Các nhà giáo phải không ngừng đổi mới sáng tạo, luôn nỗ lực hết mình

Các nhà giáo phải không ngừng đổi mới sáng tạo, luôn nỗ lực hết mình
3 giờ trướcBài gốc
Ngày 16/11, Trường Đại học (ĐH) Lâm nghiệp đã tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập trường (1964-2024). Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm. Cùng dự sự kiện có lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, các đại biểu quốc tế và các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, cán bộ công nhân viên và sinh viên của Trường ĐH Lâm nghiệp…
GS.TS.NGƯT Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp chia sẻ, trong 60 năm qua, Trường ĐH Lâm nghiệp đã không ngừng phát triển và trưởng thành. Khi mới thành lập, Trường chỉ có 4 ngành đào tạo cho 475 sinh viên. Đến nay, nhà trường có quy mô hơn 12.000 người học, 184 thầy cô là PGS, GS, TS. Trường ĐH Lâm nghiệp đã trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học đầu ngành về lĩnh vực lâm nghiệp.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tặng quà lưu niệm cho Trường ĐH Lâm nghiệp.
Trường đã đào tạo cho đất nước hơn 50.000 cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý có trình độ đại học, trên 6.000 thạc sĩ và gần 150 tiến sĩ. Cán bộ do nhà trường đào tạo là nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành lâm nghiệp cả nước, đóng góp vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước. Bên cạnh đó, Trường ĐH Lâm nghiệp còn đào tạo trên 10.000 học sinh trung học phổ thông, trong đó có 2.500 con em đồng bào các dân tộc ít người.
Nhà trường luôn chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học, gắn với nhiệm vụ đào tạo. Trường ĐH Lâm nghiệp đã có 25 bằng phát minh sáng chế, sở hữu trí tuệ được công nhận trong lĩnh vực lâm nghiệp; trên 100 giải thưởng khoa học cấp quốc gia, giải thưởng quốc tế.
Hợp tác quốc tế của nhà trường luôn được tăng cường và mở rộng, ngày càng chuyên nghiệp đi vào chiều sâu và hiệu quả. Đến nay, nhà trường đang hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với nhiều tổ chức quốc tế, 145 trường đại học và viện nghiên cứu ở 26 quốc gia. Trường đã đào tạo hơn 500 kỹ sư, trên 50 thạc sĩ, tiến sĩ cho các quốc gia, bè bạn.
Với những đóng góp to lớn cho ngành Lâm nghiệp, cho đất nước, Trường ĐH Lâm nghiệp đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương Tự do (năm 1984); Huân chương Hữu nghị (năm 2000); Huân chương It-xa-la (Độc lập) hạng Nhất cho Trường ĐH Lâm nghiệp.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình yêu cầu giảng viên, cán bộ nghiên cứu khoa học phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhiệt liệt chúc mừng thầy và trò Trường ĐH Lâm nghiệp. Phó Thủ tướng Thường trực cũng trân trọng gửi tới các thầy cô giáo lời hỏi thăm chân thành, lời chúc mừng nồng nhiệt nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 - một ngày trân quý, tràn trề cảm xúc tự hào, kính trọng và biết ơn của tất cả mọi người.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo là động lực cho sự phát triển và hưng thịnh của đất nước.
Để bắt kịp xu thế thời đại, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh của dân tộc, Phó Thủ tướng Thường trực chia sẻ với Trường Đại học Lâm nghiệp một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó, Trường ĐH Lâm nghiệp phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, gắn chặt với thực tiễn. Sinh viên tốt nghiệp phải là những chuyên gia chất lượng về lâm nghiệp, vừa có kiến thức, nền tảng vững chắc, vừa có kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm đa dạng và khả năng làm việc trong môi trường thực tiễn.
“Khi các nhà tuyển dụng đánh giá cao và say sưa tìm kiếm sinh viên của Trường ĐH Lâm nghiệp thì đây là bằng chứng về sự thành công của chúng ta”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.
Lãnh đạo Trường ĐH Lâm nghiệp tặng Cờ thi đua cho các đơn vị xuất sắc.
Một nhiệm vụ nữa được Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình giao cho nhà trường là nhà trường phải là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu Việt Nam và ngang tầm khu vực về lĩnh vực lâm nghiệp; ưu tiên đầu tư phát triển các hướng nghiên cứu khoa học trọng điểm, mũi nhọn đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển rừng, công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng của khu vực và quốc tế.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, dư địa nghiên cứu khoa học của trường rất rộng rãi, rất hấp dẫn, rất thiết yếu, nhất là khi biến đổi khí hậu đang ngày càng cực đoan và trở thành mối đe dọa không chỉ đối với rừng mà đối với cả hành tinh đang ngày càng trở nên nhỏ bé của chúng ta. Theo đó, nhà trường cần nghiên cứu về: Biến đổi khí hậu và thích ứng bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững; nghiên cứu tìm kiếm cho nhân dân các sinh kế sung túc, thân thiện dưới tán rừng; phát triển công nghệ lâm nghiệp và chế biến lâm sản thế hệ 4.0; nghiên cứu về kinh tế lâm nghiệp và chính sách quản lý tài nguyên rừng gắn với thị trường carbon đang ngày càng hấp dẫn; nghiên cứu về dịch vụ, hệ sinh thái và giá trị phi gỗ của rừng; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và AI trong phát triển, bảo vệ rừng.
Phó Thủ tướng Thường trực còn yêu cầu nhà trường xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đổi mới giáo trình, phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo, theo kịp với yêu cầu của thực tiễn cuộc sống và sự phát triển của khoa học công nghệ.
“Đội ngũ giảng viên của trường phải là những người giàu tâm huyết, hiểu về rừng và yêu rừng hơn bất cứ ai, không ngừng đổi mới sáng tạo và luôn nỗ lực hết mình để dìu dắt, trao truyền cho sinh viên kiến thức và tình yêu lớn lao đó”, Phó Thủ tướng Thường trực bày tỏ.
Thu Phương
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/giao-duc/cac-nha-giao-phai-khong-ngung-doi-moi-sang-tao-luon-no-luc-het-minh-i750518/