Biển báo thông báo bắt đầu khu vực LEZ tại thành phố Barcelona của Tây Ban Nha. Ảnh: AMB.
Kiểm soát, giảm thiểu phát thải từ giao thông cho khu vực đô thị là một trong những nỗ lực của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm cải thiện chất lượng môi trường. Các nước như Mỹ, Anh, Pháp hay Trung Quốc, Ấn Độ và Singapore đều đang triển khai các giải pháp khác nhau nhằm hạn chế lượng khí thải giao thông tại đô thị lớn.
Quy hoạch vùng phát thải thấp
Vùng phát thải thấp (Low Emission Zone - LEZ) và vùng phát thải cực thấp (Ultra Low Emission Zone - ULEZ) là những khái niệm đang trở nên khá quen thuộc gần đây.
Tại Anh, chính quyền xứ sở sương mù gần đây đã cho mở rộng phạm vi ULEZ trên toàn thành phố London và khu vực lân cận từ năm 2024.
Ôtô và xe tải nhẹ không đạt chuẩn Euro 4 (với xe xăng) hay Euro 6 (với xe sử dụng động cơ diesel) phải trả khoản phí 12,5 bảng Anh/ngày (tương đương 15,63 USD/ngày) để vào khu vực ULEZ này.
Anh triển khai vùng phát thải cực thấp ULEZ tại London và khu vực lân cận. Ảnh: The Guardians.
Còn ở thủ đô Paris của Pháp, khu vực LEZ hiện loại trừ hoàn toàn quyền lưu thông với các xe động cơ diesel không đạt chuẩn Euro 4. Theo Council on Clean Transportation, dự kiến chỉ có xe thuần điện dùng pin hoặc xe điện pin nhiên liệu (FCEV) được phép lưu thông trong LEZ của thành phố Paris vào năm 2030.
Sau khi lượng bụi mịn PM2.5 đạt mức trung bình 101,56 mg/m3 vào năm 2013, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc cũng đã gấp rút triển khai quy hoạch một LEZ cho thành phố này.
Theo ICLEI, khu vực LEZ của Bắc Kinh hiện áp dụng giới hạn lưu thông với xe cũ, phương tiện giao thông có mức ô nhiễm cao vào các khu trung tâm. Thành phố này cũng kết hợp các đợt kiểm tra khí thải phương tiện định kỳ nhằm giảm thiểu ô nhiễm nội đô.
Thu phí kẹt xe
Một trong những giải pháp được chính quyền các thành phố lớn triển khai và cho thấy tính hiệu quả là thu phí kẹt xe nội đô.
Chẳng hạn, thành phố New York (Mỹ) bắt đầu thu khoản phí 9 USD trên mỗi xe cá nhân di chuyển vào khu Manhattan trong khung giờ cao điểm.
Theo Reuters, động thái của thành phố sôi động bậc nhất đã giúp giảm bớt khoảng 5,8 triệu lượt xe trên đường phố khu trung tâm, đồng thời cải thiện khả năng lưu thông.
Thành phố New York thu phí kẹt xe vào khu trung tâm. Ảnh: Reuters.
Từ năm 1975, Singapore đã triển khai một chính sách mang tên Area Licensing Scheme (ALS), tạm dịch "giấy phép lưu thông phương tiện trong khu vực". Đến năm 1998, hệ thống này được quốc đảo Đông Nam Á nâng cấp lên thành Electronic Road Pricing (ERP), tạm dịch "hệ thống thu phí đường bộ điện tử".
Theo Environment Defense Fund, việc thực hiện ALS đã giúp lưu lượng giao thông tại Singapore giảm 45%, số vụ tai nạn giao thông cũng giảm 25%. Tốc độ di chuyển trung bình của phương tiện tại Singapore khi triển khai ALS cũng tăng gần gấp đôi, từ 17,7 km/h lên thành 33,8 km/h.
Đến khi hệ thống ERP chính thức triển khai, quốc đảo này giảm được thêm 15% lượng phương tiện giao thông vào khu trung tâm, tương đương cắt giảm khoảng 80 tấn CO2.
Hệ thống ERP giảm thiểu phát thải giao thông nội đô tại Singapore, tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Ảnh: The Strait Times.
Cũng theo Environment Defense Fund, chính sách này giúp Singapore ghi nhận tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện công cộng ở mức xấp xỉ 65%, tăng mạnh so với chỉ khoảng 20% trước thời điểm triển khai.
Cấm xe tuần tự theo biển số
Biển số xe là "định danh cá nhân" của phương tiện giao thông và tại một số đô thị, biển số còn là cách chính quyền sử dụng làm cơ sở để cấm xe vào khu vực trung tâm.
Tại thủ đô Mexico City của Mexico, chính quyền triển khai một chương trình mang tên Hoy No Circula, với nghĩa đen trong tiếng Tây Ban Nha là "hôm nay xe của bạn không được lưu thông".
Thủ đô Mexico City thực hiện cấm xe tuần tự theo chương trình Hoy No Circula. Ảnh: NMas.
Cụ thể, thành phố Mexico City và tiểu bang Mexico (State of Mexico) sẽ cấm các phương tiện tuần tự dựa trên số cuối của biển số. Chẳng hạn, xe mang biển kiểm soát với số đuôi 5 hoặc 6 sẽ không được phép lưu thông vào thứ hai, còn phương tiện với số đuôi biển kiểm soát là 1 hoặc 2 sẽ không được phép lưu thông vào thứ năm.
Trong ngày thứ sáu, các phương tiện với số đuôi 9 hoặc 0 trên biển kiểm soát, hoặc biển số toàn chữ cái hay đeo biển tạm thời sẽ không được phép di chuyển vào trung tâm thành phố Mexico City cũng như khu vực State of Mexico bao quanh. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với các phương tiện địa phương.
Khu vực lãnh thổ thủ đô Delhi của Ấn Độ thì lần đầu triển khai chương trình cấm xe chẵn-lẻ vào năm 2016 trước khi tái áp dụng nhiều lần do tình trạng ô nhiễm nội đô ngày càng tăng.
Gần nhất, chương trình được áp dụng từ tháng 11/2023, trong đó cho phép phương tiện giao thông đeo biển số chẵn di chuyển vào thành phố trong ngày chẵn và ngược lại.
Ấn Độ cấm xe vào Delhi theo biển số chẵn-lẻ. Ảnh: LiveMint.
Về tính hiệu quả, Viện Chính sách Năng lượng tại Đại học Chicago cho biết trong đợt triển khai lần đầu hồi tháng 1/2016, lượng bụi mịn PM2.5 tại Delhi đã giảm 14-16% trong thời gian diễn ra chương trình cấm xe chẵn-lẻ.
Tuy nhiên ở đợt áp dụng tiếp theo vào tháng 4 cùng năm, cơ quan này không ghi nhận bất kỳ sự thuyên giảm nào về mức độ ô nhiễm tại Delhi.
Phúc Hậu