Các nhà khoa học giải thích lý do loài người nuôi mèo như thú cưng

Các nhà khoa học giải thích lý do loài người nuôi mèo như thú cưng
6 giờ trướcBài gốc
Hình minh họa. Ảnh: Sputnik
Theo những ước tính khác nhau, hiện nay trên thế giới có từ 600 triệu đến một tỷ con mèo được nuôi nhà. Mỹ là nước nuôi nhiều nhất với khoảng 74,1 triệu con. Tiếp theo là Trung Quốc (53,1 triệu con) và Nga (23,1 triệu con). Khoảng 40% hộ gia đình trên thế giới nuôi mèo.
Số lượng chó trên toàn thế giới cũng tương đương, thậm chí còn nhiều hơn một chút. Tuy nhiên, ở một số quốc gia với mức độ đô thị hóa cao (ví dụ như Nhật Bản), mèo phổ biến hơn vì chúng phù hợp hơn với các căn hộ nhỏ trong đô thị: chúng rẻ hơn và điều quan trọng hơn là ít cần được chú ý hơn - theo đoạn văn của Rudyard Kipling “con mèo đi một mình". Hóa ra, tính độc lập nổi tiếng của vật nuôi này liên quan đến nguồn gốc của mèo nhà.
Đảo Síp - xứ sở của loài mèo
Bằng chứng sớm nhất về việc mèo sống chung với người được tìm thấy ở Síp vào năm 2004. Một bộ xương được khai quật tại đó cho thấy con người đã nuôi mèo từ hơn 9.000 năm trước. Vì vào thời điểm đó trên đảo Síp không có mèo hoang nên các nhà khoa học rút ra kết luận rằng, loài vật này được mang đến từ nơi khác. Suy luận hợp lý nhất cho rằng, đó là từ Trung Đông, nơi mà vào thời điểm đó, trên vùng đất Lưỡi liềm màu mỡ đang diễn ra cuộc cách mạng thời kỳ đồ đá mới khi con người bắt đầu thực hành nông nghiệp. Khi đó đã xuất hiện dự trữ lương thực thu hút chuột, và sau đó xuất hiện mèo thích săn bắt và ăn chuột.
Đồng thời, theo một số nhà nghiên cứu, khi đó mối quan hệ giữa con người và mèo nên được gọi là cộng sinh chứ không phải thuần hóa. Chó và con người đã có mối quan hệ khác: trong nhiều thế kỷ, con người cố tình biến chó thành "công cụ" đáng tin cậy để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau - săn bắn, canh gác, kéo xe hoặc phục vụ cho các cuộc chiến đẫm máu (chó bulldog). Trong khi đó, theo quan niệm từ lâu, mèo đã tự tìm đến các khu định cư. Và vì chúng không gây hại mà còn có lợi (săn các loài thú gặm nhấm) nên loài động vật ăn thịt này được phép ở lại.
Có một thuật ngữ đặc biệt – commensalism - đây là sự kết hợp giữa hai sinh vật trong đó một bên có lợi (trong trường hợp này là mèo) còn bên kia (trong trường hợp này là con người) không có lợi cũng không có hại trong mối quan hệ như vậy.
Lý thuyết này thống trị khoa học ngày nay, nhưng hai nghiên cứu mới đã thách thức nó. Xin lưu ý rằng, cả hai tác phẩm khoa học này đều chưa được bình duyệt.
Án mạng trên sông Nile
Nhà cổ sinh vật học Marco De Martino từ Đại học Rome Tor Vergata và các đồng nghiệp của ông đã phân tích 70 bộ gen mèo cổ đại từ các địa điểm khảo cổ trên khắp châu Âu, Anatolia và Bắc Phi. Kết quả là, mèo nhà (Felis catus) - một trong những loài tiến hóa nhất trong họ Mèo - không có nguồn gốc từ quần thể Trung Đông mà từ quần thể Bắc Phi. Hơn nữa, chúng không xuất hiện vào thời kỳ đồ đá mới mà là vài nghìn năm sau đó. Những công trình khoa học khác đã giúp xác định chính xác hơn địa điểm và hoàn cảnh xảy ra quá trình này.
Theo nhà khảo cổ học động vật học Sean Doherty từ Đại học Exeter của Anh và nhóm nghiên cứu của ông, các tập tục tôn giáo đen tối đóng vai trò quan trọng trong quá trình mèo nhà trở nên phổ biến khắp thế giới.
Các tác giả của dự án đã xác định rằng loài mèo được tìm thấy ở Síp gần giống với họ hàng hoang dã ở châu Âu hơn là châu Phi. Xác nhận sớm nhất đáng tin cậy về loài Felis catus có niên đại từ năm 500 trước Công nguyên, và đó là một xác ướp nhỏ từ Ai Cập cổ đại.
Vấn đề là ở chỗ: khoảng ba nghìn năm trước, xác ướp mèo đã trở thành một trong những loại vật hiến tế phổ biến nhất cho các vị thần trên bờ sông Nile. Kết quả là, người Ai Cập cổ đại bắt đầu nuôi mèo như một thú cưng cùng với các loài động vật hiến tế khác.
Nữ thần đầu mèo
Như nhà khoa học Sean Doherty và các đồng nghiệp của ông lưu ý, nữ thần Bastet của Ai Cập được xác nhận qua những tư liệu khảo cổ sớm nhất vào thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên, nhưng ban đầu đó là một vị thần sư tử. Vào thế kỷ thứ 9-7 trước Công nguyên, vị thần này bắt đầu được mô tả với đầu của mèo hoang châu Phi. Sự chuyển đổi này trùng hợp với sự gia tăng những nghi lễ hiến tế cho nữ thần - số lượng động vật ướp xác lên tới hàng triệu. Nhưng thậm chí còn có nhiều con mèo sống sót hơn, có lẽ đã dẫn đến sự xuất hiện của mèo nhà (Felis catus) là một trong những loài tiến hóa nhất trong họ Mèo.
Việc thờ phụng nữ thần Bastet có thể đã góp phần khiến việc nuôi mèo trở nên phổ biến ở nhiều vùng đất, sau đó đã xuất hiện những cá thể thân thiện hơn với con người và ngoan ngoãn hơn. Sau này, mèo con thuần hóa đã trở thành một mặt hàng phổ biến trong thương mại quốc tế và lan rộng khắp thế giới.
Vì vậy, nếu lý thuyết mới là đúng thì tất cả mèo nhà hiện đại đều là hậu duệ trực tiếp của loài động vật được tôn kính đặc biệt ở Ai Cập cổ đại và gắn liền với nữ thần có quyền năng siêu nhiên. Có vẻ như điều này giải thích được rất nhiều điều về hành vi của loại thú cưng này.
Theo Sputnik
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/khoa-hoc-doi-song/cac-nha-khoa-hoc-giai-thich-ly-do-loai-nguoi-nuoi-meo-nhu-thu-cung-20250514165547055.htm