Nguyên nhân phù chân (phù ngoại biên) là do chất lỏng tích tụ trong các mô cơ thể. Dấu hiệu thường gặp nhất ở bàn chân và mắt cá chân vì trọng lực kéo chất lỏng xuống cẳng chân. Do trọng lực, người bệnh có thể thấy sưng nhiều hơn sau khi ngồi hoặc đứng, nhưng tình trạng sưng sẽ giảm nếu giơ chân lên. Phù chân do thuốc thường xảy ra ở cả hai bên chân và có thể bắt đầu sau khi bắt đầu dùng thuốc mới.
Các dấu hiệu phù chân do thuốc bao gồm:
- Sưng cả hai bàn chân hoặc mắt cá chân.
- Da trên vùng bị phù sưng trông căng và bóng.
- Phù nề lõm (vết lõm ở chân/mắt cá chân sau khi ấn bằng ngón tay).
- Sưng tấy nặng hơn khi ngồi hoặc đứng và đỡ hơn khi nằm xuống hoặc kê chân lên.
- Cảm giác nặng nề ở chân.
Nguyên nhân phù chân (phù ngoại biên) là do chất lỏng tích tụ trong các mô cơ thể.
Dưới đây là 7 loại thuốc có thể gây phù chân:
1. Amlodipin có thể gây phù chân
Amlodipine là thuốc chẹn kênh canxi được kê đơn cho bệnh tăng huyết áp và đau ngực. Một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của amlodipine là sưng ở chân. Nguy cơ phù chân tăng khi tăng liều (10 mg mỗi ngày) so với liều thấp hơn.
Xử trí: Trao đổi với bác sĩ để có hướng xử trí như kê cao chân khi nằm, đi tất nén hoặc đổi sang loại thuốc khác.
2. Thuốc gabapentin
Gabapentin là một loại thuốc dùng để điều trị co giật, hội chứng chân không yên, đau dây thần kinh do bệnh zona. Một số người dùng loại thuốc này bị phù ở các chi, đặc biệt là ở người già hoặc dùng thuốc liều cao.
Xử trí: Cần báo cho bác sĩ khi có dấu hiệu phù ở chân. Người bệnh có thể được giảm liều dùng hoặc chuyển sang loại thuốc khác.
3. Thuốc pregabalin
Pregabalin (Lyrica) được dùng để điều trị các loại đau thần kinh, đau xơ cơ và co giật. Sử dụng pregabalin trong thời gian dài để điều trị chứng đau thần kinh do đái tháo đường có liên quan đến nguy cơ suy tim và các vấn đề tim mạch khác cao hơn, có thể gây phù ngoại biên. Triệu chứng càng tăng khi dùng pregabalin kết hợp với glitazone, một thuốc trị đái tháo đường.
Xử trí: Điều chỉnh liều lượng hoặc chuyển sang loại thuốc khác.
4. Một số thuốc trị đái tháo đường type 2
Pioglitazone và rosiglitazone là thuốc được dùng để điều trị bệnh đái tháo đường type 2 cũng có thể gây phù chân, đây là một tác dụng phụ thường gặp của những thuốc này.
Xử trí: Nếu người bệnh bị sưng khi dùng pioglitazone hoặc rosiglitazone, cần báo cho bác sĩ để chuyển sang một loại thuốc trị đái tháo đường khác.
5. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể giúp điều trị đau và viêm. Một số loại thuốc có bán không cần đơn (OTC), trong khi những loại khác cần có đơn thuốc. Ví dụ bao gồm ibuprofen (motrin, advil), naproxen (aleve, naprosyn) và meloxicam (mobic).
NSAID thường gây tích nước, có thể dẫn đến sưng ở chân và mắt cá chân. Điều này có xu hướng xảy ra nhiều hơn ở người lớn tuổi và những người có vấn đề về thận. Thông thường, tình trạng sưng sẽ biến mất khi bạn ngừng dùng thuốc. Nhưng NSAID cũng có thể làm tăng suy tim nặng hơn, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây sưng chân và mắt cá chân.
Xử trí: Với các trường hợp bị suy tim chỉ dùng các thuốc NSAID khi bác sĩ kê đơn. Nếu bị phù chân hoặc mắt cá chân bị sưng, cần báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.
6. Thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai có chứa estrogen có thể gây tích nước, biểu hiện bằng sưng ở chân hoặc mắt cá chân. Lưu ý, estrogen có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông ở chân. Ngoài tình trạng sưng, bạn có thể bị đau, đỏ/nóng khi huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Đây là tình trạng nghiêm trọng và cần được điều trị ngay lập tức.
Xử trí: Nếu bạn đang dùng thuốc tránh thai và thấy chân bị sưng, cần báo ngay cho bác sĩ để tìm nguyên nhân và xử trí đúng cách.
7. Thuốc steroid uống
Thuốc steroid đường uống được sử dụng cho một số tình trạng bệnh như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), các phản ứng dị ứng nghiêm trọng, rối loạn tự miễn... Các thuốc bao gồm prednisone và dexamethasone...
Mặc dù steroid có thể giúp giảm sưng do viêm, nhưng thuốc cũng có thể gây phù ở chân, tay và mặt. Điều này đặc biệt nghiêm trọng với những người mắc bệnh thận hoặc suy tim.
Nhiều người chỉ cần dùng steroid đường uống trong một thời gian ngắn. Trong trường hợp này, tình trạng sưng tấy sẽ biến mất sau khi bạn ngừng dùng. Nhưng những người khác có thể cần dùng steroid trong thời gian dài và tình trạng giữ nước có thể gây ảnh hưởng đến huyết áp.
Xử trí: Ăn mặn có thể khiến tình trạng phù do steroid trở nên nghiêm trọng hơn. Nên hạn chế lượng natri (muối) hấp thụ vào để giảm tình trạng phù nề, đồng thời báo với bác sĩ để có hướng xử trí.
Khi nào cần đi khám ngay?
Đối với nhiều người, tình trạng phù chân do thuốc không nghiêm trọng và thường sẽ biến mất khi ngừng dùng thuốc. Tuy nhiên, một số trường hợp cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để được khám và xử trí:
- Những trường hợp cần phải dùng thuốc kéo dài.
- Những trường hợp phù chân khi đang mắc các bệnh lý khác, như bệnh thận hoặc suy tim.
- Phù chân gây đau đớn, xuất hiện nhanh chóng hoặc có cảm giác nóng khi chạm vào.
- Nếu tình trạng phù chân đi kèm với các triệu chứng đau ngực, hồi hộp hoặc khó thở...