Bia lon được bày bán tại siêu thị. Ảnh: AFP/ TTXVN
Mức thuế quan có hiệu lực ngay lập tức này dự kiến sẽ ảnh hưởng đến biểu phí sản xuất, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nhôm để đóng hộp.
Nhôm, một thành phần chính trong sản xuất lon bia, đã bị ảnh hưởng bởi thuế quan trong những năm trước. Năm 2018, chính quyền của Tổng thống Trump đã áp dụng mức thuế 10% đối với sản phẩm nhôm nhập khẩu, làm tăng giá lon và tạo ra gánh nặng tài chính cho nhiều nhà sản xuất bia. Mức thuế mới 25% đối nhôm nhập khẩu sẽ khiến tăng chi phí hơn nữa, đặt ra thách thức cho các nhà sản xuất bia trong một thị trường vốn đã khó lường như hiện nay.
Ngành công nghiệp bia không còn quá “lạ lẫm” với cảnh phải chịu áp lực tăng giá từ các yếu tố chi phí vật liệu. Xét về bình diện chung, là một trong những ngành có nhu cầu lớn đối với nguyên vật liệu nhôm trong sản xuất, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản phẩm đóng hộp dự kiến sẽ chịu tác động đáng kể trong bối cảnh áp thuế bổ sung của Tổng thống Trump.
Trong khi nhiều nhà máy bia đã từng bước thích nghi với các mức thuế trước đây, thì mức tăng chi phí thép và nhôm mới đây được xem là một “cú đánh mạnh” khi ngành công nghiệp này vẫn đang trong quá trình phục hồi sau tác động quá lớn của đại dịch Covid-19 trong sản xuất và phân phối.
Khi giá nhôm tăng, các nhà sản xuất bia có thể phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng. Điều này cũng khiến giá sản phẩm tăng lên và phần thiệt rõ nhất là từ phía người tiêu dùng khi phải mua sản phẩm với giá cả cao hơn trước đó. Các công ty lớn với chuỗi cung ứng được thiết lập tốt có thể “hấp thụ” tốt các chi phí bổ sung, ít ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất, phân phối. Nhưng các nhà máy bia thủ công nhỏ hơn, thường hoạt động với biên lợi nhuận nhỏ hơn, có thể sẽ phải chịu mức ảnh hưởng nặng nề hơn.
Thuế quan cũng sẽ có tác động không mong muốn đến doanh số bán bia, đặc biệt là nếu người tiêu dùng nhận thấy một mức giá quá cao, kém hấp dẫn hơn. Khi chi phí nhôm tăng đột biến sau mức thuế ban đầu vào năm 2018, Viện Bia ước tính rằng ngành công nghiệp này tại Mỹ đã phải chịu hơn 1,4 tỷ USD chi phí bổ sung. Điều này có thể dẫn đến việc giảm tiêu thụ, vì giá cao hơn có thể ngăn người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm đang dùng để chuyển nhu cầu sang các thương hiệu giá cả phải chăng hơn hoặc các lựa chọn đồ uống thay thế.
Khi thuế quan có hiệu lực, các nhà sản xuất bia có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn trong việc quản lý chi phí tăng cao trong khi cố gắng duy trì nhu cầu của người tiêu dùng. Trong ngắn hạn, thuế quan tăng có thể dẫn đến chi phí sản xuất cao hơn và có thể tăng giá.
Tuy vậy về lâu dài, ngành công nghiệp này có thể sẽ phải có đột phá để tìm kiếm những giải pháp mới với nguồn cung ứng mới, tìm kiếm vật liệu thay thế hoặc các phương án khác để giảm bớt áp lực cho cả bên sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo Newsweek)