Người dân Palestine sống giữa những ngôi nhà đổ nát do xung đột ở Jabalia, phía Bắc Dải Gaza, ngày 16/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Một nguồn tin thân cận với Chính phủ Ả-rập Xê-út xác nhận rằng hội nghị thượng đỉnh này “diễn ra và kết thúc vào buổi chiều” ngày 21/2, nhưng nội dung các thảo luận “được giữ kín," trong khi không có tuyên bố chính thức nào được đưa ra sau cuộc họp.
Nguồn tin nói thêm rằng Oman đã không cử đại diện tham dự sự kiện này, trong khi 5 quốc gia khác thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đều góp mặt.
Hãng thông tấn chính thức SPA của Ả-rập Xê-út đưa tin cuộc họp đã thảo luận về những nỗ lực chung nhằm hỗ trợ cho sự nghiệp của người Palestine và những diễn biến ở Gaza, cùng với các vấn đề khu vực và quốc tế khác.
Các phương tiện truyền thông chính thức của Ả-rập Xê-út đã đưa tin về “cuộc họp thân mật, không chính thức” mà không nêu rõ nội dung, trong khi kênh truyền hình Al Ekhbariya công bố bức ảnh chụp chung của các nhà lãnh đạo Ả-rập tham dự sự kiện tại Riyadh.
Cuộc họp này do Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman triệu tập, có sự tham dự của Tổng thống UAE Sheikh Mohamed; Quốc vương Qatar Sheikh Tamim; Quốc vương Kuwait Sheikh Meshal; Quốc vương Jordan Abdullah II và Thái tử Hussein; Thái tử Bahrain Salman bin Hamad; và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El Sisi. Phủ Tổng thống Ai Cập ra tuyên bố cho biết Tổng thống El-Sisi đã rời Riyadh sau khi tham dự một “cuộc họp không chính thức về vấn đề Palestine".
Ngay cả trước cuộc họp, Ả-rập Xê-út đã cố gắng giảm bớt kỳ vọng bằng cách gọi cuộc họp là “không chính thức” và cho biết các quyết định quan trọng của các nhà lãnh đạo Ả-rập sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả-rập (AL) sắp diễn ra tại Ai Cập vào ngày 4/3.
Phát biểu tại sự kiện ở Riyadh, Quốc vương UAE Sheikh Mohamed khẳng định rằng cuộc họp là “một phần của các nỗ lực nhằm tăng cường hơn nữa sự phối hợp và tham vấn giữa các nước Ả-rập” để giải quyết các vấn đề khu vực, đồng thời nêu bật vai trò của Ả-rập Xê-út trong việc tổ chức sự kiện này.
Một nguồn tin thân cận với Chính phủ Ả-rập Xê-út tiết lộ rằng cuộc họp nhằm thảo luận về “kế hoạch tái thiết Dải Gaza của Ai Cập”. Ai Cập chưa chính thức công bố kế hoạch của mình, nhưng theo nhà ngoại giao Ai Cập đã về hưu Mohammed Hegazy, kế hoạch này bao gồm 3 giai đoạn kéo dài trong vòng từ 3 đến 5 năm.
Theo ông, trong giai đoạn đầu kéo dài 6 tháng, thiết bị hạng nặng sẽ dọn dẹp đống đổ nát và thiết lập 3 khu vực an toàn để tái định cư cho những người Gaza phải di dời và họ sẽ được "cung cấp chỗ ở di động." Giai đoạn thứ hai sẽ đòi hỏi “một hội nghị quốc tế về tái thiết".
Trong khi đó, giai đoạn thứ ba sẽ là “khởi động lại một tiến trình chính trị hướng tới giải pháp hai nhà nước," nơi người Israel và Palestine cùng chung sống trong hòa bình, để giải quyết cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ này.
Một nhà ngoại giao Ả-rập nhận định rằng “thách thức lớn nhất” của kế hoạch do Ai Cập đưa ra là “vấn đề tài chính” và vấn đề đặc biệt nhạy cảm là việc quản lý Gaza hậu xung đột.
Chuyên gia Andreas Krieg từ đại học King's College London đánh giá rằng đây là “một cơ hội đặc biệt để Ả-rập Xê-út huy động tất cả các quốc gia trong GCC, cũng như Ai Cập và Jordan, nhằm xác định một lập trường chung” trước đề xuất gây nhiều tranh cãi của Tổng thống Mỹ Trump về vấn đề Gaza.
Trong diễn biến khác, Tổng thống Libăng Joseph Aoun ngày 21/2 đã kêu gọi Mỹ tiếp tục hỗ trợ thiết bị và nguồn lực để giúp quân đội nước này thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, đặc biệt là ở miền Nam.
Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn thông báo của văn phòng Tổng thống Libăng cho hay tuyên bố này được ông Aoun đưa ra trong cuộc gặp phái đoàn Quốc hội Mỹ do Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Darrell Issa dẫn đầu, tại thủ đô Beirut.
Tại cuộc họp, nhà lãnh đạo Libăng cũng hối thúc Mỹ gây sức ép buộc Israel hoàn tất việc rút quân khỏi 5 vị trí còn lại mà Tel Aviv vẫn chiếm đóng ở miền Nam Libăng.
Về phần mình, nghị sĩ Issa chúc mừng ông Aoun đắc cử Tổng thống Libăng và tái khẳng định cam kết của Washington trong việc hỗ trợ Beirut trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời cho biết ông sẽ hợp tác với chính quyền và Quốc hội Mỹ để đáp ứng yêu cầu của Libăng về việc Israel rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam nước này.
Sau cuộc họp, ông Issa phát biểu với các phóng viên rằng các cuộc thảo luận giữa hai bên đã đề cập đến cả những thách thức dài hạn và ngắn hạn mà Libăng phải đối mặt, bao gồm tăng cường quản trị, thúc đẩy phục hồi kinh tế và thực hiện Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an LHQ .
Liên quan tới việc quân đội Israel tiếp tục hiện diện tại 5 địa điểm ở miền Nam Libăng, ông Issa thừa nhận rằng mặc dù hai bên đã đạt được tiến triển đáng kể, nhưng vẫn cần phải có thêm những bước tiến nữa. Ông cũng chỉ ra những thách thức an ninh hiện nay, bao gồm việc phá hủy các kho vũ khí và đường hầm ngầm, vì những trở ngại này đòi hỏi cần thêm thời gian. Tuy nhiên, ông bày tỏ sự tin tưởng rằng việc tuân thủ đầy đủ Nghị quyết 1701 cuối cùng sẽ đạt được.
Nghị sĩ Issa tái khẳng định rằng Mỹ và LHQ sẽ buộc tất cả các bên có trách nhiệm tuân thủ nghị quyết này.
Ông Issa cũng bày tỏ tin tưởng rằng hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Libăng sẽ được tiếp tục, bao gồm các khóa huấn luyện quốc phòng bổ sung và các trang thiết bị từ Mỹ và các đồng minh khu vực như Jordan.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)