Các thương hiệu quốc tế 'Made in Vietnam' dễ thở sau khi Mỹ công bố thuế đối ứng với hàng loạt đối tác

Các thương hiệu quốc tế 'Made in Vietnam' dễ thở sau khi Mỹ công bố thuế đối ứng với hàng loạt đối tác
7 giờ trướcBài gốc
Các thương hiệu lớn "Made in Vietnam" dễ thở sau khi Mỹ công bố thuế đối ứng với hàng loạt đối tác
Ngày 7/7, Tổng thống Trump đã chia sẻ lên mạng xã hội ảnh chụp màn hình bức thư mà ông gửi lãnh đạo các nước nói trên để thông báo mức thuế mới. Theo đó, các đối tác thương mại chưa hoàn thành việc thương thảo với Mỹ sẽ bị áp thuế đối ứng từ 1/8 rất cao.
Theo đó, hàng hóa từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan và Tunisia sẽ chịu thuế 25%. Hàng hóa từ Nam Phi và Bosnia và Herzegovina chịu thuế 30% trong khi Indonesia là 32%. Bangladesh và Serbia bị áp thuế 35%. Campuchia và Thái Lan sẽ gánh mức thuế 36%. Lào và Myanmar là hai nước bị áp thuế cao nhất trong đợt này với mức 40%.
Trong thư, Tổng thống Trump cũng cảnh báo Mỹ có thể sẽ cân nhắc điều chỉnh các mức thuế này, tùy thuộc vào mối quan hệ với từng nước, và nếu các nước đánh thuế lên hàng hóa Mỹ để đáp trả. Ông Trump cũng không quên lưu ý mức thuế nêu trên là riêng biệt với "toàn bộ các loại thuế ngành" hiện có hoặc trong tương lai. Nhà Trắng xác nhận thuế đối ứng này sẽ không liên quan thuế ô tô 25% hiện có.
Theo nhận định của các chuyên gia, với những mức thuế được công bố, các thương hiệu thời trang lớn đang có nhà máy sản xuất đặt tại Việt Nam nên "cảm thấy may mắn" với mức thuế được xem là "dễ thở" nhất trong danh sách.
Cùng điểm qua các thương hiệu thời trang lớn đang có nhà máy sản xuất tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Raymond James Financial, Inc. vào tháng 4/2025 RALPH LAUREN sản xuất hầu hết hàng hóa của mình bên ngoài Hoa Kỳ, với khoảng 19% từ Việt Nam và 15% từ Trung Quốc. Công ty cho biết vào tháng 5 rằng chuỗi cung ứng đủ đa dạng để có thể xử lý tình trạng gián đoạn nguồn cung.
Nike sản xuất tới 50% giày thể thao và 18% trang phục thể thao tại Việt Nam
Cũng theo Raymond James Financial, Inc. NIKE nhập khẩu khoảng 43% hàng hóa của mình vào Hoa Kỳ. Theo các nhà phân tích của Bernstein, sản xuất giày thể thao của công ty là 50% từ Việt Nam, 27% từ Indonesia và 18% từ Trung Quốc. Sản xuất trang phục thể thao được chia nhỏ như sau: 28% từ Việt Nam, 16% từ Trung Quốc và 15% từ Campuchia. Vào tháng 6/2025, công ty cho biết họ sẽ phân bổ sản xuất khác nhau để cố gắng đối phó với thuế quan.
Theo giới phân tích trước các thông tin về mức thuế đối ứng được công bố, nỗi ám ảnh về mức thuế quan 46% đã đe dọa sẽ làm tăng thêm 2,3 tỷ USD hàng năm vào chi phí nhập khẩu của Nike. Tuy nhiên, mức thuế 20% đã giúp giảm gánh nặng này xuống còn 920 triệu USD, giải phóng vốn có thể được tái đầu tư vào đổi mới hoặc phân phối cho các cổ đông.
Điều quan trọng là các nhà máy nội bộ và sản xuất tại Việt Nam của Nike - không giống như các đối thủ cạnh tranh phụ thuộc vào các nhà thầu bên thứ ba - cho phép công ty đáp ứng các quy tắc "chuyển đổi đáng kể" giúp tránh được hình phạt 40%. Lợi thế tuân thủ này giúp giảm rủi ro và bảo toàn biên lợi nhuận.
SKECHERS có khoảng 40% sản phẩm từ cả Trung Quốc và Việt Nam. Công ty đã chuyển hướng nhập khẩu ra khỏi Trung Quốc và di dời một số hoạt động sản xuất.
Dòng sản phẩm Michael Kors của CAPRI chủ yếu được sản xuất tại Châu Á, trong khi Ý là nguồn sản xuất chính của Jimmy Choo. Công ty đã mở rộng sản xuất tại Việt Nam, Indonesia và Campuchia.
Tapestry's, sở hữu thương hiệu Coach, Kate Spade New York và Stuart Weitzman. có nguồn cung chủ yếu từ Việt Nam, Campuchia và Philippines, chiếm khoảng 70% sản lượng của công ty.
Theo Raymond James Financial, Inc. AMERICAN EAGLE có nguồn chủ yếu ở Châu Á và bắt đầu từ 2025, thương hiệu này cũng đã giảm nguồn cung từ Trung Quốc.
ABERCROMBIE & FITCH có nguồn cung ứng như sau: 35% từ Việt Nam, 22% từ Campuchia, 12% từ Ấn Độ, 7% từ Trung Quốc và 25% "khác" theo báo cáo trong năm tài chính 2024.
Theo các nhà phân tích của Raymond James LULULEMON có nguồn cung ứng vải là 35% từ Đài Loan, 28% từ Trung Quốc, 11% từ Hàn Quốc. Sản xuất là 40% từ Việt Nam, 17% từ Campuchia, 11% từ Sri Lanka, 11% từ Indonesia, 7% từ Bangladesh.
Theo các nhà phân tích của Bernstein, PUMA có 30% hàng hóa đến từ Trung Quốc, 26% từ Việt Nam, 13% từ Campuchia và 12% từ Bangladesh.
Thái Duy
Nguồn Thương Gia : https://thuonggiaonline.vn/cac-thuong-hieu-quoc-te-made-in-vietnam-de-tho-sau-khi-my-cong-bo-thue-doi-ung-voi-hang-loat-doi-tac-post561533.html