Theo Sở Tài chính TPHCM, quý I/2025, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới là 6.632 DN với số vốn đăng ký mới là 42.014 tỷ đồng, giảm 39,7% về số lượng, giảm 55,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Đặc biệt, có 963 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,3% so với cùng kỳ; có 16.904 DN tạm ngưng hoạt động, tăng 10,3% so với cùng kỳ; 6.212 DN hoạt động trở lại, tăng 19% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Khắc Hoàng - Chi Cục trưởng Chi cục Thống kê thành phố cho rằng, trong quý vừa qua, cứ 1 DN gia nhập thị trường thì có 1,4 DN rút lui. Trong khi, tỷ lệ này vào các năm 2021 chỉ ở mức 1:0,6 và năm 2022 là 1:0,9. Kết quả khảo sát mới đây được Chi cục Thống kê thành phố công bố cho thấy, trong quý 1/2025, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng DN rút lui khỏi thị trường. Cụ thể, 37,3% DN cho biết nhu cầu thị trường trong nước còn thấp; 27,1% cho rằng tính cạnh tranh của các ngành hàng trong nước chưa cao; khoảng 18% khẳng định nhu cầu thị trường quốc tế thấp.
Nhiều doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, gỡ vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Phước Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (Huba) thông tin, trong 2 tháng đầu năm nay, trên cả nước, số DN rút lui khỏi thị trường là 67.000 DN, cao hơn số DN gia nhập thị trường 49.800. Ngoài ra, có gần 56.900 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước; gần 6.400 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 36,3%; gần 3.800 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,3%. Bình quân một tháng có hơn 33.500 DN rút lui khỏi thị trường. Về nguyên nhân, theo đại diện Huba, các khó khăn của DN quý I/2025 cho thấy, có 37% DN thiếu các đơn hàng mới; 38% cho rằng giá nguyên liệu đầu vào tăng; 50% khó do nhu cầu tiêu dùng suy giảm; 39% thiếu vốn kinh doanh; 20.7% khó tuyển dụng được lao động.
Dù vậy, ông Nguyễn Khắc Hoàng vẫn đưa ra dự báo xu hướng kinh doanh quý II/2025 sẽ tốt hơn. Ghi nhận có 43,1% DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt lên, 39,4% giữ ổn định và 17,5% khó khăn hơn. Trong đó, có 81,0% DN Nhà nước có cái nhìn tích cực về tình hình kinh doanh trong quý II, tỷ lệ này ở khu vực có vốn từ nước ngoài và ngoài Nhà nước tương ứng là 85,1% và 81,3%.
Tương tự, theo ông Nguyễn Phước Hưng, có tới 63% DN đánh giá môi trường kinh doanh đang tích cực và 85,7% số DN tin tưởng tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn trong thời gian tới. Ông Hưng dẫn chứng, ngành lương thực - thực phẩm đang tiếp tục hưởng lợi nhờ nhu cầu hàng hóa thiết yếu tăng cao trên thế giới và lợi thế tuyệt đối của các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của nước ta (dừa, sầu riêng, hồ tiêu, cà phê, điều, thủy sản…) trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhờ vậy, doanh số bán lẻ hàng hóa nhóm này tăng lên đáng kể, ấn tượng nhất là ngành hàng dịch vụ ăn uống. Dự báo năm 2025 ngành lương thực - thực phẩm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định ở mức trên 8%, đặc biệt là các phân khúc thực phẩm chế biến sâu, thực phẩm hữu cơ, và thực phẩm chức năng...
Dù kỳ vọng khá cao vào thị trường sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, thế nhưng cộng đồng DN vẫn mong muốn môi trường kinh doanh cần tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn. Đơn cử, Huba cho rằng, có khoảng 58.7% DN cần hỗ trợ vốn tín dụng; 58.7% muốn đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng; 49% giảm hoặc gia hạn các loại thuế, phí... Vì vậy, cần có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên và có chính sách để phát triển, thu hút và đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính. Đồng thời, cần có chính sách cho vay mở rộng, ưu đãi cho DN gia đình, hoặc đơn giản hóa thủ tục vay vốn, điều kiện vay…
THANH GIANG