Các tỉnh Nam Trung Bộ làm gì để đạt tăng trưởng hai con số?

Các tỉnh Nam Trung Bộ làm gì để đạt tăng trưởng hai con số?
một ngày trướcBài gốc
Ninh Thuận đề ra 3 giải pháp đột phá
Ngày 5/2/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng kinh tế các ngành, lĩnh vực và địa phương trong năm 2025. Theo đó, tỉnh Ninh Thuận được giao chỉ tiêu tăng trưởng 13%.
UBND tỉnh Ninh Thuận xây dựng kịch bản tăng trưởng GRDP năm 2025 phấn đấu tăng trưởng trên 13%; trong đó mục tiêu quý I tăng 10,52%, quý II tăng 12,86%, quý III tăng 13,9% và quý IV tăng 16,13% và cả năm tăng 13,5%.
Cụ thể đối với từng lĩnh vực: Nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,44%, đóng góp tăng trưởng chung 0,91% GRDP; Công nghiệp - Xây dựng tăng 24,2%, đóng góp tăng trưởng chung 8,43% GRDP và Dịch vụ tăng 10,1%, đóng góp tăng trưởng chung 3,41% GRDP.
Để đạt các mục tiêu tăng trưởng đề ra, tỉnh Ninh Thuận đề ra 3 giải pháp đột phá gồm: "Tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, trong đó ưu tiên công nghiệp, dịch vụ, đẩy mạnh phân cấp, rà soát sửa đổi các quy định tạo thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư; Tạo đột phá khơi thông các nguồn lực về đất đai, giải ngân vốn đầu tư gắn với đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, động lực, liên vùng; Nâng cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu".
Tỉnh cũng đang kiến nghị Trung ương trao quyền tự chủ lớn hơn nhằm triển khai các chính sách đặc thù phù hợp với thực tiễn địa phương. Điều này không chỉ giúp Ninh Thuận phát huy tối đa nội lực mà còn tạo điều kiện thuận lợi để thu hút thêm các dự án đầu tư lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Mục tiêu tổng quát là tập trung ưu tiên, thúc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực thực chất, hiệu quả gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tỉnh cũng tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, chính sách; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, liên vùng.
Ninh Thuận chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là cho những ngành, lĩnh vực trọng điểm; Thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Tiếp tục hoàn thiện, sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...
Năm 2025, Ninh Thuận tập trung nguồn lực xây dựng Trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Khánh Hòa làm mới các động lực cũ
Tỉnh Khánh Hòa xác định năm 2025 là năm tăng tốc, đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết số 09/2022 của Bộ Chính trị.
Trong đó, tăng trưởng GRDP Khánh Hòa từ 10-10,5%, Nghị quyết 25/2025 của Chính phủ giao Khánh Hòa là 10%. Mức tăng trưởng này tạo tiền đề đưa địa phương tiến vào thập niên nâng tầm phát triển, phấn đấu đến năm 2030 vào nhóm 15 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, tăng trưởng liên tục 2 con số về tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và thu nhập bình quân đầu người.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, gia tăng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp.
Chúng tôi làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đẩy mạnh thu hút đầu tư, gia tăng tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp, thu hút nhà đầu tư khu công nghiệp mới. Cần làm nhanh việc này. Có 3 tiêu chí: doanh nghiệp thân thiện môi trường, sử dụng lao động địa phương, nộp ngân sách lớn được ưu tiên. Thiếu 1 trong 3 tiêu chí thì không phải là đối tượng ưu tiên lựa chọn”, ông Thành nói.
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Khánh Hòa đạt 10,16%, cả 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch.
Nhiều nhà đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong
Khánh Hòa đặt mục tiêu giữ vững tăng trưởng kinh tế trên cơ sở cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược; Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư toàn xã hội.
Khánh Hòa cũng sẽ trình Chính phủ xem xét, bổ sung diện tích quy hoạch khu công nghiệp từ 1.100 ha lên 4.400 ha. Ngoài ra, trong năm 2025, Khánh Hòa phấn đấu xuất khẩu thủy sản đạt 1 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2024, vào nhóm 5 địa phương có kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất nước.
Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quy hoạch phân khu của Khu Kinh tế Vân Phong. Trong năm 2025, dự kiến khởi công nhiều dự án khu công nghiệp, đô thị, nghỉ dưỡng tại khu vực này.
Trong tháng 3, tỉnh khởi công Dự án Khu du lịch sinh thái biển Hòn Ngang - Bãi Cát Thắm. Dự án Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng sẽ khởi công vào đầu tháng 4. Dự án Khu đô thị cao cấp Cổ Mã dự kiến khởi công vào cuối tháng 7.
Khu vực Nam Vân Phong được quy hoạch nhiều khu công nghiệp để trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, năng lượng, đóng tàu… gắn với trung tâm logistics phục vụ cả khu vực Tây Nguyên.
Năm 2025 Bình Định phấn đấu tăng trưởng GRDP tỉnh đạt hơn 8,5%
Bình Định khơi nguồn tăng trưởng mới
Nghị quyết 25/2025 của Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 cho tỉnh Bình Định là 8,5%.
Bày tỏ quyết tâm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho hay, toàn tỉnh phải tập trung triển khai các nhiệm vụ năm 2025, với 2 mục tiêu lớn: Hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH, trong đó GRDP bắt buộc phải tăng trên 8,5%; tạo dư địa và nền tảng cho sự phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn tới tăng trưởng 2 con số.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh nhấn mạnh: "Tiếp tục giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt, gỡ khó cho người dân và DN, phải tập trung làm rất trọng tâm, quyết liệt. Trong đó, tập trung cho các dự án trọng điểm, các dự án lớn của tỉnh mang tính dẫn dắt, dự án động lực tạo đột phá phát triển như dự án đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát, khu công nghiệp Phù Mỹ, dự án thương mại, dịch vụ, hạ tầng giao thông trọng điểm…; lưu ý các dự án phải chọn được nhà đầu tư có năng lực".
Chủ tịch tỉnh Bình Định cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương quan tâm đẩy mạnh công tác an sinh xã hội. Phấn đấu giảm nghèo dưới 0,6%; quyết liệt xóa nhà ở dột nát, nhà tạm cho người nghèo và hỗ trợ nhà ở cho hộ chính sách.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần chuyển đổi số sâu rộng trên các lĩnh vực, đến người dân và doanh nghiệp; chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế đêm… Đặc biệt, đến quý I/2025, tỉnh sẽ hỗ trợ AI cho tất cả cán bộ, công chức nhà nước…
Tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu tăng trưởng đạt 8%.
Phú Yên bổ sung 7 nhóm giải pháp
Ông Lê Tấn Hổ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, đã có tờ trình gửi HĐND tỉnh này về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8%.
Ông Hổ cho biết, cũng như các địa phương khác, trong năm 2025, Phú Yên dự báo sẽ có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức.
Để thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 8%, Phú Yên cần các động lực như tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh 25.800 tỷ đồng (cao hơn 3.800 tỷ đồng); tổng kim ngạch xuất khẩu 375 triệu USD (cao hơn 5 triệu USD); lượt khách du lịch đến Phú Yên 4,5 triệu lượt khách (cao hơn 200 nghìn lượt); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 62.281 tỷ đồng (cao 2.681 tỷ đồng).
Theo ông Hổ, để tạo nguồn lực, động lực, năng lực mới góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP, UBND tỉnh Phú Yên đề nghị bổ sung 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trên các lĩnh vực, gồm: khơi thông nguồn lực và thúc đẩy đầu tư tư nhân, tạo động lực mới cho phát triển; điều hành, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; thúc đẩy tiêu dùng, thu hút khách du lịch; đẩy mạnh xuất khẩu; thu ngân sách nhà nước; tăng trưởng tín dụng; chuyển đổi số, công nghệ số.
UBND tỉnh Phú Yên đang phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư để xúc tiến hoàn thiện thủ tục, sớm khởi công xây dựng cảng biển Bãi Gốc; kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm - giai đoạn 1; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao…
Tỉnh Phú Yên cũng chủ động làm việc với Tổng công ty ACV để sớm khởi công Nhà ga T2 - Cảng hàng không Tuy Hòa. Đây được xem là một trong những dự án lớn có tính đột phá, tạo động lực phát triển cho tỉnh Phú Yên.
AN YÊN- MINH MINH - NGUYỄN GIA
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/cac-tinh-nam-trung-bo-lam-gi-de-dat-tang-truong-hai-con-so-ar927113.html