các bến ngoài tỉnh.
Trong sáng nay, chính quyền xã cũng phối hợp, huy động, thuê phương tiện vớt rác tại Cống Ba Gồ để khơi thông dòng chảy, đẩy nhanh tiêu thoát nước cho cánh đồng và khu dân cư.
Xã Vạn Lộc huy động phương tiện vớt rác tại Cống Ba Gồ, khơi thông dòng chảy, đẩy nhanh tiêu thoát nước.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Thanh Hóa, tính đến 12h trưa 22/7, nhiều khu vực ven biển ghi nhận lượng mưa rất lớn. Tại Trạm Nga Thiện, lượng mưa đo được lúc 7h sáng là 336,8mm và tăng lên 412 mm lúc 12h. Khu vực Sầm Sơn cũng ghi nhận lượng mưa 384mm. Các địa phương khác như Hậu Lộc, Hoằng Hóa (cũ) nằm trong vùng cảnh báo mưa rất to, nguy cơ ngập úng diện rộng.
Dự báo trong 6 giờ tới, nguy cơ ngập lụt vẫn ở mức cao tại các vùng trũng thấp, khu đô thị ven biển và ven sông suối. Các xã như Nga An, Nga Thắng, Tân Tiến... cần đặc biệt lưu ý, chủ động phương án phòng chống ngập úng để giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, đời sống.
Theo báo cáo nhanh, tính đến 11h trưa 22/7, mưa do ảnh hưởng của bão số 3 đã làm ngập khoảng 7.200ha lúa, hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, tập trung ở các xã, phường thuộc địa bàn huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, Bỉm Sơn, Thiệu Hóa và TP Thanh Hóa (cũ).
Tại thôn Thành Lợi (xã Tân Thành) có 15 hộ/70 khẩu bị chia cắt tạm thời do nước dâng hơn 1m qua đường tràn cầu Cửa Dụ.
Toàn tỉnh đã chủ động sơ tán 102 hộ/468 khẩu đến nơi an toàn, huy động 34 trạm bơm với 151 máy hoạt động liên tục để tiêu úng.
Ngoài ra, đã xảy ra sạt lở mái đê dài 47m tại đê Tây sông Cùng (Hoằng Châu) và sự cố chìm đò ngang trên sông Mã gây thiệt hại 100 triệu đồng.
Minh Hằng