Một nửa số doanh nghiệp tham gia khảo sát của HUBA cho biết đang gặp khó khăn do nhu cầu tiêu dùng suy giảm. Ảnh: Duy Hiệu.
Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa công bố báo cáo quý I, phản ánh nhiều thách thức mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Chính sách thương mại mới của Mỹ làm gia tăng khả năng bùng nổ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, làm cho nhiều loại hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ bị kiểm tra, soi xét gắt gao và thị trường nội địa có thể sẽ đón lượng hàng hóa giá rẻ khổng lồ từ Trung Quốc chuyển sang.
Nhu cầu tiêu dùng suy giảm
Trước những thách thức trên, tình trạng giải thể, phá sản, tạm ngừng kinh doanh vẫn phổ biến ở một số ngành truyền thống. Trong 2 tháng đầu năm nay, trên cả nước, 67.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường, cao hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường (49.800 doanh nghiệp).
Bên cạnh đó, có gần 56.900 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và gần 6.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 36%.
Ngoài ra, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể cũng tăng 10% (3.800 doanh nghiệp). Như vậy, mỗi tháng trung bình có hơn 33.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Đáng chú ý, 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát của HUBA cho biết đang gặp khó do nhu cầu tiêu dùng suy giảm, 37% cho biết thiếu các đơn hàng mới.
Mặt khác, 38% doanh nghiệp phải chịu giá nguyên liệu đầu vào tăng và 39% doanh nghiệp gặp phải tình trạng thiếu vốn kinh doanh. Ngoài ra, các yếu tố như khó tuyển dụng lao động, giá thuê đất tăng cao hay thuế, phí và các khoản nộp ngân sách cao cũng khiến cho doanh nghiệp phải lao đao.
Thông qua kết quả khảo sát, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa thực sự khả quan.
Dù gần 70% doanh nghiệp có doanh thu bán hàng tăng, số giảm cũng chiếm hơn 30%.
Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng cao nên có tới 39% số doanh nghiệp có lợi nhuận giảm. Tuy nhiên, khá nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng đầu tư với 34% doanh nghiệp cho biết sẽ tăng tuyển dụng lao động.
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, 63% doanh nghiệp vẫn đánh giá môi trường kinh doanh đang tích cực và 86% số doanh nghiệp tin tưởng tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn trong thời gian tới.
Đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, doanh nghiệp kiến nghị TP.HCM hỗ trợ vốn tín dụng, giảm lãi suất.
Đồng thời, việc đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng, giảm hoặc gia hạn các loại thuế, phí đều là các vấn đề mà doanh nghiệp kiến nghị thông qua khảo sát.
Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và nhanh chóng giải quyết các kiến nghị cũng được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
HUBA đề xuất TP.HCM cắt giảm 30% thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm chi phí kinh doanh và thời gian giải quyết công việc hành chính.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng bổ sung thêm kiến nghị về việc gia hạn lâu dài chính sách giảm lãi suất và cơ cấu nợ theo Thông tư số 02/2023 của Ngân hàng Nhà nước để giúp doanh nghiệp trả nợ cũ và bổ sung vốn lưu động.
Các ngân hàng thương mại được đề nghị giảm biên lợi (NIM) xuống còn 2,5% để giảm tối đa lãi suất vay vốn, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp.
Về vấn đề hỗ trợ phát triển kinh doanh, HUBA kiến nghị Nhà nước chuyển các chính sách hỗ trợ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành quy định chung cho tất cả doanh nghiệp.
TP cũng cần tập trung phát triển mạng lưới giao thông, hoàn thiện hệ thống đường bộ hiện có, phát triển thêm các phương thức lưu thông mới và nhanh chóng đẩy mạnh việc khởi công và hoàn thiện các tuyến metro, các đường vành đai nhằm khép kín mạng lưới giao thông một cách sớm nhất.
Đối với thị trường bất động sản, các doanh nghiệp mong muốn TP ban hành các cơ chế đặc thù, các chính sách mới, có tính đột phá nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của người dân và doanh nghiệp.
Anh Nguyễn