Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ ra sao giữa cơn sóng nới lỏng toàn cầu?

Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ ra sao giữa cơn sóng nới lỏng toàn cầu?
9 giờ trướcBài gốc
Chính sách tiền tệ “thận trọng” trong bối cảnh nới lỏng toàn cầu
Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương toàn cầu đang đồng loạt bước vào chu kỳ nới lỏng tiền tệ, Việt Nam lựa chọn con đường điều hành thận trọng, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ thanh khoản có kiểm soát. Tại Báo cáo Chiến lược đầu tư 2H2025: Độc đạo, do Chứng khoán Rồng Việt vừa công bố cho thấy, chính sách tiền tệ Việt Nam không chịu quá nhiều tác động bởi chu kỳ nới lỏng tiền tệ toàn cầu.
Các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt phân tích về bối cảnh toàn cầu, khác với nhiều quốc gia đang đẩy mạnh cắt giảm lãi suất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì lập trường thận trọng nhất trong nhóm G10, lãi suất chính sách ở mức cao. Thị trường kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất vào tháng 9/2025, song tốc độ điều chỉnh trong 12 tháng tới còn phụ thuộc vào tác động của chính sách tài khóa, thuế quan và diễn biến lạm phát.
Dòng vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi được đánh giá sẽ hưởng lợi từ chu kỳ nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương toàn cầu lần này khi đồng USD có xu hướng kém hấp dẫn hơn, còn các tài sản định giá bằng USD bị yêu cầu mức bù rủi ro cao hơn. “Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế có triển vọng tích cực nhờ yếu tố ổn định vĩ mô và khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán, tạo động lực thu hút dòng tiền quốc tế trong giai đoạn tới”, chuyên gia của Rồng Việt khẳng định.
Tuy nhiên, tiền đồng (VND) vẫn được dự báo chịu áp lực mất giá nhưng trong biên độ kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Với mặt bằng lãi suất chính sách hiện cao hơn 50 điểm cơ bản so với giai đoạn thấp kỷ lục thời Covid-19, các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ không giảm thêm lãi suất trong năm nay mà tập trung hỗ trợ thanh khoản qua các công cụ thị trường mở, nghiên cứu bỏ hạn mức tín dụng từ năm 2026 để vừa thúc đẩy tín dụng, vừa đảm bảo an toàn hệ thống.
Bảng phân tích lãi suất điều hành và tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Ảnh chụp màn hình
Dự báo, trong nửa cuối năm 2025 và đầu năm 2026, chính sách nới lỏng có kiểm soát sẽ được duy trì, thậm chí phần nới lỏng có thể nhiều hơn so với các năm trước. Thay vì hạ lãi suất diện rộng, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng thương mại triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho những lĩnh vực ưu tiên, qua đó định hướng dòng vốn hỗ trợ tăng trưởng.
Tín dụng tăng trưởng mạnh, ngân hàng giữ vai trò chủ lực
Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa để vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại hạ mặt bằng lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới giảm xuống 6,29%/năm, thấp hơn khoảng 0,64%/năm so với cuối năm 2024. Về tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu cả năm khoảng 16%, song vẫn linh hoạt điều chỉnh theo tình hình thực tế. Tính đến ngày 30/6, dư nợ toàn hệ thống đạt hơn 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024 và tăng tới 19,32% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất từ năm 2023 trở lại đây.
Tính đến ngày 30/6, dư nợ toàn hệ thống đạt hơn 17,2 triệu tỷ đồng. Ảnh: Tuấn Anh
Cơ cấu tín dụng tiếp tục bám sát cơ cấu của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp. Tín dụng cho nông, lâm, thủy sản chiếm 6,37%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 12,84%, xây dựng chiếm 7,53% (bao gồm các dự án hạ tầng). Các ngành dịch vụ như bán buôn, bán lẻ chiếm 23,74%. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn, lần lượt 23,16% và 17,51%. Đáng chú ý, tín dụng cho công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp công nghệ cao tăng trưởng vượt trội, lần lượt 15,69% và 17,59%, gần gấp đôi tốc độ chung.
Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh giải ngân cho các chương trình tín dụng mục tiêu. Chương trình dành cho lâm thủy sản đã tăng quy mô từ 15.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng, trong khi chương trình 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long được triển khai tích cực. Ngoài ra, các gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội, cho người trẻ dưới 35 tuổi thuê, mua nhà, hay gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số cũng đang được thực hiện hiệu quả.
Với nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng, việc duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, nới lỏng có kiểm soát được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững. Ngân hàng Nhà nước dự kiến tiếp tục đồng bộ các giải pháp tín dụng trong 6 tháng cuối năm để vừa tháo gỡ khó khăn, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn, góp phần thực hiện mục tiêu kép: ổn định vĩ mô và tăng trưởng.
Chứng khoán Rồng Việt: Tỷ lệ tín dụng/GDP tại thời điểm cuối tháng 6/2025 đạt xấp xỉ 142%, cao hơn tỷ lệ này của nhóm thu nhập trung bình, thấp (134%) và tương đương nhóm thu nhập trung bình, cao (143%). Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước có thể phải kiểm soát chất lượng tăng tín dụng để tránh lặp lại bài học giai đoạn 2007-2010.
Duy Minh
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/viet-nam-dieu-hanh-chinh-sach-tien-te-ra-sao-giua-con-song-noi-long-toan-cau-410849.html