Cảng hàng hóa Long Beach, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cộng đồng Caribe (Caricom) ngày 5/4 đã bày tỏ lo ngại sâu sắc trước quyết định áp thuế nhập khẩu mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho rằng động thái này sẽ tác động nặng nề đến các nền kinh tế vốn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu trong khu vực.
Chủ tịch Caricom, Thủ tướng Barbados Mia Mottley nhấn mạnh mức thuế 10% sẽ áp dụng với hầu hết các nền kinh tế thành viên của cộng đồng này, trong đó Guyana chịu mức thuế cao nhất là 38%.
Nền kinh tế Caribe phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. 85% hàng hóa tiêu dùng tại khu vực này có nguồn gốc từ bên ngoài. Chủ tịch Caricom cảnh báo hệ thống thương mại quốc tế đứng trước nguy cơ sụp đổ và Caribe có thể trở thành “nạn nhân” trong cuộc chiến thương mại toàn cầu khi giá cả hàng hóa thiết yếu dự kiến tăng 15-20%.
Trong bối cảnh này, Thủ tướng Barbados kêu gọi đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp địa phương, phát triển công nghiệp chế biến nhẹ, tăng cường hợp tác với châu Phi, Mỹ Latinh và các đối tác truyền thống.
Bà Mottley đề nghị chính quyền Tổng thống Donald Trump đối thoại và xem xét lại các biện pháp để không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân Caribe.
Caricom gồm 15 quốc gia thành viên với tổng GDP khoảng 100 tỷ USD. Các nước này vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ Mỹ, chiếm tới 40% tổng kim ngạch thương mại của khu vực. Trong số những nước thành viên của Caricom có Bahamas, Belize, Jamaica và Trinidad&Tobago.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của khu vực Mỹ Latinh và Caribe sẽ nhóm họp ngày 5/4 (giờ địa phương) tại Honduras trong bối cảnh khu vực đối mặt làn sóng áp thuế từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Các nhà lãnh đạo Brazil, Colombia, Mexico, Cuba, Bolivia cùng đại diện 28 nước thành viên Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) sẽ thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 9 của khối các biện pháp đối phó với mức thuế 10-18% mà Mỹ áp lên 11 nước thành viên.
Ngoài ra, Hội nghị cũng sẽ xem xét đề xuất của Brazil nhằm thúc đẩy quyền ứng cử của phụ nữ vào vị trí Tổng thư ký Liên hợp quốc, vấn đề người di cư và bảo vệ chủ quyền trước tuyên bố của ông Trump về kênh đào Panama.
Tổng thống Honduras Xiomara Castro nhấn mạnh Hội nghị thượng đỉnh lần này là dịp để CELAC cùng giải quyết những thách thức chung.
Mức thuế khắc nghiệt Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mới đây đã làm rung chuyển thị trường và làm dấy lên lo ngại ở nhiều quốc gia. Cụ thể, ông Trump áp dụng mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Brazil, Colombia, Argentina, Chile, Peru, Costa Rica, Cộng hòa Dominica, Ecuador, Guatemala, Honduras và El Salvador. Đối với Venezuela, tỷ lệ này sẽ là 15% và Nicaragua là 18%.
Mexico không bị đưa vào danh sách nêu trên nhưng phải đối mặt với mức thuế 25% đối với ngành ôtô cùng thuế nhập khẩu thép và nhôm.
CELAC được thành lập từ năm 2010 theo ý tưởng của cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez với sự tham gia của tất cả các nước châu Mỹ, trừ Mỹ và Canada. Mục tiêu của cơ chế liên chính phủ này là thúc đẩy hội nhập khu vực, tạo ra sự cân bằng giữa đoàn kết và khác biệt về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của 33 quốc gia Mỹ Latinh và Caribe.
Trong khi đó, phát biểu trong cuộc họp báo chung tại Midrand, Johannesburg, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Parks Tau và Bộ trưởng Quan hệ Quốc tế Ronald Lamola ngày 4/4 cho biết Nam Phi lựa chọn ngoại giao thay vì trả đũa nhanh chóng trong tranh chấp thương mại.
Theo đó, bất chấp việc phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu 30% từ phía Mỹ, Chính phủ Nam Phi cho biết sẽ không áp dụng thuế trả đũa ngay bây giờ, đồng thời cảnh báo rằng việc phản ứng mà không hiểu cách Mỹ thiết lập mức thuế và không thảo luận với Mỹ có thể phản tác dụng.
Trước đó, theo quyết định áp thuế của Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ có tác động tiêu cực đến nhiều mặt hàng xuất khẩu của Nam Phi, chẳng hạn như xe cộ, kim loại quý, máy móc và trái cây họ cam quýt.
Trong khi các chuyên gia thương mại đã cảnh báo rằng việc tăng thuế quan sẽ ảnh hưởng đến người dân Nam Phi, khiến giá xuất khẩu, lạm phát và lãi suất tăng trong khi đe dọa tới việc làm, chính phủ cho biết điều đúng đắn cần làm là hợp tác với Chính phủ Mỹ.
Các bộ trưởng cho biết Nam Phi cũng sẽ nỗ lực đa dạng hóa những thị trường xuất khẩu.
Bất chấp tình hình cấp bách, cả hai bộ trưởng Tau và Lamola đều không đưa ra mốc thời gian cụ thể về thời điểm Tổng thống Cyril Ramaphosa sẽ cử phái đoàn đến Mỹ, mà chỉ nói rằng ông sẽ làm như vậy "vào thời điểm thích hợp"./.
(TTXVN/Vietnam+)