Bức tranh kinh tế năm 2024 nhiều điểm sáng
Số liệu của Cục Thống kê TP. Hà Nội cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 ước tính tăng 6,52% so với năm trước (quý I tăng 5,41%; quý II tăng 6,80%; quý III tăng 6,71%; quý IV tăng 7,01%).
Khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá 7,14% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 4,72 điểm % vào mức tăng GRDP năm 2024, trong đó một số ngành, lĩnh vực tăng cao, đóng góp nhiều vào tăng trưởng GRDP chung của Thành phố như: Bán buôn, bán lẻ tăng 8,58%, đóng góp 0,85 điểm %; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 7,15%, đóng góp 0,76 điểm %; hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 16,24%, đóng góp 0,55 điểm %; vận tải, kho bãi tăng 6,2%, đóng góp 0,49 điểm %; hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ tăng 6,48%, đóng góp 0,41 điểm %. Các ngành dịch vụ còn lại duy trì tăng trưởng: Dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 7,8%; dịch vụ làm thuê các công việc trong hộ gia đình tăng 7,16%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 7,05%; giáo dục và đào tạo tăng 6,87%; quản lý Nhà nước tăng 6,37%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 4,7%; kinh doanh bất động sản tăng 4,21%; dịch vụ khác tăng 2,23%.
Khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2024 ước tính tăng 6,21% so với năm trước (cao hơn mức tăng 5,05% của năm trước), đóng góp 1,34 điểm % vào mức tăng GRDP. Ước tính giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2024 tăng 6,20%, đóng góp 0,82 điểm % vào mức tăng chung (ngành chế biến, chế tạo tăng 5,82%; sản xuất phân phối điện tăng 9,48%; cung cấp nước và xử lý, nước thải tăng 10,32%). Ngành xây dựng ước tăng 6,21%, đóng góp 0,52 điểm % vào mức tăng GRDP.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 ước tính tăng 2,52% so với năm 2023, đóng góp 0,05 điểm % vào mức tăng GRDP. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 4,0%, đóng góp 0,41 điểm % vào mức tăng GRDP.
Quy mô GRDP của Thành phố năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 1.426 nghìn tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 163,5 triệu đồng, tăng 8,8%. Cơ cấu GRDP năm 2024: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 1,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,79%; khu vực dịch vụ chiếm 65,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,65% (cơ cấu GRDP năm 2023 tương ứng là: 1,98%; 23,17%; 64,89% và 9,96%).
Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 ghi nhận nỗ lực vượt bậc của hoạt động xuất nhập khẩu; Thành phố triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu phục hồi và tăng trưởng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Hà Nội cả năm đạt 60,1 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2023, vượt kế hoạch đề ra, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 19,1 tỷ USD, tăng 14,8%; nhập khẩu đạt 41 tỷ USD, tăng 9,4%, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô.
Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Thành phố năm 2024 đạt 548,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2023. Trong đó, vốn Nhà nước 208,6 nghìn tỷ đồng, tăng 17,8%; vốn ngoài nhà nước 305 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 35,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý năm 2024 đạt 72,3 nghìn tỷ đồng, tăng 38,7% so với năm trước và bằng 87,3% kế hoạch năm (Vốn NSNN cấp Thành phố 28,3 nghìn tỷ đồng, tăng 31% và đạt 78,4%; NSNN cấp huyện 40,7 nghìn tỷ đồng, tăng 41,2% và đạt 93,7%; NSNN cấp xã 3,3 tỷ đồng, tăng 92,5% và đạt 99,6%).
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2024, toàn Thành phố thu hút 2.162 triệu USD vốn FDI, trong đó: Đăng ký cấp mới 293 dự án với số vốn đạt 1.212 triệu USD; 205 dự án bổ sung tăng vốn với 297 triệu USD; 279 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 652 triệu USD.
Về đăng ký doanh nghiệp, năm 2024 Hà Nội có 29,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký 303 nghìn tỷ đồng, giảm 7,2% về số lượng doanh nghiệp và giảm 14,4% vốn đăng ký so với năm 2023; có 9,7 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 13%; gần 23,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 18%; 4,8 nghìn doanh nghiệp giải thể, tăng 28,9%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
Thu ngân sách trên địa bàn năm 2024 đạt kết quả tích cực, tổng thu ngân sách Nhà nước cả năm ước thực hiện 509,3 nghìn tỷ đồng, đạt 124,7% dự toán pháp lệnh năm và tăng 23,8% so với năm trước, trong đó: Thu nội địa 473,8 nghìn tỷ đồng, đạt 125,2% dự toán và tăng 24,3%; thu từ dầu thô 4,8 nghìn tỷ đồng, đạt 158,8% và tăng 5,2%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 30,4 nghìn tỷ đồng, đạt 112,7% và tăng 25,4%.
Chi ngân sách địa phương năm 2024 ước thực hiện 112,1 nghìn tỷ đồng, đạt 78,7% dự toán năm và tăng 1,4% so với năm 2023, trong đó: Chi đầu tư phát triển 56,6 nghìn tỷ đồng, đạt 73,5% dự toán và giảm 0,7%; chi thường xuyên 55,4 nghìn tỷ đồng, đạt 96,7% và tăng 3,7%.
Hoạt động huy động vốn đến cuối tháng 12/2024 đạt 5.805 nghìn tỷ đồng, tăng 0,65% so với cuối tháng trước và tăng 8,8% so với thời điểm kết thúc năm 2023. Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố ước tính đến cuối tháng 12/2024 đạt 4.331 nghìn tỷ đồng, tăng 0,83% so với cuối tháng trước và tăng 19,74% so với thời điểm kết thúc năm 2023.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2024 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 2,9% so với tháng 12/2023. CPI bình quân năm 2024 tăng 4,25% so với bình quân năm 2023. Chỉ số giá vàng tháng 12/2024 giảm 2,60% so với tháng trước, tăng 36,22% so với tháng 12/2023. Bình quân năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 32,93% so với bình quân năm 2023. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2024 tăng 0,02% so với tháng trước, tăng 4,35% so với tháng 12/2023. Bình quân năm 2024, chỉ số giá USD tăng 4,84% so với bình quân năm 2023.
Các đại biểu dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế từ điểm cầu Thành phố Hà Nội, ngày 21/2/2025. (Ảnh: Đài PT&TH Hà Nội)
Tập trung phát triển các động lực tăng trưởng mới, toàn diện
Tham dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế ngày 21/2/2025, phát biểu từ điểm cầu TP. Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, để đạt tăng trưởng 8% trở lên, TP. Hà Nội đã cụ thể hóa bằng Chương trình hành động với 95 nhiệm vụ, trong đó có một số chỉ tiêu kinh tế cụ thể: quy mô nền kinh tế đạt khoảng 1,6 triệu tỷ đồng (64 tỷ USD), tăng khoảng 130.000 tỷ đồng so với năm 2024 và chiếm khoảng 12,6% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người khoảng 180 triệu đồng (7.200 USD); tổng vốn đầu tư xã hội đạt 622,7 nghìn tỷ đồng, khoảng 40% GRDP và kim ngạch xuất khẩu tăng 7% trở lên (khoảng 20,5 tỷ USD). Đến ngày 20/02/2025, TP. Hà Nội đã thu được 171.000 tỷ đồng ngân sách và đạt 34% kế hoạch dự toán năm 2025.
Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trước hết, khai thác, phát huy các động lực và nguồn lực truyền thống. Về nguồn đầu tư công, Hà Nội phấn đấu khoảng giải ngân 87.000 tỷ đồng trong kế hoạch, đặc biệt tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông lớn như cầu, đường sắt đô thị; tiếp tục rà soát khoảng 200 dự án chậm triển khai.
Thứ hai, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tư nhân, làm sao đảm bảo thu hút vốn qua ngân sách nhà nước tăng trên 18%; nộp ngân sách 360.000 tỷ đồng và vốn đầu tư FDI thì khoảng 3 tỷ USD; thành lập mới khoảng 30.000 doanh nghiệp và vốn đăng ký là trên 300.000 tỷ đồng; tập trung vào hạ tầng điện, đảm bảo năng lượng sản xuất, tiêu dùng; tăng trưởng ngành nông nghiệp trên 7%; phấn đấu có khoảng 190 sản phẩm và 120 doanh nghiệp được công nhận là công nghiệp chủ lực.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu tiêu dùng; phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 14 %, giá trị ngành vận tải logistics tăng trên 7,7% và tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch mới đặc sắc để có thể tăng doanh thu du lịch trên 13 %.
Hà Nội tập trung phát triển các động lực tăng trưởng mới, toàn diện. Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với những nội dung trọng tâm trước mắt cũng như dài hạn như: Phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trên 50%, tức khoảng 150.000/210.000 doanh nghiệp đang hoạt động; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ nâng cao năng lực sản xuất; phát triển hơn 200 đơn vị được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế sáng tạo, phấn đấu 2025, tỉ trọng kinh tế số của Hà Nội đạt trên 20 tỷ USD (năm 2024 là 14 tỷ USD); lập thêm các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao…
Ngoài ra, Thành phố tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án, chương trình phát triển các mô hình tăng trưởng mới như: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đô thị, kinh tế chia sẻ; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đặc biệt là các vấn đề mà Quốc hội, Trung ương đã giao trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, trong đó có Luật Thủ đô, đặc biệt là một số nghị quyết cá biệt giao triển khai cụ thể tới đây và tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền xuống cho cấp huyện, thị. "Thực tiễn chứng minh việc phân cấp, phân quyền này đang đi vào cuộc sống nhanh hơn", Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết.
Triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
Trước đó, ngày 20/02/2025, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công văn số 567/UBND-TH về việc triển khai Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 07/02/2025 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2025.
Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Lãnh đạo chủ chốt, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 08/01/2025, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 04/02/2025 về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; trong đó chú trọng một số nội dung.
Cụ thể, tổ chức thực hiện khẩn trương, quyết liệt, bảo đảm tiến độ các công việc liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Tiếp tục rà soát, thống kê toàn bộ các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả thuộc phạm vi, địa bàn quản lý, giải quyết dứt điểm các tồn tại, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, không để thất thoát, lãng phí.
Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Khẩn trương phê duyệt, khởi công xây dựng các dự án nhà ở xã hội, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thành các dự án nhà ở xã hội; hoàn thành chỉ tiêu về nhà ở xã hội được giao trong năm 2025.
Lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp; thực hiện điều tra, đánh giá đất đai, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; triển khai đo đạc, lập hồ sơ địa chính; kiểm kê đất đai năm 2024. Kiểm soát chặt chẽ, công khai, minh bạch trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, hoạt động sản xuất và đời sống của người có đất thu hồi. Tăng cường kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, không để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan đẩy mạnh triển khai Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII); đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để cải thiện chỉ số PII hằng năm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo....
Thanh Hà