Cần tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế kết hợp đào tạo nghề vùng dự án bố trí ổn định dân cư
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, tổng nguồn vốn giao các dự án bố trí dân cư toàn tỉnh giai đoạn năm 2021-2025 hơn 77,5 tỷ đồng, kết quả giải ngân đến hết năm 2024 hơn 76,7 tỷ đồng ngân sách Trung ương đầu tư phát triển và 270 triệu đồng ngân sách địa phương hỗ trợ trực tiếp chế độ, chính sách bố trí dân di cư tự do. Toàn tỉnh xây dựng các công trình hạ tầng tại các dự án đầu tư bố trí dân cư, bao gồm hơn 17 km đường giao thông, 11 trạm biến áp, 1 công trình thủy lợi nhỏ, gần 14 km đường dây trung và hạ thế, 3 hệ thống cấp nước sinh hoạt, 2 nhà văn hóa, 2 phòng học, 1 trạm y tế. Qua đó, bố trí tập trung, xen ghép, ổn định tại chỗ 9 hộ vùng thiên tai và 429 hộ dân di cư tự do.
Tính chung kế hoạch thực hiện 6 dự án bố trí ổn định dân cư giai đoạn 2021 - 2025 như: 2 dự án bố trí dân cư vùng thiên tai (117 hộ, hơn 81,5 tỷ đồng); 1 dự án bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn (90 hộ, 42,1 tỷ đồng); 3 dự án bố trí ổn định dân di cư tự do (731 hộ, gần 346 tỷ đồng). Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành 1 dự án di dời dân ra khỏi vùng lũ quét xã Liên Hà, huyện Lâm Hà. Tiếp theo, 2 dự án đang tiếp tục triển khai sắp xếp dân di cư tự do tại Tiểu khu 179, khu vực Tây Sơn, xã Liêng S'rônh, huyện Đam Rông; các thôn Đan Hà, Phượng Lâm, Thống Nhất, Tân Lập, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà. Và 3 dự án bố trí sắp xếp ổn định dân cư mới triển khai trong năm 2025 tại Thôn 1 và 2, xã Đưng K'nớ, huyện Lạc Dương; vùng đặc biệt khó khăn thôn Ha Ma Nhai 1, huyện Đơn Dương và khu vực Tiểu khu 181, xã Liêng S'rônh, Đam Rông.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường, các dự án bố trí dân cư cơ bản đã hình thành khu dân cư mới theo tiêu chí phát triển bền vững, đời sống người dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Các hạng mục đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng phù hợp yêu cầu và phát huy hiệu quả. Công tác quản lý xây dựng cơ bản, quản lý vốn và thanh kiểm tra được tăng cường, đến nay, chưa xảy ra hiện tượng tiêu cực hay lãng phí. Các công trình cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, hồ chứa nước, giếng khoan cấp nước sinh hoạt góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, truyền thông…
Theo đó, vấn đề đặt ra về chương trình bố trí dân cư giai đoạn năm 2026 - 2030 cần xây dựng kế hoạch cụ thể để hoàn thành dứt điểm dự án, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu theo dự án được duyệt bao gồm các hạng mục bồi thường, giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng điểm tái định cư; đường giao thông nội vùng dự án và đường nối điểm dân cư mới đến tuyến giao thông gần nhất; hệ thống thủy lợi, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt và một số công trình thiết yếu khác.
Đặc biệt, triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình, cá nhân di chuyển người và tài sản, nhà ở, lương thực trong thời gian đầu tại nơi tái định cư, xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, điều chỉnh đất ở, đất sản xuất, nâng cấp nhà ở và vật dụng phòng, chống thiên tai.
Ngoài ra, hỗ trợ vùng dự án bố trí ổn định dân cư phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác; xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất, vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chế biến, bảo quản, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Hỗ trợ các hoạt động phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế khác phù hợp kết hợp đào tạo nghề, tạo việc làm bền vững cho người lao động thuộc hộ gia đình được bố trí đến vùng dự án bố trí ổn định dân cư, đặc biệt với những hộ không bảo đảm quỹ đất sản xuất nông nghiệp.
Giải quyết các vấn đề nêu trên, toàn tỉnh phấn đấu bố trí ổn định giai đoạn 2026 - 2030 với 492 hộ gồm 100 hộ vùng thiên tai, 90 hộ vùng đặc biệt khó khăn; 302 hộ di cư tự do, rừng đặc dụng. Trong đó, hình thức bố trí 402 hộ ổn định tại chỗ, 50 hộ tập trung, 40 hộ xen ghép.
VĂN VIỆT