Ảnh minh họa
Tham gia khảo sát của Vietnam Report mới đây, phần lớn doanh nghiệp cho rằng mặc dù rủi ro vẫn tiềm ẩn từ các yếu tố bên ngoài nhưng năm 2025 ngành xây dựng sẽ bước vào quỹ đạo phục hồi và tăng trưởng. Cụ thể, 65,4% số doanh nghiệp tin tưởng sự khởi sắc của nền kinh tế với mục tiêu tăng trưởng trên 8% sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp thị trường xây dựng sôi động hơn trong giai đoạn này. Đồng thời, đòn bẩy từ chính sách hỗ trợ và cải cách đang là động lực lớn, giúp doanh nghiệp “tái sinh”.
HÀNG LOẠT YẾU TỐ THÚC ĐẨY DOANH NGHIỆP XÂY DỰNG "VƯƠN MÌNH"
Năm 2025 được kỳ vọng là thời điểm thẩm thấu của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi, nhiều vướng mắc pháp lý được tháo gỡ, tạo điều kiện cho các dự án bất động sản triển khai nhanh hơn, kéo theo nhu cầu xây dựng gia tăng. Ngoài ra, Nghị quyết số 171/2024/QH15 của Quốc hội sẽ mở ra cơ chế linh hoạt hơn, tận dụng các khu đất chưa được sử dụng hiệu quả, tạo ra một làn sóng đầu tư mới, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp xây dựng sẽ có thêm nhiều hợp đồng thi công.
Năm 2025 cũng là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và là điểm rơi hoàn thành một số dự án quan trọng, do đó, được kỳ vọng chứng kiến nguồn vốn đầu tư công "chạy nước rút" về đích, kết cấu hạ tầng có bước đột phá, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực. Đại hội XIII đã đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, từ đó, tạo dư địa tăng trưởng lớn cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng.
Ngoài ra, những nỗ lực của Chính phủ trong việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng trong việc huy động vốn, mở rộng hoạt động và đầu tư công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, việc hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải sẽ giúp thống nhất đầu mối quản lý, giảm thủ tục hành chính không cần thiết, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, tối ưu hóa đầu tư công và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án hạ tầng lớn được triển khai nhanh chóng và đồng bộ. "Ví dụ, một dự án đường cao tốc đô thị không chỉ liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông mà còn ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị và phát triển bất động sản xung quanh. Khi có một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm từ quy hoạch đến triển khai, các doanh nghiệp xây dựng có thể tiếp cận và thực hiện dự án nhanh hơn, tránh những vướng mắc về pháp lý", đại diện một doanh nghiệp cho biết.
Sự hợp nhất này cũng tạo điều kiện cho việc thống nhất các định mức, đơn giá, quản lý đầu tư xây dựng, tránh tình trạng phải xin ý kiến giữa hai bộ. Sự đồng bộ giữa quy hoạch đô thị và phát triển giao thông sẽ được nâng cao, giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Đặc biệt, với các công trình hạ tầng giao thông quy mô lớn và phức tạp, sự thống nhất trong quản lý giúp đảm bảo chất lượng, tiến độ và giảm tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.
Hạ tầng giao thông phát triển đến đâu, đô thị mở rộng đến đó, kéo theo sự tăng trưởng của khu công nghiệp, trung tâm thương mại và dịch vụ, tạo ra chuỗi giá trị, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và đóng góp tích cực vào nền kinh tế.
Các doanh nghiệp cũng nhìn nhận rằng cơ hội là rất lớn, song rủi ro vẫn còn nhiều. Trong đó, quản trị rủi ro về mặt tài chính đang là một yếu tố cốt lõi duy trì sức khỏe của doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, mặc dù có giảm so với năm trước song tỷ lệ doanh nghiệp chia sẻ gặp khó khăn về vốn lưu động vẫn đạt 42,3%. Nợ đọng xây dựng, bị “câu giờ” trong thanh toán vẫn là vấn nạn đối với các nhà thầu. Hơn nữa, xây dựng là ngành có nhiều đặc thù phức tạp, đòi hỏi một lực lượng lao động lớn, từ công nhân lành nghề đến đội ngũ kỹ sư, kiến trúc sư, chuyên gia quản lý dự án có trình độ cao và kỹ năng chuyên môn tốt… nhưng đội ngũ này đang thiếu và yếu.
CHÚ TRỌNG ĐẦU TƯ, NÂNG CAO TẦM VÓC
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp xây dựng đang nỗ lực vượt qua thách thức, chú trọng đầu tư, nâng cao tầm vóc. Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy 84,6% số doanh nghiệp xây dựng ưu tiên tăng cường đào tạo và cải thiện chất lượng nhân sự là chiến lược hàng đầu trong năm 2025. Bài toán nhân lực không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo đủ số lượng lao động mà còn đòi hỏi sự nâng cao về trình độ chuyên môn, kỹ năng công nghệ và khả năng thích ứng với những yêu cầu yêu cầu kỹ thuật cao ngày càng cao của các công trình.
Lực lượng lao động phải có tư duy đổi mới, khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa và hiểu biết sâu rộng về các tiêu chuẩn kỹ thuật toàn cầu. Vì vậy, chiến lược tăng cường đào tạo nhân sự không chỉ là giải pháp tình thế mà còn là động lực cốt lõi để doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững trong dài hạn và nâng cao vị thế trên thị trường.
Đồng thời, có 84,6% số doanh nghiệp dự kiến mức độ đầu tư công nghệ trong năm 2025 tăng so với năm 2024. Các doanh nghiệp xác định trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, thay vì tập trung chạy đua bằng cách hạ giá bất chấp, doanh nghiệp phải tái tạo sức cạnh tranh mới từ công nghệ, nhằm nâng cao giá trị cho khách hàng và cũng là giải pháp nâng tầm giá trị của mình.
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp xây dựng đang đặt mục tiêu mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài và cũng nỗ lực nâng cao chất lượng để cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế. Hiện thực hóa tham vọng này không hề dễ dàng khi doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức: 69,2% doanh nghiệp cho rằng thiếu thông tin và kinh nghiệm về thị trường là rào cản lớn nhất, 65,4% lo ngại về rào cản pháp lý và quy định tại thị trường nước ngoài, trong khi 53,8% quan ngại về biến động tỷ giá ngoại tệ gây rủi ro tài chính. Ngoài ra, các vấn đề về logistics, khác biệt văn hóa, nhân lực chuyên môn và chi phí đầu tư cao cũng là những thách thức đáng kể...
Tuy nhiên, khi nhu cầu về hạ tầng, đô thị hóa và xây dựng công nghiệp tại nhiều quốc gia đang tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh thị trường trong nước dần bão hòa và cạnh tranh gay gắt, chiến lược “ngoại tiến” mở ra không gian phát triển rộng lớn cho doanh nghiệp xây dựng. Doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế này để đa dạng hóa nguồn doanh thu, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, từ đó nâng cao tính ổn định và bền vững trong hoạt động kinh doanh.
Theo đánh giá của Vietnam Report, với sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, nhân lực và mô hình phát triển bền vững cùng với tinh thần sẵn sàng chinh phục những tiêu chuẩn cao hơn, các doanh nghiệp ngành xây dựng sẽ bước vào một giai đoạn tăng trưởng vững chắc hơn, kể từ 2025. Ở giai đoạn “tái sinh” này, những doanh nghiệp có tầm nhìn và chiến lược bài bản sẽ nắm bắt cơ hội để bứt phá, tạo ra phiên bản tốt nhất của bản thân.
Phan Nam