Hôm 4/2, Trung Quốc đã công bố vòng thuế quan trả đũa mới nhất sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Vòng thuế quan mới công bố của Trung Quốc bao gồm mức thuế 15% đối với than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng và mức thuế 10% đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp và một số loại ô tô nhập khẩu từ Mỹ, thuế quan có hiệu lực từ ngày 10/2.
Các động thái này đã làm gia tăng sự bất ổn trên toàn thế giới và làm dấy lên khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ làm chậm quá trình nới lỏng tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
Các nhà phân tích cho biết, tác động lan tỏa của những động thái này có thể thể hiện đặc biệt rõ rệt ở Đông Nam Á.
Lo ngại các ngân hàng trung ương chậm cắt giảm lãi suất
“Các ngân hàng trung ương trong khu vực có khả năng sẽ chậm lại trong việc cắt giảm lãi suất nếu Fed làm vậy, vì nếu không, tiền tệ châu Á có thể giảm mạnh so với đồng đô la Mỹ”, Mansoor Mohiuddin, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Singapore cho biết.
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp châu Á kể từ năm ngoái đã đặt hy vọng vào việc các ngân hàng trung ương sẽ hạ lãi suất, sau khi đi theo Fed trong chu kỳ tăng lãi suất bắt đầu vào tháng 3/2022.
Tiền tệ châu Á cũng đã suy yếu so với đồng đô la Mỹ kể từ khi Tổng thống Trump áp dụng mức thuế quan trong bối cảnh lo ngại rằng chi phí nhập khẩu tăng có thể đẩy lạm phát tăng trở lại ở Mỹ.
“Đợt áp thuế mới nhất có thể chỉ là đợt đầu tiên trong một cuộc chiến thương mại rộng lớn hơn. Nếu đồng đô la Mỹ tiếp tục mạnh lên so với các loại tiền tệ châu Á do mức thuế bổ sung 10% của Mỹ đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc thì điều này sẽ đẩy chi phí thương mại toàn cầu của các doanh nghiệp ở châu Á lên cao”, nhà kinh tế trưởng Mansoor Mohiuddin cho biết.
“Các công ty trong khu vực có thể trì hoãn đầu tư do rủi ro Mỹ áp thuế đối với các quốc gia ở châu Á ngoài Trung Quốc. Điều này sẽ gây tổn hại đến tăng trưởng theo thời gian”, ông cho biết thêm.
Mặc dù mức thuế mà Nhà Trắng đưa ra với Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với mức thuế 60% mà Tổng thống Trump tuyên bố trong chiến dịch tranh cử, nhưng các nhà phân tích cho biết rủi ro là bao quát hơn rất nhiều.
“Nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, với mức thuế trả đũa leo thang và gián đoạn chuỗi cung ứng, thì có khả năng sẽ đẩy chi phí chung của thương mại toàn cầu lên cao… Các doanh nghiệp châu Á, đặc biệt là những doanh nghiệp tích hợp vào chuỗi cung ứng Mỹ - Trung, sẽ gánh chịu phần lớn chi phí tăng này và có thể phải đối mặt với biên lợi nhuận bị thu hẹp”, James Ooi, chiến lược gia thị trường tại Tiger Brokers cho biết.
Đông Nam Á đặc biệt chịu ảnh hưởng
Các công ty Đông Nam Á đã đạt được lợi nhuận trong bối cảnh phương Tây nỗ lực đa dạng hóa khỏi Trung Quốc, và xu hướng này đã trở nên sâu sắc hơn trong những năm Covid khi các nhà sản xuất toàn cầu áp dụng chiến lược "Trung Quốc + 1" – thông qua mở rộng hoạt động sản xuất nhiều loại sản phẩm từ Apple AirPods đến chip Intel tại các quốc gia như Việt Nam và Malaysia để giảm rủi ro về địa chính trị và chuỗi cung ứng.
"Mỹ là điểm đến xuất khẩu chính của Đông Nam Á, một phần là do chiến lược Trung Quốc + 1. Nếu thuế quan thương mại của Mỹ đẩy nhanh quá trình phi toàn cầu hóa và khuyến khích các nhà sản xuất chuyển đến Mỹ, các nền kinh tế Đông Nam Á phụ thuộc vào xuất khẩu có thể phải đối mặt với những thách thức dài hạn… Sẽ rất khó để thay thế Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu chính khi xét đến quy mô thị trường và nhu cầu lớn của nước này", chiến lược gia James Ooi cho biết.
Các nhà phân tích cho biết, rủi ro từ các biện pháp trừng phạt đã gia tăng khi chương trình nghị sự "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" của Tổng thống Trump hướng đến việc tập trung nhiều hơn vào sản xuất tại Mỹ.
"Nếu Mỹ mở rộng các biện pháp thuế quan đối với các nước châu Á, đặc biệt là ở Đông Nam Á, các quốc gia bị ảnh hưởng có thể cho phép đồng nội tệ suy yếu so với đồng đô la Mỹ để duy trì sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu ", chiến lược gia James Ooi cho biết.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, việc mất giá tiền tệ sẽ đẩy chi phí nhập khẩu tăng cao - bao gồm cả các mặt hàng thiết yếu như dầu thô và khí đốt tự nhiên vì sự biến động trên thị trường tài chính khó có thể sớm ổn định.
Trong khi đó, Tổng thống Trump dự kiến sẽ sử dụng mối đe dọa về thuế quan đối với các quốc gia khác để đàm phán các điều khoản thương mại tốt hơn và giảm thặng dư thương mại với Mỹ.
“Với việc thị trường hiện buộc phải suy đoán về Tổng thống Trump về các hành động chính sách thương mại tiếp theo, sự bất ổn trong chính sách thương mại của Mỹ đã đạt mức cao nhất trong 40 năm, ngoại trừ mùa hè năm 2019 khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lên đến đỉnh điểm… Chúng tôi dự kiến sự biến động của thị trường sẽ vẫn ở mức cao trong thời gian tới do rủi ro đáng kể về một thông báo thương mại có tác động lớn khác đối với Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản”, Peter van der Welle, chiến lược gia đa tài sản tại công ty quản lý tài sản Robeco cho biết.
Theo báo cáo mới của ANZ, bóng ma thuế quan có vẻ sẽ ám ảnh các nền kinh tế châu Á, vì hầu hết các nước đều có thặng dư thương mại với Mỹ và lượng hàng nhập khẩu từ khu vực này đã tăng trong những năm gần đây.
Báo cáo của ANZ xác định Việt Nam, Hàn Quốc và Malaysia “là những nước dễ bị tổn thương nhất trong khu vực trước mức thuế quan cao dưới nhiệm kỳ thứ hai của chính quyền Trump”.
“Đối với các doanh nghiệp châu Á, tốc độ tăng thuế quan nhanh chóng là điều đáng ngạc nhiên, nhưng sự leo thang căng thẳng thì không, vì nhiều người đã dự đoán rằng chính quyền ông Trump sẽ đối đầu với Trung Quốc”, Trinh Nguyen, nhà kinh tế cấp cao tại Natixis Corporate & Investment Banking cho biết.
Bà cho biết, Trung Quốc đã bắt đầu hạ lãi suất và tái cấu trúc chuỗi cung ứng để tránh thuế quan, với nhiều khoản đầu tư hơn hướng đến các nước láng giềng ở Đông Nam Á.
Trong khi đó, việc Mỹ hoãn áp thuế đối với Canada và Mexico được xem là một dấu hiệu tích cực cho các tài sản rủi ro "vì có vẻ như thuế quan của Tổng thống Trump có thể chỉ mang tính răn đe hoặc có thể ít hơn so với lo ngại trước đây", nhà kinh tế Trinh Nguyen cho biết.
"Điều đó có nghĩa là Tổng thống Trump khó có thể nhắm vào Đông Nam Á hoặc các quốc gia khác khác ở châu Á…Các nước Đông Nam Á có thể đang trải qua thời gian tạm lắng vì hiện tại đang tập trung vào vấn đề nhập cư và Trung Quốc. Nếu Tổng thống Trump nhắm vào toàn bộ chế độ thương mại toàn cầu, thì điều đó sẽ gây bất lợi cho Đông Nam Á”, nhà kinh tế Trinh Nguyen cho biết.
Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài