Các trường đại học công bố đề án tuyển sinh 2025

Các trường đại học công bố đề án tuyển sinh 2025
5 giờ trướcBài gốc
Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh xét tuyển theo 3 phương thức: xét học bạ trung học phổ thông: 15 - 20% chỉ tiêu; xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025: 50 - 60%; xét điểm thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; điểm thi đánh giá năng lực Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (20-35%).
Năm 2025, trường mở rộng cơ hội cho các thí sinh thuộc khối C và các tổ hợp khác. Các ngành học mới sẽ có thêm các tổ hợp xét tuyển thuộc khối C, như tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) và C03 (Ngữ văn, Toán học, Lịch sử).
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tăng 3 phương thức so với năm trước đồng thời cũng tăng chỉ tiêu một số ngành học, có ngành tăng 30% chỉ tiêu.
Phương thức tuyển sinh: kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; tuyển thẳng theo quy định của Quy chế tuyển sinh; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển; chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; sử dụng phương thức khác.
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất chủ trương thực hiện 03 phương thức tuyển sinh đại học gồm: xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi Đánh giá năng lực do Đại học này tổ chức; xét tuyển dựa trên kết quả thi trung học phổ thông. Đồng thời, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích các đơn vị xây dựng phương thức xét tuyển kết hợp.
Các lĩnh vực then chốt gồm: Công nghệ bán dẫn, Công nghệ sinh học, Trí tuệ nhân tạo và các ngành đào tạo liên ngành, liên trường.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
1. Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Xét tuyển sử dụng kết quả học tập cấp trung học phổ thông (học bạ).
3. Xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
4. Xét tuyển sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
5. Xét tuyển sử dụng kết quả thi tuyển sinh riêng của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.
6. Các ngành Giáo dục Mầm non, Giáo dục Thể chất, Quản lý thể dục thể thao sử dụng các phương thức trên nhưng trong các tổ hợp tuyển sinh có sử dụng kết quả thi năng khiếu do Trường tổ chức (không sử dụng kết quả thi năng khiếu của cơ sở giáo dục đại học khác).
Trường Đại học Nha Trang
Trường Đại học Nha Trang xét tuyển theo phương thức kết hợp kết quả học tập trung học phổ thông và kết quả đánh giá năng lực học tập đại học.
Với kết quả học tập trung học phổ thông, mỗi ngành và chuyên ngành đào tạo của trường, thí sinh phải học một số môn nhất định ở cấp trung học phổ thông theo quy định của trường. Kết quả học các môn này cần đạt yêu cầu tối thiểu do trường công bố hàng năm.
Với kết quả đánh giá năng lực học tập đại học, mỗi ngành và chuyên ngành đào tạo của trường, thí sinh phải tham gia đánh giá năng lực học tập đại học.
Trường Đại học Thương mại
Trường Đại học Thương mại dự kiến sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển qua điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Tuy nhiên mức giảm này sẽ đảm bảo vừa phải, không giảm nhanh, bởi vì phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn được toàn xã hội coi là "thang đo chung để so sánh giữa các trường". Trường sẽ tăng số chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức khác như đánh giá tư duy, đánh giá năng lực.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội không phụ thuộc quá nhiều vào việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Việc giảm số chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng là nội dung nằm trong đề án tổ chức thi đánh giá năng lực của trường. Cụ thể, tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực do trường tổ chức sẽ tăng dần qua các năm và giảm dần tỷ lệ sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Đại học Bách Khoa Hà Nội
Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Với phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Đại học này dự kiến giảm chỉ tiêu từ 50% xuống còn 40%; chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy sẽ tăng nhẹ.
Để đảm bảo công bằng cho thí sinh, năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến mở rộng điểm tổ chức thi đánh giá tư duy, thí sinh vùng sâu vùng xa vẫn có thể thuận lợi tham gia kỳ thi này. Ngoài ra, Đại học Bách khoa Hà Nội lưu ý các thí sinh nên chuẩn bị thêm các chứng chỉ tiếng Anh để có thêm cơ hội xét tuyển bằng nhiều phương thức.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân điều chỉnh chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông xuống còn 15%, giảm 3% so với năm 2024. Với phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án riêng, trường dành 83% chỉ tiêu, xét tuyển thẳng 2%. Như vậy trong vòng 5 năm, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã giảm chỉ tiêu xét điểm tốt nghiệp trung học phổ thông từ 70% xuống còn 15%.
Ngoài ra, trường sẽ dùng 4 tổ hợp xét tuyển thay vì 9 tổ hợp như năm 2024, gồm A00, A01, D01, D07, không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp, không có tiêu chí phụ, các môn đều tính hệ số 1 khi xét tuyển.
Trường Đại học Khánh Hòa
Trường Đại học Khánh Hòa giữ ổn định 4 phương thức xét tuyển như năm 2024 là: dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 theo tổ hợp môn, trong đó các môn trong tổ hợp đều đạt trên 1 điểm theo thang điểm 10 (nhà trường sử dụng kết quả miễn thi bài thi môn ngoại ngữ, áp dụng đối với các chứng chỉ tiếng Anh); dựa vào kết quả học tập cấp trung học phổ thông (điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình cả năm lớp 12 của 3 môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển); dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2025; xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường Đại học Thái Bình Dương
Trường Đại học Thái Bình Dương dự kiến sử dụng 3 phương thức xét tuyển. Phương thức 1 dựa vào kết quả học tập cấp trung học phổ thông (điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình học lực lớp 10, lớp 11 và học kì 1 lớp 12 (gồm 5 học kỳ); hoặc tổng điểm trung bình 3 năm học (6 học kỳ); hoặc điểm trung bình tổ hợp môn theo từng ngành xét tuyển). Phương thức 2 là dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 theo tổ hợp môn tương ứng với ngành xét tuyển. Phương thức 3 dựa vào điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.
Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)
Phương thức 1: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng (tối đa 20% tổng chỉ tiêu)
Phương thức 2: Xét tuyển bằng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2025 (40 - 60% tổng chỉ tiêu)
Phương thức 3: Xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 (30% - 50% tổng chỉ tiêu)
Trường Đại học Hà Nội
Trường Đại học Hà Nội duy trì ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xét tuyển kết hợp và xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến không dùng điểm học bạ trong các phương thức xét tuyển từ năm 2025.
Thay vào đó, trường sử dụng các phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng (10% chỉ tiêu); ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên (10-20% chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, dự kiến áp dụng cho khoảng hơn 30 ngành (40-50% chỉ tiêu mỗi ngành).
Trường cũng dành khoảng 20-40% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Phan Anh
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/cac-truong-dai-hoc-cong-bo-de-an-tuyen-sinh-2025-17924111509522882.htm