Đang có những động thái cho thấy Iran muốn tăng cường năng lực bảo vệ bầu trời của mình thông qua những hệ thống phòng không S-400 Triumf tối tân do Nga sản xuất.
Thiệt hại nghiêm trọng của Iran trong cuộc chiến kéo dài 12 ngày với Israel và Mỹ, bắt đầu vào hôm 13/6/2025 là một đòn giáng mạnh vào tham vọng và uy tín của Tehran.
Đáng chú ý là các hệ thống phòng không của nước này, bao gồm cả S-300PMU-2 đã gây thất vọng lớn, khi chúng không thể chống lại máy bay chiến đấu đối phương một cách hiệu quả.
Theo ghi nhận, các tiêm kích F-35I và F-15I của Israel đã phá hủy một phần đáng kể lưới lửa phòng không Iran, bao gồm cả radar và bệ phóng tên lửa, cho phép họ tấn công các cơ sở hạt nhân ở Fordow, Natanz và Isfahan mà hầu như không bị cản trở.
Tình hình trên khiến Iran phải gấp rút xem xét lại chiến lược quân sự của mình, tập trung vào việc hiện đại hóa lực lượng không quân và hệ thống phòng không để khôi phục an ninh cũng như danh dự quốc gia.
Iran từ lâu đã bày tỏ sự quan tâm đến S-400 Triumf, khi hệ thống phòng không tầm xa do Nga sản xuất đã chứng minh được hiệu quả tại Ấn Độ trong cuộc xung đột với Pakistan gần đây.
Mặc dù vậy cần lưu ý một điều quan trọng, Nga đang phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng do cuộc chiến Ukraine gây ra, khiến họ không thể giao các hệ thống S-400 kịp thời và đang đối diện việc bị New Delhi phạt hợp đồng khi liên tục lùi thời hạn giao hàng.
Điển hình như việc giao 2 khẩu đội S-400 cuối cùng cho Ấn Độ theo thỏa thuận ký năm 2018, đã bị trì hoãn cho đến năm 2026 - 2027 do những khó khăn về hậu cần và sản xuất.
Thực tế trên có lẽ sẽ buộc Iran phải tìm kiếm các giải pháp thay thế, ví dụ như hệ thống HQ-9 của Trung Quốc, mặc dù luôn có sẵn nhưng được coi là kém hiệu quả hơn, bởi vì khả năng của nó theo nhận xét gần với S-300 - tổ hợp không thể đẩy lui cuộc tấn công của Israel.
Bên cạnh đó, có thông tin cho biết, Iran đã đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc về việc mua tiêm kích đa năng hạng nhẹ Chengdu J-10C, coi chiến đấu cơ là giải pháp thay thế hợp lý hơn cho Su-35 và MiG-35 của Nga.
Theo báo chí Iran, J-10C có giá khoảng 60 - 90 triệu USD một chiếc (bao gồm cả vũ khí và huấn luyện), có thể được mua với số lượng lớn để thay thế cho tổn thất của không quân nước này lên tới 30% số tiêm kích F-4 Phantom và F-14 Tomcat cũ kỹ.
Các cuộc đàm phán với Trung Quốc về mua chiến đấu cơ đang được tạo điều kiện thuận lợi bằng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với việc mua dầu của Iran, mở ra khả năng trao đổi nhiên liệu lấy vũ khí.
Vấn đề nữa việc lựa chọn vũ khí Nga và Trung Quốc khiến Iran rơi vào thế khó bởi S-400 hay Su-35 vẫn là lựa chọn tối ưu do danh tiếng của nó, nhưng Nga chỉ có thể cung cấp các phiên bản hiện đại hóa của S-300, không đáp ứng được tham vọng của Tehran.
Trong khi đó, hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc mặc dù rẻ hơn đáng kể nhưng lại bị đánh giá chưa thể cung cấp mức độ bảo vệ tương đương.
Đặc biệt khi so sánh với các hệ thống phòng không tiên tiến của Israel như Iron Dome và David's Sling, đã đẩy lùi thành công cuộc tấn công của Iran bằng 300 tên lửa và máy bay không người lái hồi tháng 4/2024 thì HQ-9 (và cả S-400) lại càng cho thấy sự thua thiệt.
Việt Dũng
Theo Reporter