Lăng vua Lê Túc Tông bị đào trộm giữa ban ngày
Mới nhất, đầu tháng 5/2025, lăng mộ vua Lê Túc Tông (1469–1509), tọa lạc tại xã Xuân Giang (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), bất ngờ bị đào bới trái phép.
Hố sâu các đối tượng đào trên lăng mộ để tìm cổ vật.
Theo đó, từ sáng đến tối ngày 3/5, hai đối tượng Deng Zhui và Shen JiangYang, đều ngụ tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã dùng vật dụng, thiết bị xăm thăm dò và đào bới khu lăng mộ vua Lê Túc Tông. Khi chúng đang đào bới thì phát hiện có người dân qua lại nên đã bỏ trốn khỏi hiện trường.
Chiều 4/5, khi đang trên đường di chuyển ra TP Móng Cái (Quảng Ninh) để xuất cảnh về nước, 2 nghi phạm bị Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ, bàn giao cho Công an tỉnh Thanh Hóa điều tra hành vi xâm hại mồ mả.
Lăng vua Lê Túc Tông là một trong những di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa, được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Lăng chúa Nguyễn Phúc Khoát liên tiếp bị xâm hại
Rạng sáng ngày 8/1/2025, một số người trong Hội đồng Nguyễn Phước Tộc khi đến dâng hương tại lăng Trường Thái (phường Long Hồ, quận Phú Xuân, TP Huế), nơi an nghỉ của chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714–1765) phát hiện mộ phần của lăng chúa có dấu hiệu bị đào bới xuống sâu bên dưới.
Lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát bị đào trộm. Ảnh: VOV
Khu vực bị đào được kẻ gian ngụy trang lá khô, nhân viên bảo vệ di tích trong lúc quét dọn mới phát hiện ra. Tại hiện trường còn vương vãi lớp đất đá do việc đào mộ để lại. Lỗ đào mộ dù đã lấp lại nhưng vẫn còn rất mới.
Được biết, lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát cũng từng bị kẻ xấu đào trộm dưới thời chiến tranh để tìm kiếm vàng bạc, châu báu.
Nhiều lăng mộ của các chúa Nguyễn, hoàng thân thậm chí là mộ vua nhà Nguyễn cũng từng bị nạn trộm mộ xâm hại.
Chẳng hạn, lăng Hoàng thái hậu Từ Dụ bị đào trộm vào những năm 1980; lăng Vĩnh Mậu (mẹ chúa Nguyễn Phúc Chu), lăng Vĩnh Thái (vợ chúa Nguyễn Phúc Khoát) bị đào trộm năm 1990…
Bồi Lăng của vua Kiến Phúc, An Lăng của vua Dục Đức, lăng Kiên Thái Vương, lăng Trường Phong của chúa Nguyễn Phúc Chu… đều từng bị đào trộm.
Vụ giả giấy tờ đào mộ cổ ở Quảng Nam
Tháng 3/2012, tại phường An Sơn, TP Tam Kỳ, một nhóm người đã giả mạo chữ ký lãnh đạo địa phương để tổ chức đào bới mộ cổ khoảng 300 năm tuổi của ông Hoàng Hoàng Nhân (niên đại thời Gia Long).
Đào trộm mộ cổ ở Quảng Nam. Ảnh: Dân trí
Đây là một ngôi mộ có cấu trúc theo kiểu cổ, xung quanh được xây thành kiên cố, tứ trụ có hình búp sen lớn, bia mộ được khắc bằng văn tự cổ bị đào bới nham nhở. Nắp quan tài bằng khối đá lớn có chạm khắc hoa văn cũng bị nhóm người đào mộ hất văng.
Được biết, trước đó xung quanh ngôi mộ còn có nhiều tượng lính canh gác. Tuy nhiên qua thời gian, những tượng lính này đã không còn.
Trộm cổ vật trong lăng Khải Định
Tháng 12/2010, lăng Khải Định (thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) từng bị kẻ trộm đột nhập, lấy đi một số đồ vật có giá trị văn hóa.
Chánh điện lăng vua Khải Định (cung Thiên Định) bị kẻ trộm đột nhập. Ảnh: Dân trí
Một số bảo vệ cho rằng kẻ trộm đã đi theo con đường nhỏ bên cạnh lăng sau đó đột nhập vào chánh điện rồi thoát ra bằng đường cũ.
Được biết kẻ trộm đã lấy đi một số ít cổ vật và 1 thùng phước sương. Giá trị tài sản mất cắp được cho là không lớn nhưng đây là vụ việc nghiêm trọng vì đồ bị mất cắp thuộc tài sản của di tích.
Lăng bà Từ Dũ bị đánh cắp
Những năm 1980, Lăng Xương Thọ của hoàng thái hậu Từ Dụ (thân mẫu vua Tự Đức) tọa lạc tại phường Thủy Bằng, quận Thuận Hóa, TP Huế bị đào trộm.
Lăng hoàng thái hậu Từ Dụ nằm trong tổng thể cảnh quan lăng vua Thiệu Trị từng bị đào trộm lấy nữ trang. Ảnh: Tuổi trẻ
Theo một bài điều tra trên báo Lao Động tháng 4/1990, nhóm đào trộm gồm 6 tên, lấy được 18-19 món nữ trang như: vòng xuyến kim loại bằng vàng, nhẫn bằng vàng trên có đính hạt; hộp kim loại màu vàng; cúc cài áo kim loại màu vàng; hạt bằng đá đủ màu đeo hình khuy nút; đá màu xanh, hình chữ nhật, trên mặt đá có hình chim phượng; vòng đeo tay bằng đá...
Theo thông tin từ 1 phóng sự đăng trên Tuổi trẻ (5/2022), chỉ trong năm 1990, lăng Vĩnh Mậu của bà Tống Thị Lãnh, mẹ chúa Nguyễn Phúc Chu bị đào ngày 22/1. Ba ngày sau, ngày 25/1, lăng bà Tống Thị Đôi, mẹ chúa Nguyễn Phúc Thái (Trăn) gần đó bị đào.
Đến ngày 4/3, lăng Vĩnh Thái của bà Trương Thị Dung, vợ chúa Nguyễn Phúc Khoát, bà nội Nguyễn Thế tổ - Gia Long ở vùng đồi Dương Xuân bị đào bới. Đúng 1 tháng sau lại đến lăng của Định Viễn quận vương, em trai Thánh tổ Minh Mạng...
Y Nhụy