Tên lửa Iran bắn vào Jerusalem. Ảnh: Xinhua.
Trung Quốc hôm 9/7 đã phủ nhận thông tin cho rằng nước này đã chuyển giao các hệ thống tên lửa phòng không cho Iran sau cuộc tấn công của Israel vào nước Cộng hòa Hồi giáo hồi tháng trước.
Dẫn lời một quan chức Arab am hiểu tình báo khu vực, trang Middle East Eye có trụ sở tại Anh hôm đầu tuần này cho biết các thiết bị phòng không của Trung Quốc đã được chuyển tới Iran sau khi hai nước đạt được thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng trước.
Một nguồn tin cho biết Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất từ Iran – đã nhận thanh toán thông qua các chuyến hàng dầu, nhưng báo cáo không nêu rõ Iran đã nhận được bao nhiêu hệ thống tên lửa phòng không kể từ khi kết thúc chiến sự.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Israel đã phủ nhận thông tin này, nói với tờ Israel Hayom (bằng tiếng Do Thái) rằng Bắc Kinh "không bao giờ xuất khẩu vũ khí cho các quốc gia đang tham chiến và duy trì kiểm soát nghiêm ngặt đối với các mặt hàng lưỡng dụng".
Thông cáo nhấn mạnh thêm: “Trung Quốc kiên quyết phản đối sự phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và các hệ thống chuyển giao của chúng, đồng thời không ngừng tăng cường năng lực thực thi các cam kết không phổ biến vũ khí”.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận.
Cuộc xung đột kéo dài 12 ngày bắt đầu sau khi Israel tiến hành không kích các cơ sở hạt nhân, chỉ huy quân sự và nhà khoa học Iran.
Cả hai bên đều tuyên bố chiến thắng sau khi đồng ý ngừng bắn, với vai trò trung gian của Qatar và Mỹ. Tuy nhiên, cuộc chiến được cho là đã khiến kho tên lửa đạn đạo và bệ phóng của Iran bị tiêu hao đáng kể.
Israel tuyên bố đã phá hủy hơn một nửa trong số 400 bệ phóng tên lửa mà Iran sở hữu trước chiến sự. Ngoài ra, Israel ước tính Iran có từ 2.000 đến 2.500 quả tên lửa đạn đạo vào thời điểm bắt đầu xung đột, trong đó khoảng 500 quả đã được sử dụng trong chiến dịch.
Tuy nhiên, Israel cũng cảnh báo rằng Iran đang "nhanh chóng chuyển sang chiến lược sản xuất hàng loạt", điều này có thể khiến kho tên lửa đạn đạo của nước này gia tăng đáng kể trong vài năm tới.
Trung Quốc lên án Israel vì là bên khơi mào tấn công và bày tỏ sẵn sàng đóng vai trò "xây dựng" trong các nỗ lực hòa giải, nhưng phần lớn tránh can dự trực tiếp.
Một số nhà phân tích cho rằng cuộc xung đột vừa qua đã cho thấy giới hạn ảnh hưởng của Trung Quốc cũng như sự thiếu quan tâm trong việc hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Iran.
Tháng trước, khi được hỏi liệu Trung Quốc có hỗ trợ quân sự cho Iran nếu được yêu cầu hay không, một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã bày tỏ lập trường và sẽ "tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc đảm bảo ổn định Trung Đông".
Trung Quốc và Iran cũng đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân định kỳ với Nga, trong đó cuộc diễn tập gần nhất diễn ra vào tháng 3 vừa qua.
Huyền Chi