Các đòn thuế của ông Trump: 'Hỗn loạn nhưng là chiến lược thiên tài'

Các đòn thuế của ông Trump: 'Hỗn loạn nhưng là chiến lược thiên tài'
6 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Donald Trump đang tích cực sử dụng công cụ thuế quan để gây sức ép với các đối tác thương mại. Ảnh: Reuters.
Chỉ trong hơn 2 tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoãn áp thuế khẩn cấp hàng hóa Colombia, tạm dừng áp thuế Canada và Mexico, chính thức tung đòn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, và đe dọa áp thuế hàng hóa châu Âu bất cứ lúc nào.
Mới đây, ông Trump tiếp tục tuyên bố áp thuế 25% đối với tất cả mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, bổ sung vào các mức thuế kim loại hiện có. Chỉ một ngày sau, tức 10/2, Tổng thống Mỹ chính thức công bố mức thuế 25% đối với thép và nhôm nước ngoài.
“Mọi thứ nhìn hỗn loạn nhưng không phải vậy. Đó là chiến lược thiên tài”, ông Peter Navarro, một trong những cố vấn thương mại của ông Trump khẳng định.
Phong cách đối ngoại khó lường
Theo nhận định của tờ The Washington Post, chiến lược đàm phán của ông Trump chú trọng vào sự ứng biến, buộc các chính trị gia, doanh nhân và giới quan sát "đoán già đoán non". Ông thích đứng ở vị trí trung tâm, và số phận của hàng nghìn tỷ USD thương mại phải phụ thuộc vào quyết định của mình.
Các chuyên gia nhận định những diễn biến gần đây cho thấy phong cách đối ngoại khó lường của ông Trump. Điều này dần trở thành một trong những "vũ khí ngoại giao" đắc lực, giúp vị tổng thống giành được lợi thế trong các cuộc đàm phán, cả với đối thủ lẫn đồng minh.
Mọi thứ nhìn hỗn loạn nhưng không phải vậy. Đó là chiến lược thiên tài
Ông Peter Navarro, một trong những cố vấn thương mại của Tổng thống Trump
Khác với các chính trị gia khác, ông chủ Nhà Trắng thường công bố những quyết định lớn của mình một cách ngẫu hứng. Với cách làm này, ông gần như thu hút sự chú ý tối đa, ngay cả khi không cần đi sâu vào chi tiết chính sách.
“Đó là một chiến lược, ngay cả khi trông nó có vẻ hỗn loạn”, ông Myron Brilliant, cố vấn cấp cao tại công ty tư vấn DGA Group, nhận định.
Ông Trump thích dùng đòn thuế để giải quyết hầu như tất cả vấn đề kinh tế hay ngoại giao. Do đó, không dễ để nhận ra kế hoạch lớn của tổng thống Mỹ. Những lý do ông đưa ra để áp thuế nhập khẩu bao gồm hỗ trợ trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, ngăn chặn buôn bán fentanyl, thu hẹp thâm hụt thương mại và tăng thu ngân sách.
“Câu hỏi đặt ra là, mục tiêu cuối cùng là gì. Nó rất mơ hồ và khó để hiểu hết”, ông David MacNaughton, cố vấn của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, cựu Đại sứ Canada tại Mỹ, nhận định.
Ông Trump áp thuế với Mexico và Canada rồi tuyên bố hoãn lại sau 48 giờ. Vị tổng thống khẳng định sẽ tận dụng thời gian đình chỉ để tham gia vào những cuộc đàm phán tiếp theo. Nhưng động thái của ông đã làm dấy lên chỉ trích. Nhiều người khẳng định ông chủ Nhà Trắng nhượng bộ vì lo sợ thị trường tài chính sụp đổ.
Tác động lớn với thị trường
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm khoảng 1,4% vào ngày giao dịch đầu tiên sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế đối với Canada, Mexico và Trung Quốc, rồi bật tăng khi thông tin hoãn thuế được công bố.
Nhưng trong nhiệm kỳ trước đó, ông Trump từng chứng kiến những đợt sụt giá lớn hơn nhiều của thị trường nhưng vẫn không thay đổi hướng đi.
Hồi tháng 3/2018, khi ông Trump công bố áp thuế đối với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, thị trường đã ghi nhận mức giảm gấp đôi hôm 3/2 vừa qua. Nhưng trong những tháng tiếp theo, ông vẫn tiếp tục bổ sung những đòn thuế khác.
Bước sang kỷ nguyên "Trump 2.0", theo biên bản “Chính sách Thương mại nước Mỹ trên hết” được ông Trump đặt bút ký ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng về mọi khía cạnh trong chính sách thương mại của Mỹ, bao gồm nguyên nhân dẫn đến thâm hụt thương mại, thương mại với Trung Quốc, hiệu quả của hiệp định Mỹ - Mexico - Canada, kiểm soát xuất khẩu và thao túng tiền tệ.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump vẫn kiên quyết theo đuổi cuộc chiến thuế với Trung Quốc bất chấp sự sụt giảm của thị trường tài chính. Ảnh: Reuters.
Dù vậy, từ chính sách đến thực tế sẽ là một con đường dài phải đi. Tháng 1/2020, Mỹ và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận thương mại trong một sự kiện diễn ra tại Nhà Trắng.
5 năm sau, các quan chức Bắc Kinh vẫn đang chật vật xác định mục tiêu của Tổng thống Trump. Liệu ông chủ Nhà Trắng sẽ muốn một thỏa thuận thương mại mới và coi đó là thành công, hay thực sự muốn tách rời nền kinh tế Mỹ với Trung Quốc.
Theo nguồn tin của The Washington Post, trong những tháng gần đây, để tìm lời giải cho câu hỏi này, các quan chức Trung Quốc đã tiếp cận ông Dennis Wilder, cựu chuyên gia phân tích CIA từng cố vấn cho Tổng thống George W. Bush về chính sách với Trung Quốc.
“Sự không thể đoán trước của ông Trump khiến họ phát điên”, ông Wilder tiết lộ.
Huy Hoàng
Nguồn Znews : https://znews.vn/cac-don-thue-cua-ong-trump-hon-loan-nhung-la-chien-luoc-thien-tai-post1530748.html