Các nước chạy đua tìm đất hiếm, 'lá bài chiến lược' của Trung Quốc sắp hết tác dụng?

Các nước chạy đua tìm đất hiếm, 'lá bài chiến lược' của Trung Quốc sắp hết tác dụng?
7 giờ trướcBài gốc
Mỏ Bayan Obo ở Nội Mông, Trung Quốc là một trong những mỏ sở hữu trữ lượng kim loại đất hiếm lớn nhất thế giới. (Nguồn: Getty)
Khi đất hiếm nổi lên như một mặt trận mới trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc, các công ty trên toàn thế giới đã công bố kế hoạch cho một loạt các dự án được thiết kế để phá vỡ sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Ráo riết trên quy mô toàn cầu
Ngày 2/7, St George Mining được niêm yết trên sàn chứng khoán Australia đã ra thông báo sẽ bắt đầu thăm dò các mỏ khoáng sản do công ty này sở hữu tại Brazil, dự kiến có trữ lượng khoáng sản dồi dào và đặc biệt có chứa nguyên tố đất hiếm niobi Araxá.
Hai tuần trước, hai công ty của Mỹ là Kaz Resources và Cove Kaz Capital đã thiết lập quan hệ đối tác với Công ty địa chất quốc gia Kazakhstan để thăm dò và tiến hành các cuộc thử nghiệm luyện kim tại dự án đất hiếm Akbulak.
Để chuẩn bị cho một dự án đất hiếm ở miền Nam Greenland, Tập đoàn Critical Metals Corp – đang được niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) hồi tháng Sáu cũng cho biết đang thu xếp khoản vay lên tới 120 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ.
Một công ty khác là Lynas Rare Earth cũng đang đẩy mạnh sản xuất oxit dysprosi tại Malaysia, hướng tới mục tiêu trở thành “nhà sản xuất thương mại duy nhất các sản phẩm đất hiếm nặng đã tách riêng bên ngoài Trung Quốc”.
Không chỉ nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế, các chính phủ cũng có động thái thúc đẩy sản xuất hoặc bảo đảm chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng.
Vào đầu tháng này, tờ Times of India đưa tin, New Delhi sẽ đầu tư từ 35 tỷ Rupee (408 triệu USD) đến 50 tỷ Rupee để tăng sản lượng đất hiếm.
Hồi tháng Năm, Mỹ và Ukraine đã ký một thỏa thuận khoáng sản, theo đó Washington được quyền ưu tiên tiếp cận các nguồn tài nguyên khoáng sản của Kiev, đổi lại, Mỹ sẽ hỗ trợ tái thiết và có thể cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.
Thỏa thuận này bao gồm quyền tiếp cận các tài nguyên như dầu khí, graphite, nhôm và các kim loại đất hiếm. Ukraine vẫn giữ quyền sở hữu các lớp đất phía dưới và có quyền quyết định cuối cùng về nội dung và địa điểm khai thác.
Australia cũng cho biết, quốc gia thuộc châu Đại dương này có thể trở thành nguồn cung cấp đất hiếm nhẹ lớn thứ hai thế giới, có khả năng cung cấp 15 đến 20% lượng neodymium và praseodymium.
Đường vẫn còn dài
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, việc đa dạng hóa nguồn cung cấp khỏi Trung Quốc vẫn là một thách thức. Quốc gia Đông Bắc Á hiện vẫn đang sở hữu một trữ lượng rất lớn và xử lý khoảng 90% các nguyên tố đất hiếm trên hành tinh và chiếm 69% sản lượng toàn cầu
“Trung Quốc sẽ tiếp tục nắm giữ quân bài đất hiếm trong một thời gian khá dài. Nỗ lực giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc đã bắt đầu tư vài năm trước nhưng sẽ còn một con đường dài rất xa để kết thúc sự thống trị của Bắc Kinh trong lĩnh vực này”, Vivek Y. Kelkar, chuyên gia phân tích độc lập có trụ sở tại Ấn Độ cho biết.
Cameron Johnson, một đối tác của Công ty tư vấn Tidwalwave Solutions có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc), cho rằng, quá trình đa dạng hóa nguồn cung và tách rời khỏi nguồn cung từ Trung Quốc sẽ đối mặt với những thách thức đáng kể - bao gồm thời gian, chi phí và nguồn nhân lực.
“Tổng thời gian cần thiết ít nhất là 10 đến 20 năm với chi phí ít nhất lên tới hàng nghìn tỷ USD”, chuyên gia này tính toán.
Cũng theo chuyên gia Vivek Y. Kelkar, có rất ít quốc gia đưa ra được chiến lược đầu tư hiệu quả do nhà nước hậu thuẫn hoặc do nhà nước thúc đẩy, điều này sẽ mang lại cho Trung Quốc “một thế mạnh rất lớn” trong tương lai.
Việc thống lĩnh về thị trường đất hiếm của Trung Quốc mang lại cho quốc gia châu Á này quyền định giá, từ đó Bắc Kinh có thể tận dụng để gây trì hoãn các dự án toàn cầu của “đối thủ”.
Tổng thống Donald Trump dự báo, ở giai đoạn tiếp theo trong cạnh tranh giữa hai siêu cường, Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng gia tăng hoạt động khai thác và cung ứng các nguyên tố đất hiếm, đặc biệt tập trung vào các khu vực ở châu Phi và châu Mỹ Latinh.
Nền kinh tế số một thế giới cũng đang đẩy mạnh các dự án khai thác tại Angola, Rwanda và Saudi Arabia như một nỗ lực nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng về lâu dài.
(theo SCMP)
Hồng Chuyên
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/cac-nuoc-chay-dua-tim-dat-hiem-la-bai-chien-luoc-cua-trung-quoc-sap-het-tac-dung-320407.html