Các lưu ý của Trưởng Ban Nội chính Trung ương khi sáp nhập tỉnh Long An và Tây Ninh

Các lưu ý của Trưởng Ban Nội chính Trung ương khi sáp nhập tỉnh Long An và Tây Ninh
6 giờ trướcBài gốc
Chiều 23-5, tại TP Tân An, ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An và Tây Ninh về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, liên quan đến công tác sắp xếp tổ chức hành chính cấp tỉnh.
Ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An và Tây Ninh. Ảnh: HP
Theo báo cáo, đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập tỉnh Long An với Tây Ninh sẽ có diện tích tự nhiên hơn 8.536 km², quy mô dân số trên 3,254 triệu người, dự kiến gồm 96 đơn vị hành chính cấp xã. Bộ máy hành chính mới được xây dựng theo hướng tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm tổ chức đồng bộ và liên thông từ tỉnh xuống xã.
Cụ thể, Tỉnh ủy mới dự kiến có 5 cơ quan tham mưu, giúp việc và 2 đơn vị sự nghiệp công lập. UBND tỉnh sẽ tổ chức 14 cơ quan chuyên môn, hai tổ chức trực thuộc và 11 đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tỉnh mới đi vào hoạt động kể từ ngày 1-9-2025.
Các đại biểu Long An và Tây Ninh tham dự buổi làm việc. Ảnh: HP
Hai tỉnh đã phối hợp thành lập Tổ công tác chuyên trách để biên soạn Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh mới, nhiệm kỳ 2025–2030. Trong đó, đã cơ bản thống nhất 16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, năm công trình sử dụng vốn đầu tư công và ba chương trình đột phá.
Song song đó, Long An triển khai 35 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm tiến độ, không làm gián đoạn hoạt động của bộ máy nhà nước, doanh nghiệp và đời sống người dân. Tây Ninh cũng xác định rõ 32 nhiệm vụ thực hiện trước khi sắp xếp và 12 nhiệm vụ sau khi sắp xếp.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HP
Tuy nhiên, lãnh đạo hai tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận nhiều khó khăn đặt ra khi 2 tỉnh sáp nhập. Đáng chú ý, vấn đề bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức sau hợp nhất, xử lý tài sản nhà nước; đảm bảo hạ tầng giao thông và số hóa tài liệu hành chính.
Ông Nguyễn Văn Quyết, Bí thư Tỉnh ủy Long An phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HP
Ông Nguyễn Văn Quyết, Bí thư Tỉnh ủy Long An và ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh đều cam kết quyết tâm chính trị cao, nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Đánh giá cao sự chủ động, phối hợp của Long An và Tây Ninh, ông Phan Đình Trạc yêu cầu hai địa phương phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong giai đoạn hiện nay.
Ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu chỉ đạo việc sáp nhập tỉnh Long An với Tây Ninh. Ảnh: HP
“Để bộ máy hành chính mới vận hành hiệu quả, phải chú trọng công tác tư tưởng, sắp xếp nhân sự khách quan, công tâm. Lấy hiệu quả công việc và lợi ích phát triển của địa phương làm mục tiêu hàng đầu” ông Trạc nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông yêu cầu khẩn trương rà soát, bố trí lại trụ sở làm việc hợp lý sau sáp nhập, bảo đảm thống nhất và đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị.
Về định hướng phát triển, ông Phan Đình Trạc lưu ý cần chủ động xây dựng quy hoạch mới, coi phát triển hạ tầng giao thông là đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng, thu hút đầu tư chiến lược và phát triển bền vững.
HUỲNH DU - NGUYỄN TIẾN
Nguồn PLO : https://plo.vn/cac-luu-y-cua-truong-ban-noi-chinh-trung-uong-khi-sap-nhap-tinh-long-an-va-tay-ninh-post851410.html