Hệ thống tên lửa đất đối không từ hệ thống phòng không HQ-9B của Trung Quốc. Ảnh: MW.
Lực lượng Phòng không Iran đã bí mật tiếp nhận các hệ thống phòng không tầm xa do Trung Quốc sản xuất, theo thông tin từ các nguồn khu vực. Một quan chức Arab giấu tên tiết lộ với truyền thông địa phương rằng Iran đang nỗ lực “củng cố và tăng cường” lá chắn phòng không, và rằng Mỹ đã được thông báo về diễn biến này.
Thông tin được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Israel và Mỹ thực hiện các đợt tấn công xâm nhập sâu vào không phận Iran trong khoảng thời gian từ 13 đến 24/6. Trong đó, tiêm kích tàng hình F-35 của Israel và máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ đã hoạt động ngay trong lãnh thổ Iran, trong khi các máy bay đời cũ như F-15 và F-16 khai hỏa tên lửa từ khoảng cách an toàn.
Giới chức Israel đã úp mở khả năng sẽ tiếp tục tấn công để ngăn Iran duy trì năng lực sản xuất tên lửa đạn đạo – điều khiến việc tăng cường hệ thống phòng không của Iran trở nên cực kỳ cấp bách.
Chiến đấu cơ F-35I của Israel với bom GBU-31/B. Ảnh: MW.
Trong giai đoạn diễn ra các đòn tấn công, nhiều nguồn tin ghi nhận hai máy bay vận tải quân sự Trung Quốc đã hạ cánh tại Iran, dấy lên đồn đoán rằng Bắc Kinh đang bí mật tiếp tế khí tài quân sự nhằm hỗ trợ Tehran.
Một số tàu do thám Trung Quốc cũng được phát hiện hoạt động gần khu vực, có khả năng chia sẻ thông tin tình báo với quân đội Iran, tương tự cách mà vệ tinh, tàu chiến và máy bay do thám phương Tây đang làm để hỗ trợ Israel.
Dù có quan hệ chiến lược, Iran trước đây không chủ động tăng cường hợp tác quốc phòng với Trung Quốc, đặc biệt khi nước này không mua sắm nhiều vũ khí hiện đại, bất chấp tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng từ không quân, phòng không, đến thiết giáp và tàu ngầm. Điều này trái ngược hoàn toàn với Pakistan – quốc gia láng giềng dù đối mặt với mối đe dọa nhỏ hơn nhưng vẫn đầu tư mạnh để hiện đại hóa lực lượng với sự hỗ trợ của Trung Quốc.
Tên lửa đất đối không từ hệ thống phòng không S-300PMU-2 của Iran. Ảnh: MW.
Dù Iran đang thiếu nghiêm trọng máy bay chiến đấu hiện đại, đào tạo phi công và kỹ thuật viên bảo trì cần nhiều năm, trong khi việc huấn luyện lại kíp chiến đấu vận hành các hệ thống phòng không mặt đất mới từ Trung Quốc có thể thực hiện nhanh hơn nhiều.
Trung Quốc từng triển khai máy bay vận tải hạng nặng Y-20 để chuyển giao nhanh hệ thống phòng không HQ-22 cho Serbia ngay sau khi xung đột Nga–Ukraine nổ ra đầu năm 2022. Việc Trung Quốc sẵn sàng thực hiện các đợt chuyển giao “nhạy cảm và đúng thời điểm” khiến nhiều chuyên gia cho rằng Iran đang nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp tương tự.
Sự đánh giá không mấy tích cực về hiệu quả thực chiến của S-300PMU-2 (Nga) và Bavar 373 (Iran tự chế) – hai hệ thống phòng không chủ lực hiện nay – cũng có thể là yếu tố thúc đẩy Tehran gấp rút tìm kiếm sự thay thế.
Các khẩu đội tên lửa đất đối không từ hệ thống phòng không HQ-16 của Trung Quốc. Ảnh: MW.
Iran từng vận hành hệ thống phòng không HQ-2 của Trung Quốc từ cuối những năm 1980 – khi đó là một trong những biện pháp hiếm hoi đối phó với các đợt oanh kích của Iraq. Ngoài ra, các hệ thống phòng không của Iran, từ nguồn gốc Liên Xô cho đến nội địa, đều có mức tương thích kỹ thuật cao với thiết bị Trung Quốc, giúp tích hợp dễ dàng vào mạng lưới phòng không sẵn có.
Các hệ thống mới từ Trung Quốc không chỉ đóng vai trò đánh chặn mà còn có thể truyền tải thông tin cảm biến, dữ liệu mục tiêu – đóng vai trò nhân tố “khuếch đại lực lượng” (force multiplier).
Trong bối cảnh phương Tây, đặc biệt là Israel và Mỹ, gia tăng nỗ lực nhằm thay đổi chế độ tại Iran, Bắc Kinh có lợi ích rõ ràng trong việc duy trì một chính quyền chống phương Tây ở Tehran. Việc Iran sụp đổ sẽ làm nghiêng cán cân quyền lực khu vực về phía các đối thủ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghi vấn về khả năng các gói hỗ trợ khẩn cấp từ Trung Quốc có thể bù đắp đủ cho sự thiếu đầu tư quốc phòng kéo dài của Iran. Dù vậy, nền tảng công nghiệp quốc phòng vững chắc và công nghệ cao của Trung Quốc vẫn được xem là yếu tố có thể làm thay đổi cục diện các cuộc xung đột trong tương lai.
Huyền Chi