Mức thuế cao khiến lượng hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ giảm, kéo theo nguy cơ thiếu hụt hàng hóa và giá cả tăng nhanh. Ảnh: Reuters.
Gene Seroka, Giám đốc điều hành cảng Los Angeles (Mỹ), cho biết lượng hàng qua cảng đã giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. "Những tàu cập bến hiện tại là lô đầu tiên chịu thuế mới, khiến lượng hàng sụt giảm mạnh", ông lý giải với CNN.
Theo Seroka, nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm hơn 50% kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế cao, đặc biệt sau khi mức thuế 145% chính thức được áp dụng từ tháng trước.
Nhiều nhà nhập khẩu đã hủy đơn hàng trước đó vì các doanh nghiệp Mỹ không muốn chịu thuế cao, khiến giá trị hàng hóa tăng chóng mặt. "Các nhà bán lẻ và nhập khẩu nói với tôi giá sản phẩm hiện cao gấp 2,5 lần so với một tháng trước", ông Seroka chia sẻ.
Cảng Los Angeles từng dự báo sẽ có 80 tàu cập cảng trong tháng 5, nhưng 20% trong số đó đã bị hủy. Khách hàng cũng đã hủy bỏ 13 chuyến hàng vào tháng 6.
"Điều đáng sợ là bạn vẫn không biết tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu", ông cảnh báo.
Hàng hóa thiếu hụt, giá tăng chóng mặt
Thay vì nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ, một số nhà bán lẻ chọn cách trả tiền để lưu kho sản phẩm tại các kho hàng ở Trung Quốc vì chi phí thấp hơn so với việc trả thuế, theo Ryan Petersen, Giám đốc điều hành của Flexport - công ty môi giới logistics và vận chuyển.
Do không muốn gánh mức thuế cao, các nhà nhập khẩu và bán lẻ có thể tiếp tục cắt giảm đơn hàng, thậm chí giảm tới 60%.
"60% container biến mất đồng nghĩa với 60% hàng hóa không đến được Mỹ. Người tiêu dùng Mỹ chưa thấy ngay vì vẫn đang dùng hàng tồn kho. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài vài tuần nữa, kho sẽ cạn và đến mùa hè, bạn sẽ dần thấy những kệ hàng trống, giá cả leo thang", Petersen cảnh báo.
Theo dự báo của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (NRF) của Mỹ, nhập khẩu trong nửa cuối năm 2025 sẽ giảm ít nhất 20% so với năm trước. Trong khi đó, JP Morgan dự báo mức giảm nhập khẩu hàng Trung Quốc còn nghiêm trọng hơn, có thể lên tới 75-80%.
Với góc nhìn ít "bi quan" hơn, ông Seroka dự đoán các kệ hàng sẽ không hoàn toàn trống rỗng, nhưng "chắc chắn khách hàng sẽ có ít sự lựa chọn hơn".
"Lúc đó, nếu bạn muốn mua quần thì bạn vẫn thấy rất nhiều loại, nhưng có thể trừ đúng cái bạn muốn. Mà nếu có... thì ví tiền của bạn sẽ thấy 'đau' trước", ông nói.
Kết thúc việc tích trữ hàng hóa
Việc doanh nghiệp Mỹ ồ ạt tích trữ nguyên liệu, vật tư và hàng tiêu dùng trước khi thuế quan của ông Trump có hiệu lực đã đẩy thâm hụt thương mại tháng 3 lên mức kỷ lục 140,5 tỷ USD - vượt xa mọi dự báo.
"Với các mức thuế mới hiện nay, chúng tôi dự báo lạm phát sẽ tăng, gây khó khăn cho hoạt động tiêu dùng và khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại", Daniel Vielhaber, nhà kinh tế của Nationwide, lưu ý trong một báo cáo gửi tới khách hàng.
Tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ (tính bằng triệu USD) theo tháng, từ tháng 3/2024 đến tháng 3/2025. Ảnh: CEIC.
Dù thuế quan đã tăng từ tháng 4, các chuyên gia kinh tế dự báo nhập khẩu vẫn sẽ sôi động thêm vài tuần nữa, khi những lô hàng cuối cùng trước đợt thuế "có đi có lại" của ông Trump tiếp tục cập cảng.
"Hàng hóa sẽ được nhập khẩu vào Mỹ mà không phải chịu mức thuế 145% nếu chúng đã được xếp lên tàu tại cảng xuất phát hoặc đang trên đường đến Mỹ trước ngày áp thuế và được nhận trước ngày 27/5", các nhà kinh tế của Wells Fargo viết trong một báo cáo gửi nhà đầu tư hôm thứ Ba.
Theo các chuyên gia, điều này cho thấy doanh nghiệp đang tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại để nhập hàng trước khi mức thuế mới có hiệu lực - nỗ lực cuối cùng có thể được phản ánh trong dữ liệu tháng 4, trước khi hoạt động thương mại chững lại rõ rệt.
Cẩm Tú