Các nhà bán lẻ điều chỉnh chiến lược kinh doanh vì thuế quan Mỹ

Các nhà bán lẻ điều chỉnh chiến lược kinh doanh vì thuế quan Mỹ
5 giờ trướcBài gốc
Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt loạt thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu, nhiều nhà bán lẻ quốc tế đang phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh từ định giá, chuỗi cung ứng đến dự báo doanh số để đối phó với chi phí gia tăng và sự không chắc chắn trong thương mại toàn cầu.
Các nhà bán lẻ Temu và Shein thay đổi chiến lược kinh doanh. Ảnh minh họa: A.N/BNEWS
* Xoay chuyển để thích ứng
Một loạt thương hiệu nổi tiếng như Pandora, Puma, Hugo Boss, Adidas và các công ty bán lẻ Trung Quốc như Shein và Temu đều cảnh báo rằng thuế quan sẽ khiến giá bán tăng lên, đặc biệt với các mặt hàng thời trang, đồ thể thao và sản phẩm tiêu dùng giá rẻ.
Giám đốc điều hành (CEO) Pandora, ông Alexander Lacik, cho biết: “Nếu thuế quan mới vẫn duy trì, giá sản phẩm chắc chắn sẽ tăng lên. Hầu hết các hãng trang sức giá trung bình đều nhập hàng từ châu Á, nên đây là ảnh hưởng chung toàn ngành”.
Hãng thời trang thể thao Puma, vốn phụ thuộc vào sản xuất tại châu Á, xác nhận họ đang cân nhắc điều chỉnh giá bán tại Mỹ và các phương án tối ưu hóa chi phí. Giám đốc tài chính (CFO) Markus Neubrand nhấn mạnh Puma “sẽ không phải công ty tiên phong về tăng giá”, nhưng sẽ theo dõi động thái của các đối thủ lớn hơn tại Mỹ.
Hugo Boss cho biết đang tính đến việc thay đổi nguồn cung, chuyển hàng từ các thị trường khác thay vì Trung Quốc, để giảm thiểu tác động từ thuế. Song, công ty cũng thừa nhận nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ đang yếu đi vì lo ngại về thuế, rủi ro suy thoái và chính sách nhập cư.
Trong khi đó, các nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc như Shein và Temu đang bị ảnh hưởng bởi việc Mỹ siết chặt quy định với các đơn hàng nhỏ giá trị dưới 800 USD (trước đây được miễn thuế theo quy định “de minimis”). Dù Chính phủ Mỹ mới đây đã giảm mức thuế cho các bưu kiện này từ 120% xuống còn 54%, việc miễn thuế hoàn toàn đã bị xóa bỏ, buộc các công ty này phải tính đến việc tăng giá bán.
Người dân mua thực phẩm tại siêu thị ở Glendale, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
*Người tiêu dùng hứng chịu
Dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy một xu hướng rõ ràng: nhiều công ty đang chuyển gánh nặng thuế quan sang người tiêu dùng. Theo khảo sát của công ty kiểm toán EY với hơn 4.000 lãnh đạo doanh nghiệp, khoảng 2/3 cho biết họ có thể sẽ tăng giá để bù chi phí thuế. Một cuộc khảo sát khác tại bang Texas (Mỹ) cho thấy 76% doanh nghiệp sản xuất tại đây cũng lên kế hoạch tăng giá bán.
Ông David Loftus, Giám đốc Hiệp hội Linh kiện điện tử Mỹ, giải thích: “Không ai có đủ lợi nhuận để gánh mức thuế mới. Nhà sản xuất sẽ đẩy chi phí cho nhà phân phối, và cuối cùng là đến tay người tiêu dùng”.
Không chỉ là lời cảnh báo, một số công ty như Stanley Black & Decker hay Procter & Gamble (P&G) đã thực hiện tăng giá trong quý II năm nay. P&G - hãng sản xuất các thương hiệu hàng tiêu dùng quen thuộc như Tide và Old Spice - cho biết việc tăng giá là “khó tránh khỏi” do bất ổn chính sách. Hãng thời trang thể thao Đức Adidas cũng khẳng định nếu duy trì mức thuế cao, giá sản phẩm của họ tại Mỹ sẽ tăng.
Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4/2025 chỉ tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ so với mức 2,4% hồi tháng 3/2025, song các chuyên gia cảnh báo áp lực giá cả sẽ lớn dần. Goldman Sachs dự đoán lạm phát lõi (tính theo chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân - PCE) sẽ tăng lên 3,8% vào cuối năm, so với mức 2,8% trong tháng 4/2025.
Ngành điện tử và thời trang được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất. Điều này đặc biệt đáng lo khi tầng lớp thu nhập thấp và trung bình - nhóm vốn phụ thuộc vào các mặt hàng giá rẻ từ châu Á - sẽ là đối tượng chịu thiệt lớn nhất. Một nghiên cứu từ Trung tâm Tiến bộ Mỹ (CAP) ước tính thuế quan có thể khiến mỗi hộ gia đình Mỹ mất thêm 5.200 USD mỗi năm.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (giữa) trong cuộc họp báo về đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 11/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
*Tia hy vọng từ thỏa thuận Mỹ-Trung
Thế giới cuối tuần qua đổ dồn sự chú ý về thành phố Geneva của Thụy Sỹ, nơi diễn ra cuộc đàm phán thương mại mang tính quyết định được chờ đợi từ lâu giữa Mỹ và Trung Quốc. Kết quả của cuộc đàm phán này không chỉ góp phần định hướng lại mối quan hệ thương mại song phương, mà còn có thể định đoạt số phận của nền kinh tế toàn cầu đang chao đảo trong cuộc chiến thuế quan do Mỹ khơi mào.
Theo tuyên bố chung được đưa ra sau hơn 15 giờ đàm phán, hai nước nhất trí tạm thời giảm thuế quan trong 90 ngày. Mỹ giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30%. Đổi lại, hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ chịu thuế 10% thay vì 125% như hiện nay. Mỹ và Trung Quốc cũng cam kết thành lập cơ chế để tiếp tục thảo luận về quan hệ kinh tế và thương mại.
Dù chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng kết quả cuộc đàm phán Mỹ-Trung là bước ngoặt quan trọng sau nhiều tháng căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai cường quốc kinh tế. Những đòn "ăn miếng trả miếng" về thuế quan đã thổi bùng căng thẳng thương mại vốn âm ỉ suốt 7 năm qua, đẩy quan hệ song phương vào thế đối đầu nguy hiểm và gây ra sự đảo lộn trong thị trường và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phản ứng từ các nhà bán lẻ cho thấy tác động của chính sách thuế quan mới của Mỹ đang lan rộng và thực chất hơn nhiều so với các tuyên bố trấn an từ chính quyền Tổng thống Trump. Trong khi Chính phủ khẳng định rằng “các nước khác sẽ gánh thuế thay Mỹ”, thực tế đang chứng minh điều ngược lại: người tiêu dùng Mỹ đang phải đối mặt với rủi ro giá cả tăng, lạm phát cao và chi tiêu yếu đi. Triển vọng giá hàng hóa tiếp tục tăng trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi - đặc biệt nếu các mức thuế mà Mỹ đang tạm hoãn quay trở lại vào mùa Thu năm nay.
Minh Trang (Tổng hợp)
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/cac-nha-ban-le-dieu-chinh-chien-luoc-kinh-doanh-vi-thue-quan-my/373562.html