Nhà gỗ hoàn thiện là một trong những sản phẩm mới có tiềm năng xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: V.GIA
Nhật Bản là thị trường đồ gỗ khó tính với xu hướng tiêu dùng và phong cách sống có những nét khác biệt, điều đó đặt ra vấn đề am hiểu lối sống, tập quán của khách hàng đối với các doanh nghiệp (DN) khi muốn xuất khẩu sang thị trường này.
Thị trường giao thương quan trọng của Việt Nam
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu Việt Nam và Nhật Bản đạt 46,2 tỷ USD, tăng 2,77% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Nhật Bản đạt 24,6 tỷ USD, tăng 5,55% so với năm 2023. Việt Nam xuất siêu sang Nhật Bản 1,23 tỷ USD.
Hàng dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng thủy sản, phương tiện vận tải và phụ tùng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, giày dép các loại… là những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản. Các ngành này trong năm qua đều có kim ngạch tăng từ 0,65%-37,65% so với năm 2023.
Sản phẩm gỗ là một trong 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai. Trong 3 tháng đầu năm 2025, Đồng Nai xuất khẩu sản phẩm gỗ hơn 363,3 triệu USD.
Riêng với ngành gỗ, năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Nhật Bản chiếm 10,8% trong tổng số gần 16 tỷ USD xuất khẩu toàn ngành. 2 tháng đầu năm nay, theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,52 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2024. Ngoài Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 55% thì Nhật Bản và Trung Quốc là 2 thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng 11,7% và 9,8%.
Mặc dù là thị trường lớn cho xuất khẩu nói chung, ngành gỗ nói riêng của Việt Nam và có nhiều cơ hội mở rộng giá trị xuất khẩu song nhìn chung đây là một trong những thị trường có nhiều quy định nhập khẩu nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Trong khi đó, nhiều sản phẩm của Việt Nam chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất về chất lượng và thường hạn chế về hình thức, mẫu mã, chủng loại, chưa chú trọng đến việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm.
Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh, muốn giảm thiểu những rủi ro, các DN cần có kế hoạch kinh doanh bài bản, dài hạn đối với thị trường Nhật Bản. Đồng thời, đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nắm bắt xu hướng để đưa sản phẩm sang Nhật Bản
Theo các chuyên gia, trong dài hạn, tiềm năng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, sang Nhật Bản có nhiều triển vọng, bởi đây là thị trường có dân số đông, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao. Ngoài ra, tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, ghế khung gỗ, đồ nội thất văn phòng của Nhật Bản từ Việt Nam vẫn còn thấp, còn dư địa để khai thác.
Doanh nghiệp trưng bày sản phẩm gỗ tại chợ đầu mối đồ gỗ Hố Nai (thành phố Biên Hòa). Ảnh:V.Thế
Dư địa xuất khẩu nhiều, song Việt Nam cũng đối diện không ít áp lực cạnh tranh, gay gắt từ những quốc gia có sự tương đồng về vị trí địa lý như: Trung Quốc, Malaysia, Indonesia… Một vấn đề nữa là các DN cần khảo sát, nắm bắt tâm lý, xu hướng tiêu dùng của người dân để có kế hoạch đúng.
Ông Tomohiro Koyama, biên tập viên Tạp chí Home Living World (Nhật Bản) chuyên thông tin về ngành gỗ, chia sẻ đối với thị trường Nhật, thị hiếu mua đồ gỗ nội thất là chú trọng về sự tiện dụng và phù hợp, hơn là quan tâm đến thương hiệu. Bên cạnh đó, người dân Nhật cũng như các nhà sản xuất, nhà thương mại mở các cửa hàng trực tiếp để giới thiệu, mua bán sản phẩm nên các đối tác xuất khẩu cần nắm rõ những đặc điểm, xu hướng tiêu dùng để có thể đưa ra lựa chọn, tìm kiếm khách hàng phù hợp.
Người Nhật, họ thường có xu hướng xây dựng không gian sống bằng chất liệu gỗ để gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường và tốt cho sức khỏe. Người Nhật ngày càng có khuynh hướng thích sống trong những ngôi nhà gỗ và chung cư có nội thất chủ yếu là gỗ.
Về phía các DN, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (thành phố Biên Hòa) Võ Quang Hà cho hay, nhiều năm qua, đơn vị đã có hợp tác với phía Nhật Bản trong nghiên cứu, xây dựng các ngôi nhà gỗ theo phong cách của nước này. Bước đầu, các ngôi nhà gỗ phong cách Nhật Bản đã được nhiều đối tác ở Việt Nam, đặc biệt là các khu du lịch đặt hàng. Hiện nay, Công ty CP Tân Vĩnh Cửu đang nghiên cứu để hợp tác, xây dựng các ngôi nhà gỗ hoàn thiện cho thị trường Nhật Bản.
Văn Gia