Chính quyền quân sự cho biết trận động đất mạnh 7,7 độ, một trong những trận động đất mạnh nhất ở Myanmar trong vòng một thế kỷ qua đã làm rung chuyển quốc gia Đông Nam Á này khiến khoảng 1.700 người thiệt mạng, 3.408 người bị thương và 139 người mất tích, tính đến 15h chiều nay.
Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan nằm trong số các nước láng giềng đã gửi hàng cứu trợ và đội cứu trợ tới Myanmar, cùng với hỗ trợ y tế và nhân lực từ nhiều nước như Malaysia, Singapore và Nga.
Quốc gia này hiện đang gặp khó khăn do cơ sở hạ tầng quan trọng - bao gồm cầu, đường cao tốc, sân bay và đường sắt tại Myanmar đã bị hư hại, làm chậm các nỗ lực nhân đạo.
Nga gửi đội cứu hộ và bệnh viện lưu động đến Myanmar. (Ảnh: Reuters)
Trần Tử Yến, phóng viên Tân Văn Xã, Trung Quốc đang có mặt tại sân bay Nay Pyi Taw cho biết: "Trong trận động đất tàn khốc ngày 28/3, tháp kiểm soát của sân bay Nay Pyi Taw đã sụp đổ, khiến sáu nhân viên đang làm nhiệm vụ thiệt mạng. Tại hiện trường, sân bay vẫn đóng cửa. Phía sau tôi, bạn có thể thấy lực lượng cứu hộ từ Thái Lan, Nga và các khu vực khác đang tập trung tại đây. Thời điểm sân bay hoạt động trở lại vẫn đang chờ thông báo chính thức."
Theo truyền thông nhà nước Myanmar, người đứng đầu chính quyền quân sự, Tướng Min Aung Hlaing yêu cầu các địa phương cần phải khôi phục các tuyến đường giao thông càng sớm càng tốt, cụ thể là sửa chữa đường sắt và mở lại các sân bay để hoạt động cứu hộ có hiệu quả hơn.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Cơ quan Địa chất Mỹ ước tính số người thiệt mạng do động đất ở Myanmar có thể lên tới hơn 10.000 và thiệt hại có thể vượt quá sản lượng kinh tế hàng năm của nước này.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cuối ngày hôm qua cho biết, các bệnh viện ở một số khu vực miền trung và tây bắc Myanmar, bao gồm thành phố lớn thứ hai Mandalay và thủ đô Naypyitaw, đang phải vật lộn để cứu chữa cho hàng ngàn người bị thương sau thảm họa động đất.
Do thức ăn và thuốc men không có sẵn, số lượng thương vong ngày càng tăng đang gây quá tải cho bệnh viện địa phương nhỏ, nơi không có đủ khả năng điều trị cho tất cả bệnh nhân.
Đại tá Khajornsak, thành viên đội cứu hộ của quân đội Thái Lan hiện đã có mặt tại Myanmar cho biết: "Chúng tôi có mặt ở đây với hai nhiệm vụ chính. Đầu tiên là tìm kiếm và cứu hộ đô thị. Thứ hai là đội ứng phó y tế khẩn cấp, có thể chuyển đổi thành phòng khám y tế lưu động. Trong khi chờ đội cứu hộ làm việc tại các tòa nhà đang sụp đổ, đội y tế của chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản dưới hình thức bệnh viện hoặc phòng khám lưu động. Điều này phụ thuộc vào nhiều vào các tình huống tại hiện trường."
Nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đã khẩn trương cử các đội cứu trợ tới Myanmar. Theo Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga, một đội cứu hộ nước này đã đến Naypyidaw, thủ đô của Myanmar vào hôm nay mang theo một "bệnh viện dã chiến" tới Mandalay, nơi bị ảnh hưởng nặng nề gần tâm chấn của trận động đất.
Tại Mandalay, hàng chục người được cho là đang bị mắc kẹt dưới những tòa nhà đổ sập và hầu hết không thể tiếp cận hoặc kéo ra ngoài nếu không có máy móc hạng nặng.
Mỹ Hà/VOV1