Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Nhiều công ty Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của thuế quan này, trong đó một số doanh nghiệp sản xuất lớn cho biết khó lên kế hoạch và khong thể xác định ông Trump sẽ làm gì tiếp theo.
Hôm 10/2, ông Trump ký sắc lệnh áp thuế quan 25% lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, xóa bỏ tất cả các trường hợp ngoại lệ, hạn ngạch miễn thuế quan, và danh sách hàng nghìn sản phẩm cụ thể được miễn thuế quan cả về nhôm và thép trước đó. Thuế quan này sẽ có hiệu lực vào ngày 12/3, và sẽ đánh vào hàng triệu tấn thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ hàng năm từ Canada, Brazil, Mexico và các quốc gia khác mà cho đến hiện tại vẫn đang được miễn thuế quan.
Trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tien, ông Trump áp thuế quan 25% lên thép và 10% lên nhôm nhập khẩu, nhưng sau đó đã cấp hạn ngạch miễn thuế quan các mặt hàng này cho một số đối tác thương mại gồm Canada, Mexico và Brazil. Khi lên cầm quyền, cựu Tổng thống Joe Biden cấp hạn ngạch này thêm cho Anh, Nhật Bản và EU. Kế hoạch thuế quan mới sẽ thay thế cho tất cả các mức thuế cũ này.
CẢNH BÁO TRẢ ĐŨA TỪ CÁC ĐỐI TÁC
Bộ trưởng Bộ Kinh tế Mexico Marcelo Ebrard gọi quyết định áp thuế quan lên thép và nhôm của ông Trump là “vô căn cứ” và “không bình đẳng”. Tuy nhiên, ông Ebrard không nói Mexico có kế hoạch áp thuế quan trả đũa tương xứng đối với nhôm và thép mà nước này nhập khẩu từ Mỹ hay không
Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói kế hoạch thuế quan mà ông Trump vừa đưa ra là “không thể chấp nhận được” và phản ứng của Canada - nếu cần thiết - sẽ cứng rắn và rõ ràng.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói EU sẽ có “biện pháp trả đũa cứng rắn và cân xứng” với thuế quan thép và nhôm của Mỹ.
Phát biểu trước báo giới ngày 11/2, ông Trump nói kế hoạch thuế quan thép và nhôm của ông sẽ đơn giản hóa thuế quan đối với các kim loại này. “Đó là mức thuế 25% không có một miễn trừ hay ngoại lệ nào. Thuế này áp lên tất cả các quốc gia, không cần biết quốc gia đó ở đâu”.
Khi được hỏi về khả năng bị các quốc gia khác trả đũa, ông Trump đáp: “Tôi không ngại!”
Bà von der Leyen nói bà rất lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ, khẳng định thuế quan có hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Xuất khẩu thép của EU sang Mỹ đạt bình quân khoảng 3 tỷ euro, tương đương 3,1 tỷ USD, mỗi năm trong 1 thập kỷ qua.
“Sẽ không có chuyện thuế quan vô căn cứ áp lên EU không bị đáp trả. Chúng sẽ dẫn tới các biện pháp đáp trả cứng rắn và tương xứng”, Chủ tịch EC nói trong một tuyên bố.
Một lựa chọn cho EU sẽ là kích hoạt lại kế hoạch thuế quan mà khối này đã đưa ra vào năm 2018 trong nhiệm kỳ trước của ông Trump - kế hoạch đã bị đình chỉ theo một thỏa thuận giữa EU với Tổng thống Joe Biden, người tiền nhiệm của Tổng thống Trump nhiệm kỳ thứ hai. Theo sự đình chỉ đó, việc áp thuế quan của EU lên các sản phẩm Mỹ như rượu bourbon, xe mô tô và nước cam sẽ tạm dừng cho tới hết tháng 3 năm nay.
DOANH NGHIỆP MỸ LO LẮNG
Các nhà điều hành doanh nghiệp Mỹ trong các lĩnh vực có sự phụ thuộc lớn vào thép và nhôm nhập khẩu đang loay hoay tìm cách ứng phó với thuế quan mới. Các doanh nghiệp từ Coca-Cola và Ford cho tới các công ty nhỏ hơn đều có thể bị ảnh hưởng bởi động thái của ông Trump. CEO Jim Farley của Ford nói rằng ở thời điểm hiện tại, kế hoạch thuế quan của ông Trump đã làm “gia tăng thêm nhiều chi phí và nhiều sự hỗn loạn” đối với các công ty.
Liên minh Các nhà sản xuất và sử dụng kim loại Mỹ (CAMMU) nói nếu không có bất kỳ một sự miễn trừ nào được đưa ra, các nhà sản xuất của Mỹ - nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - sẽ chịu tổn thất lớn vì chi phí đầu vào tăng mạnh. “Khách hàng nước ngoài đang dịch chuyển chuỗi cung ứng của họ khỏi các nhà sản xuất Mỹ. Một khi đã mất khách, các công ty Mỹ, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh nhỏ, cơ sở kinh doanh gia đình, sẽ rất khó có khách trở lại”, CAMMU cảnh báo.
Tổ chức này cho biết mối đe dọa về thuế quan trả đũa từ các đối tác thương mại quan trọng của Mỹ cũng là một mối đe dọa đối với hoạt động sản xuất và xuất khẩu của nước này, làm đình trệ các kế hoạch mở rộng và đặt ra những lựa chọn khó khăn về đầu tư, duy trì lực lượng lao động và tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp
Theo dữ liệu của Viện Sắt thép Mỹ (AISI), nhập khẩu thép đáp ứng khoảng 23% lượng tiêu thụ thép của Mỹ trong năm 2023, với Canada, Brazil và Mexico là các nhà cung cấp lớn nhất. Canada chiếm gần 80% lượng nhôm nhập khẩu cơ bản của Mỹ trong năm 2024.
Lượng nhập khẩu thép vào Mỹ năm 2024 và 2023 từ các nguồn nhập chính - Nguồn: Reuters.
Ông Trump cũng sẽ áp đặt một tiêu chuẩn Bắc Mỹ mới, yêu cầu thép nhập khẩu phải được “nấu chảy và đổ” và nhôm phải được “nấu chảy và đúc” tại khu vực này để hạn chế kim loại của Trung Quốc và Nga được xử lý tối thiểu để tránh các thuế quan khác khi nhập khẩu vào Mỹ.
Trung Quốc chỉ xuất khẩu một lượng thép nhỏ sang Mỹ nhưng Mỹ cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho phần lớn công suất thép dư thừa của thế giới. Theo giới chức Mỹ, trợ cấp sản xuất ở Trung Quốc là nguyên nhân khiến các nước khác phải xuất khẩu thép nhiều hơn, đồng thời dẫn đến tình trạng vận chuyển thép Trung Quốc qua các nước khác vào Mỹ để né thuế quan và các hạn chế thương mại khác.
An Huy