'Các quốc gia chỉ xác định một vài tập đoàn lớn về khoa học công nghệ'

'Các quốc gia chỉ xác định một vài tập đoàn lớn về khoa học công nghệ'
4 giờ trướcBài gốc
Chiều 13-5, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST). Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu bày tỏ quan tâm đến nhiều vấn đề nhằm tạo động lực để thúc đẩy các doanh nghiệp trong lĩnh vực KHCN, ĐMST ngày càng phát triển như cơ chế hưởng lợi từ kết quả nghiên cứu, lập quỹ KH&CN hay tạo cơ chế cho các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân...
****
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM). Ảnh: QH
Đại biểu TRẦN HOÀNG NGÂN (đoàn TP.HCM):
Tận dụng hiệu quả quỹ đầu tư tư nhân
Dự thảo Luật lần này có quy định về Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia và Quỹ đầu tư mạo hiểm của địa phương. Đầu tư mạo hiểm, tạm gọi là đầu tư có rủi ro, mà có rủi ro thì phải có sự thận trọng, phải chọn được nhân lực để quyết định có đầu tư hay không.
Nếu thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia, Quỹ đầu tư mạo hiểm của địa phương rồi giao cho những cơ sở, những bộ phận không chuyên thì chắc chắn sẽ có rủi ro. Thay vì thành lập các quỹ trên thì theo tôi nên tạo cơ chế để các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân hiện có hoạt động hiệu quả hơn.
Hiện có gần chục quỹ đầu tư mạo hiểm lớn đang hiện diện trên thị trường tài chính Việt Nam, có đầy đủ kinh nghiệm, thực lực. Khi đầu tư vào doanh nghiệp trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST, các quỹ này sẵn sàng chia sẻ không chỉ về vốn mà còn kinh nghiệm trong quản lý, sẵn sàng hỗ trợ, cho phép kênh phân phối hỗ trợ các dự án thử nghiệm.
Do vậy, chúng ta nên cân nhắc có thể lồng ghép cơ chế hỗ trợ này tại dự thảo Luật liên quan đến Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và các Quỹ phát triển KH,CN&ĐMST của các bộ, ngành, địa phương.
------
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương). Ảnh: QH
Đại biểu NGUYỄN QUANG HUÂN (đoàn Bình Dương):
Linh hoạt cơ chế hưởng lợi từ kết quả nghiên cứu
Việc xây dựng dự Luật KH,CN&ĐMST lần này là rất cần thiết. Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp cũng như các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, các startup… đang rất trông chờ vào sự ra đời của Luật này.
Dự luật quy định nhà khoa học được hưởng 30% từ phần thu nhập mang lại do kết quả nghiên cứu. Đây là điểm mới, là một chính sách tiến bộ, thể hiện rõ quan điểm coi khoa học và công nghệ là động lực then chốt để phát triển đất nước. Tuy nhiên, tôi cho rằng mức 30% này chưa thật sự linh hoạt. Có thể xem xét quy định linh hoạt hơn 10%-35%, tùy thuộc vào từng giai đoạn cụ thể của quá trình nghiên cứu.
Mức độ rủi ro và đóng góp thực tế của nhà khoa học ở từng giai đoạn là khác nhau. Ở giai đoạn chế tạo thử, chuẩn bị thương mại hóa, khi sản phẩm đã dần hoàn thiện và có tiềm năng rõ ràng, việc chia sẻ quyền lợi cao hơn là hợp lý. Ngược lại, ở giai đoạn đầu nghiên cứu, khi rủi ro còn cao, việc xác định tỉ lệ hưởng lợi quá lớn sẽ gây khó khăn cho các đơn vị đầu tư hoặc chuyển giao.
Do đó, cần có một cơ chế phân bổ lợi ích hợp lý theo từng giai đoạn phát triển của kết quả nghiên cứu, để vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
-----
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai). Ảnh: NT
Đại biểu TRỊNH XUÂN AN (đoàn Đồng Nai):
Cần phân loại rõ ràng cơ chế tài chính, tránh ưu đãi dàn trả
Doanh nghiệp khoa học công nghệ đang rất cần một cơ sở pháp lý rõ ràng để bảo đảm việc họ có thể tham gia sâu vào các hoạt động kinh tế. Đồng thời phải có sự đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Một điểm rất quan trọng trong dự thảo Luật lần này tôi cho rằng cần làm rõ hơn, đó là cơ chế tài chính, phân loại chính sách ưu đãi thông qua các quỹ hỗ trợ KH,CN&ĐMST. Dù ủng hộ phát triển KH,CN&ĐMST nhưng không nên thực hiện các chính sách theo kiểu "cào bằng".
Cần phân loại rõ ràng doanh nghiệp nào có hàm lượng khoa học công nghệ cao, doanh nghiệp nào có tỉ trọng đầu tư vào nghiên cứu, phát triển lớn, có đóng góp doanh thu lớn từ kết quả nghiên cứu thì mới được hưởng các chính sách ưu đãi đặc thù.
Không thể để tình trạng doanh nghiệp nào cũng tự nhận là "doanh nghiệp khoa học công nghệ" để được hưởng ưu đãi. Nếu không có sự phân định cụ thể, sẽ rất dễ rơi vào tình trạng dàn trải nguồn lực, không tạo được sức bật thực sự cho nền khoa học và công nghệ quốc gia.
Theo tôi, chỉ cần xác định rõ khoảng 10 - 15 doanh nghiệp trọng điểm về khoa học công nghệ, đó là những đơn vị đi đầu, làm thực chất, có đóng góp rõ ràng. Đây là những doanh nghiệp xứng đáng được hưởng các cơ chế ưu đãi nổi trội về tài chính, vốn, thuế… để họ có thể tiếp tục đầu tư sâu, phát triển mạnh hơn. Khi tạo điều kiện cho nhóm doanh nghiệp trọng điểm phát triển đột phá thì mới có thể tạo ra sức lan tỏa, dẫn dắt hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Ở các quốc gia trên thế giới cũng vậy, họ cũng chỉ có một vài tập đoàn lớn về khoa học công nghệ và có sự đầu tư trọng điểm.
Dự thảo Luật KH,CN&ĐMST gồm 8 chương và 83 điều (tăng 2 điều so với Luật KH&CN năm 2013) do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành.
NGỌC MAI
Nguồn PLO : https://plo.vn/cac-quoc-gia-chi-xac-dinh-mot-vai-tap-doan-lon-ve-khoa-hoc-cong-nghe-post849579.html