Các tổ chức quốc tế tin tưởng triển vọng tươi sáng của kinh tế Việt Nam

Các tổ chức quốc tế tin tưởng triển vọng tươi sáng của kinh tế Việt Nam
6 giờ trướcBài gốc
TS.DORSATI MADANI, CHUYÊN GIA KINH TẾ CAO CẤP, NGÂN HÀNG THẾ GIỚI (WB) TẠI VIỆT NAM): Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn khả quan
Mặc dù tình hình thế giới có nhiều bất ổn gia tăng, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn được đánh giá là tích cực. Nền kinh tế đã đạt kết quả tốt trong năm ngoái và được kỳ vọng sẽ duy trì đà này. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% do Chính phủ và Quốc hội đề ra, cần có những nỗ lực đáng kể nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, đầu tư công có thể đóng vai trò là động lực chính. Việc nâng cao hiệu quả giải ngân và thực thi đầu tư công sẽ có ý nghĩa quyết định đến chất lượng các dự án đầu tư cũng như tác động tới tăng trưởng kinh tế.
Song song đó, đầu tư và tiêu dùng của khu vực tư nhân giữ vai trò chủ chốt đối với kinh tế trong nước. Đầu tư tư nhân trong nước đang trên đà phục hồi, và việc tiếp sức cho đà phục hồi này là rất cần thiết cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Vì vậy, việc tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tiếp cận vốn và gỡ bỏ các rào cản pháp lý sẽ mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế - không chỉ cho mục tiêu tăng trưởng năm 2025 mà còn cho khát vọng phát triển nhanh trong dài hạn.
Tiêu dùng của người dân tuy chưa hoàn toàn phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19, nhưng mức thu nhập bình quân tháng tăng trưởng gần đây (tăng 9,5%, đạt 8,3 triệu đồng trong quý I/2025 so với cùng kỳ năm 2024) đang góp phần thúc đẩy doanh số bán lẻ.
Trong năm 2025, Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức. Một phần trong số đó là các yếu tố bên ngoài, khi tình hình thế giới ngày càng bất ổn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Đây là yếu tố cần được theo dõi sát sao. Sự hỗ trợ từ Chính phủ cho nhu cầu nội địa - thông qua việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công - sẽ đóng vai trò quan trọng.
Cải cách môi trường kinh doanh, nhất là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng là nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với đó, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, nhằm giám sát và xử lý các điểm yếu trong hệ thống ngân hàng. Việc này sẽ giúp củng cố niềm tin vào lĩnh vực tài chính, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế dài hạn. Thảo Miên (ghi)
ÔNG JONATHAN LODON, CỐ VẤN KINH TẾ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN LIÊN HỢP QUỐC (UNDP) TẠI VIỆT NAM: Việt Nam đang đứng trước một thời điểm đặc biệt
Tôi đã nghiên cứu về Việt Nam trong ba thập kỷ và như chúng ta đều thấy, đất nước chưa bao giờ đứng trước một thời điểm đặc biệt như hiện nay.
Có rất nhiều sự phấn khích chính đáng về triển vọng cho một “bước đột phá” trong hiệu suất kinh tế của Việt Nam. Tôi tin rằng, một bước đột phá như vậy là khả thi và có nhiều khả năng xảy ra hơn bất kỳ thời điểm nào trong 30 năm qua. Các chuyển đổi kinh tế không thể diễn ra chỉ trong một năm. Tuy nhiên, những thay đổi then chốt về lãnh đạo và chính sách hoàn toàn có thể tạo ra một bước đột phá và đây chính là loại bước đột phá mà chúng ta có thể hy vọng, hoan nghênh và xây dựng một cách hiệu quả.
Việt Nam cần gửi đi những tín hiệu và chứng minh ý định chuyển đổi nền kinh tế của mình thành một cường quốc kinh tế khu vực, đẩy nhanh sự phát triển thành một nền kinh tế có năng suất cao hơn, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của một xã hội bao trùm, xanh và công bằng, phục vụ lợi ích và phúc lợi của toàn thể nhân dân Việt Nam.
Tôi tin rằng, việc Việt Nam có thành công trong việc đẩy nhanh “sự trỗi dậy” của mình hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào những gì sẽ xảy ra trong 5 năm tới. Không khí chung là đầy lạc quan, hy vọng, nhưng chỉ nói suông hoặc trông chờ vào phép màu về công nghiệp 4.0 và tăng trưởng hai chữ số sẽ không biến chúng thành hiện thực. "Chìa khóa" là hành động hiệu quả và kịp thời của Nhà nước cùng trang bị cho mọi công dân các kỹ năng, cơ sở hạ tầng và kết nối cần thiết để thúc đẩy “sự trỗi dậy” của đất nước.
Chúng ta không thể kiểm soát được mọi thách thức mà mình phải đối mặt, ví dụ như khủng hoảng khí hậu và sự không chắc chắn về các chính sách thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam đang ở vị thế rất tốt để giải quyết các khía cạnh phát triển mà mình có thể kiểm soát và đây chính xác là những gì chúng ta đang thấy các nhà lãnh đạo Việt Nam đang làm ngày nay. Luyện Vũ (ghi)
ÔNG NGUYỄN BÁ HÙNG, CHUYÊN GIA KINH TẾ TRƯỞNG NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN CHÂU Á (ADB) TẠI VIỆT NAM: Kinh tế Việt Nam gia tăng sức mạnh trước những rủi ro toàn cầu
Trên cơ sở báo cáo Triển vọng phát triển châu Á mới nhất của ADB (tháng 4/2025), chúng tôi cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì triển vọng tăng trưởng tích cực trong năm 2025 và năm sau. Tuy nhiên, thuế quan của Hoa Kỳ cùng những bất ổn toàn cầu đang tiếp diễn, có thể đặt ra các thách thức đáng kể cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay.
Tăng trưởng của Việt Nam được ADB dự báo sẽ duy trì vững chắc, dự kiến sẽ ở mức 6,6% trong năm 2025 và 6,5% trong năm 2026. Lạm phát được dự báo tăng nhẹ ở mức 4% trong năm 2025 và 4,2% trong năm 2026. Cần lưu ý là các dự báo này chưa tính đến ảnh hưởng có thể xảy ra khi các biện pháp thuế quan có hiệu lực. Đây là đánh giá thận trọng so với mục tiêu tăng trưởng 8% của Chính phủ. Việc ADB đưa ra dự báo tăng trưởng 6,6% cho thấy Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để tiếp tục các biện pháp kích thích tăng trưởng để đạt mục tiêu 8% đã đề ra.
Chính phủ Việt Nam đã đặt ra kế hoạch đạt được mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng, điều này có thể giúp giảm thiểu đáng kể những rủi ro từ bên ngoài. Tăng trưởng kinh tế có thể đạt cao hơn và bền vững nếu các nỗ lực cải cách thể chế toàn diện thời gian qua được triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Những cải cách này sẽ kích thích nhu cầu trong nước, tăng hiệu quả quản lý nhà nước trong ngắn hạn, từ đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân trong trung và dài hạn.
Cải cách thể chế toàn diện gần đây và nỗ lực tăng cường hiệu quả được xem là những bước đi tích cực để tinh gọn hoạt động của Chính phủ và thúc đẩy phát triển kinh tế. Nếu thành công, những cải cách này có thể tăng cường hiệu quả bằng cách cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện dịch vụ công, mở ra những cơ hội tăng trưởng mới và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế. Thảo Miên (ghi)
Cảng Đà Nẵng. Ảnh minh
ÔNG BRUNO JASPAERT, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP CHÂU ÂU (EUROCHAM) TẠI VIỆT NAM: Doanh nghiệp châu Âu cam kết đồng hành lâu dài tại Việt Nam
Sức bền của nền kinh tế Việt Nam không chỉ dựa vào những con số tăng trưởng, mà còn ở khả năng thích ứng – cả về mặt cơ cấu nội bộ lẫn chiến lược đối ngoại – trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động. Các doanh nghiệp châu Âu từ lâu đã đánh giá cao sự linh hoạt của Việt Nam trong quan hệ quốc tế, điều này được củng cố qua cách tiếp cận tinh tế nhưng quyết đoán của Chính phủ trước những thách thức toàn cầu.
Trước những biến động mới của cơn bão thuế quan, EuroCham cam kết đảm bảo rằng tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu không chỉ được lắng nghe mà còn được hỗ trợ để vượt qua những chướng ngại này. Không chỉ dừng lại ở vận động chính sách, chúng tôi còn hướng đến việc thúc đẩy các giải pháp – đồng hành cùng các nhà hoạch định chính sách để xây dựng một môi trường kinh doanh vừa cạnh tranh vừa bền vững. Con đường phía trước có thể đòi hỏi sự linh hoạt, nhưng một điều chắc chắn vẫn giữ nguyên: Việt Nam và châu Âu cùng theo đuổi mục tiêu chung về khả năng phục hồi kinh tế và tăng trưởng lâu dài.
Hiện chưa có doanh nghiệp thuộc EuroCham nào tại Việt Nam nói rằng sẽ đóng cửa nhà máy vì thuế quan. Tôi tin chắc rằng, sẽ không có doanh nghiệp châu Âu nào bỏ lại Việt Nam phía sau. Dù lĩnh vực xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng nhưng trong 3 năm tới Việt Nam vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng.
Đối mặt với nhiều trở ngại toàn cầu, mục tiêu tăng trưởng GDP 8% của Chính phủ Việt Nam trong năm 2025 vẫn được giữ nguyên – thể hiện rõ quyết tâm và khát vọng phát triển mạnh mẽ. Việt Nam là quốc gia có tính tự cường, khả năng chống chịu rất cao, có những giai đoạn còn khó khăn hơn rất nhiều, Việt Nam vẫn vượt qua và phát triển được. Vì vậy, tôi rất tin tưởng rằng, mục tiêu tăng trưởng 8% của Việt Nam là rất khả quan và hoàn toàn có thể đạt được. Hà My (ghi)
GS.TS ANDREAS STOFFERS, ĐẠI HỌC KHOA HỌC ỨNG DỤNG KINH TẾ VÀ QUẢN LÝ (FOM) TẠI ĐỨC: Ví dụ điển hình về tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư tại Đông Nam Á
Trong vài thập kỷ qua, Việt Nam đã chuyển đổi thành công từ một trong những quốc gia nghèo trên thế giới thành một ví dụ điển hình về tăng trưởng kinh tế và là “nam châm” thu hút đầu tư tại khu vực Đông Nam Á. Bây giờ là lúc đất nước thực hiện bước tiếp theo - kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường tự nhiên.
Việt Nam đã có những chính sách mạnh mẽ, quyết đoán để theo đuổi quá trình chuyển đổi xanh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện. Những nỗ lực này đã “gặt hái” được thành quả ban đầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lĩnh vực cần có hành động đồng bộ hơn nữa - đặc biệt là trong việc giải quyết ô nhiễm không khí và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh đến lĩnh vực tài chính xanh, có thể đóng vai trò là điểm khởi đầu tích cực. Lĩnh vực này liên quan đến việc tuân thủ các tiêu chuẩn xanh, giao dịch carbon, hệ thống phân loại xanh và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, sự phát triển của tài chính xanh hỗ trợ sự phát triển của hai trung tâm tài chính mà Việt Nam hiện đang hướng tới, trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng và trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh. Việc thành lập trung tâm tài chính tại Việt Nam sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung.
Điều quan trọng cần lưu ý là chỉ có nền kinh tế mạnh mới có thể tạo ra nguồn tài chính cần thiết để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh. Đây là lý do tại sao mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp hóa vào năm 2045 của Việt Nam phải song hành với chương trình nghị sự tăng trưởng xanh.
Một điều kiện tiên quyết cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước là tuân thủ thương mại tự do, bảo vệ đầu tư, tài chính công lành mạnh và nền kinh tế thị trường theo phong cách Việt Nam. Khi Việt Nam hướng tới tương lai xanh, đất nước phải đặt ra những ưu tiên rõ ràng để trở thành hình mẫu về tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mai Lâm (ghi)
BÀ DEBORAH ELMS, GIÁM ĐỐC CHÍNH SÁCH THƯƠNG MẠI CỦA HINRICH FOUNDATION (SINGAPORE): Việt Nam sẽ tiếp tục thành công nhờ khả năng thích ứng linh hoạt, hiệu quả
Việt Nam được nhắc đến trên báo chí quốc tế trong một thời gian dài, đặc biệt là đối với giới kinh doanh, như một địa điểm đầu tư đáng mơ ước, với môi trường kinh doanh ngày càng dễ dàng và có nhiều cơ hội hơn. Do đó, thực sự có một nhu cầu rất lớn về đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Hiện có rất nhiều sự quan tâm từ phía các chính phủ khác về việc Việt Nam đã làm gì để đạt được thành công trong việc thúc đẩy thường xuyên những cải cách cấp quốc gia đầy thách thức, tạo ra sự tăng trưởng ấn tượng như vậy. Mối quan tâm thực sự là Việt Nam đã xoay sở ra sao để đạt được những kết quả ấn tượng về mặt tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo...
Thế giới năm 2025 không còn giống năm 2024. Trong thời kỳ bất ổn địa chính trị hiện nay, việc duy trì một lộ trình phát triển ổn định trở nên khó khăn hơn đối với Việt Nam, cũng như với bất kỳ quốc gia nào khác. Trước đây vốn đã không dễ dàng, nhưng giờ thách thức ngày càng gia tăng. Với tầm quan trọng ngày càng lớn của thị trường Hoa Kỳ đối với xuất khẩu của Việt Nam và những thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều tác động đáng kể, đòi hỏi sự điều hướng khéo léo. Sẽ có một loạt quy định mới được ban hành, áp dụng trực tiếp tại Việt Nam và gián tiếp ảnh hưởng đến Việt Nam.
Điều quan trọng là Việt Nam đã đạt nhiều thành công và tôi tin rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục thành công nhờ khả năng thích ứng linh hoạt và hiệu quả. Tuy nhiên, những kỹ năng đó sẽ tiếp tục được thử thách khi môi trường kinh tế toàn cầu biến động nhanh chóng. Để phản ứng phù hợp với thị trường trong nước và tận dụng cơ hội quốc tế sẽ là một thách thức không nhỏ.
Tôi rất mong rằng trong 5 hay 10 năm tới, tôi sẽ có thể nói rằng Việt Nam đã tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng và thậm chí đã vươn lên trở thành một nền kinh tế phát triển. Tôi không cho rằng điều đó là quá xa vời. Tôi thực sự đặt nhiều kỳ vọng vào Việt Nam. Nếu phải chọn ra một điểm đến có đầy đủ các điều kiện để thực hiện bước nhảy vọt đó, thì Việt Nam chắc chắn sẽ đứng đầu danh sách của tôi. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục viết nên một câu chuyện tươi sáng trong tương lai. Hà My (ghi)
Thảo Miên
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cac-to-chuc-quoc-te-tin-tuong-trien-vong-tuoi-sang-cua-kinh-te-viet-nam-175620-175620.html