Trước bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động với lạm phát leo thang và rủi ro địa chính trị hiện hữu, các ngân hàng trung ương đang tăng cường dự trữ vàng như một biện pháp nhằm bảo vệ nền tài chính quốc gia trước các cú sốc tiềm tàng.
Đáng chú ý, thay vì tiếp tục mua vàng trên thị trường quốc tế như truyền thống, nhiều quốc gia đang chuyển sang khai thác và mua vàng trực tiếp từ các mỏ trong nước. Xu hướng này xuất phát từ lý do chi phí thấp hơn, đồng thời tạo thêm động lực cho ngành khai thác vàng nội địa và giảm sự phụ thuộc vào dự trữ ngoại tệ mạnh.
Theo báo cáo mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), 19/36 ngân hàng trung ương tham gia khảo sát cho biết họ đang mua vàng trực tiếp từ các thợ mỏ nhỏ và thủ công trong nước bằng đồng nội tệ.
Bốn ngân hàng khác đang cân nhắc làm theo. So với năm trước, khi chỉ 14/57 ngân hàng áp dụng cách làm này, xu hướng mới cho thấy sự gia tăng đáng kể.
Các ngân hàng trung ương chạy đua gom vàng nội địa giữa bão kinh tế. Ảnh: Shutterstock
Ông Shaokai Fan, người đứng đầu bộ phận Ngân hàng trung ương toàn cầu tại WGC, nhận định: “Một số ngân hàng, đặc biệt ở châu Phi và Mỹ Latinh, đang mua vàng trực tiếp từ các mỏ nhỏ trong nước, vốn hưởng lợi từ giá vàng tăng.”
Trong số các quốc gia triển khai mô hình này có Colombia, Tanzania, Ghana, Zambia, Mông Cổ và Philippines.
Các quốc gia như Colombia, Tanzania, Ghana, Zambia, Mông Cổ và Philippines là những ví dụ tiêu biểu. Tại Ghana, Ủy ban Vàng quốc gia đã ký thỏa thuận với các doanh nghiệp khai thác vào tháng 4/2025, cho phép mua 20% sản lượng vàng. Ở Tanzania, từ tháng 9/2024, các nhà xuất khẩu vàng buộc phải bán ít nhất 20% sản lượng cho ngân hàng trung ương.
Việc mua vàng nội địa được đánh giá là tiết kiệm chi phí so với hình thức mua qua thị trường quốc tế, vốn thường phải thực hiện thông qua các ngân hàng vàng thỏi lớn ở London và thanh toán bằng các đồng tiền mạnh như USD, euro hoặc bảng Anh.
Tuy nhiên, để được giao dịch trên thị trường quốc tế, vàng phải đạt tiêu chuẩn tinh luyện London Good Delivery (LGD). Những quốc gia chưa có cơ sở tinh luyện đạt chuẩn này, như Ghana và Zambia, sẽ phải trả thêm chi phí xử lý ở nước ngoài. Ngược lại, các nước như Philippines và Kazakhstan có nhà tinh luyện trong nước nên có thể tối ưu hóa lợi ích từ nguồn vàng nội địa.
Dù vậy, điểm nổi bật của chiến lược mua vàng nội địa nằm ở tính linh hoạt tiền tệ. Thay vì phải sử dụng dự trữ ngoại hối để mua vàng trên thị trường toàn cầu, các ngân hàng trung ương có thể dùng chính đồng nội tệ để thanh toán cho vàng khai thác trong nước. Theo ông Fan, điều này giúp tăng dự trữ mà không cần đánh đổi một loại tài sản dự trữ khác.
Trong bối cảnh nợ công toàn cầu leo thang, rủi ro địa chính trị phức tạp và các cú sốc tài chính tiềm tàng, việc gia tăng dự trữ vàng, dưới bất kỳ hình thức nào, là bước đi chiến lược. Theo khảo sát của WGC với 73 ngân hàng trung ương, có tới 95% cho biết kỳ vọng dự trữ vàng toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong năm tới.
Ngoài mục tiêu tích trữ, việc mua vàng trong nước còn giúp thúc đẩy ngành khai thác và tạo việc làm tại địa phương.
Nicky Shiels, Giám đốc chiến lược kim loại tại MKS PAMP, cho biết nhiều ngân hàng trung ương đang khuyến khích hỗ trợ ngành vàng nội địa khi nhu cầu thị trường trong nước còn thấp.
Tuy nhiên, việc mua vàng từ các mỏ nhỏ cũng tiềm ẩn rủi ro. Hoạt động khai thác vàng thủ công thường bị chỉ trích vì các vấn đề môi trường, lao động trẻ em và buôn lậu. Bà Shiels cảnh báo mua vàng qua kênh chính thống quốc tế giúp giảm thiểu rủi ro uy tín cho ngân hàng trung ương.
Tuy vậy, ông Fan cho rằng chính các ngân hàng trung ương có thể đóng vai trò cải thiện chuỗi cung ứng, bằng cách đưa ra quy trình thu mua minh bạch và hỗ trợ người khai thác nhỏ lẻ nâng cao tiêu chuẩn hoạt động.
“Việc có một đơn vị uy tín như ngân hàng trung ương làm người mua sẽ mở ra kênh tiêu thụ hợp pháp, công bằng cho các mỏ nhỏ. Điều này vừa ngăn chặn dòng tiền chảy vào tay tội phạm, vừa cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc và tăng tính minh bạch” - ông nói.
Tùng Lâm