Theo đó, hiện có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử, tăng 5 đơn vị so với lần cập nhật cuối tháng trước. Danh sách các nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế gồm Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netfix, Apple...
Tính đến đầu tháng 10, các doanh nghiệp xuyên quốc gia nói trên đã nộp hơn 8.600 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, với khoản nộp thêm này, lũy kế tính từ tháng 3-2022 (thời điểm cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài được Tổng cục Thuế đưa vào vận hành), các doanh nghiệp ngoại đã nộp 20.174 tỷ đồng.
Hiện những nhà cung cấp nước ngoài như Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple... đang nắm giữ khoảng 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.
Gần đây, một số nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688 bán hàng vào Việt Nam nhưng chưa đăng ký kinh doanh với nhà chức trách. Các sàn này cũng thuộc đối tượng phải kê khai và nộp thuế theo diện nhà cung cấp nước ngoài.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn, các nhà cung cấp ngoại này có trách nhiệm đăng ký, tự tính, khai, nộp thuế trực tiếp thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo quý.
Dù tự kê khai, song theo ông Sơn, trường hợp phát hiện nhà cung cấp báo cáo chưa đúng doanh thu, cơ quan thuế đối chiếu dữ liệu để xác định. Sau đó, họ sẽ yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ và thanh, kiểm tra khi có dấu hiệu gian lận, trốn thuế.
Cũng theo đại diện Tổng cục Thuế, đối với Temu, chủ sở hữu của sàn thương mại điện tử, kê khai doanh thu quý 3-2024 bằng 0. Nhưng dự kiến từ tháng 10-2024, sàn này sẽ phải kê khai thuế và cộng gộp vào quý sau.
LƯU THỦY