Du khách thả dáng tại xương sống khủng long ở Bali. Ảnh: @hanna.seg.
Theo báo cáo của Global Asset Solutions, du lịch Phuket (Thái Lan) và Bali (Indonesia), hai trong số những điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu ở Đông Nam Á, phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch với nhu cầu đặt phòng khách sạn tăng cao.
Trong đó, du lịch Phuket hưởng lợi từ sức hút khách quốc tế. Trong khi đó, thị trường nội địa và phân khúc khách sạn hạng sang ở Bali cũng không kém cạnh.
Douglas Louden, Giám đốc tài sản cấp cao tại Global Asset Solutions (hoạt động tại thị trường châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương), cho biết 2024 là năm ghi nhận nhu cầu đặt phòng "chưa từng có" tại Phuket, Bali và mùa thấp điểm truyền thống trở thành quá khứ khi việc du lịch ngày càng dễ dàng.
“Du khách có nhiều lựa chọn chuyến bay hơn và các quy định thị thực nới lỏng đã thúc đẩy nhu cầu đi lại. Các chủ khách sạn đang cảm thấy lạc quan về năm 2025 và hy vọng những xu hướng này sẽ tiếp tục mạnh mẽ", Douglas nói với Skift.
Điểm hút khách Alas Harum ở Bali (Indonesia). Ảnh: @unmaletindeexperiencias.
Tuy nhiên, với khoảng 59.000 phòng khách sạn, Bali đang bỏ xa Phuket (45.000 phòng) về độ đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách. Chương trình cấp thị thực nhập cảnh (VOA) cho 89 quốc gia của chính phủ Indonesia cũng góp phần vào sự thành công kéo khách quốc tế đến đảo. Chính sách này phần nào giúp ngành du lịch địa phương vượt qua quốc gia còn nhiều vướng mắc ở cửa khẩu như Việt Nam, Campuchia, theo Skift.
Các khách sạn sang trọng ở Bali đã chứng kiến mức giá trung bình hàng ngày (ADR) là 607 USD vào năm 2023, tăng 27% so với năm 2019.
Nhưng, dữ liệu từ 6 tháng đầu năm cho thấy tỷ lệ này đang ở mức ổn định, thậm chí có chiều hướng giảm. Điều này có thể thúc đẩy công suất buồng phòng tăng hơn nữa.
Bali chứng kiến lượng khách quốc tế ngày một đông nhưng nguồn cung lưu trú lại hạn chế.
Tỷ lệ mở khách sạn tại đảo giảm đáng kể trong giai đoạn 2020-2023, trung bình Bali có thêm khoảng 600 chìa khóa phòng mỗi năm, giảm gần 2.000 chìa khóa/năm từ 2009-2019.
Về thị trường nguồn, trước đại dịch, Australia và Trung Quốc là hai dòng khách chính tại các khách sạn sang trọng ở Bali, tiếp theo là Ấn Độ và Nga. Sau Covid-19, Australia vẫn giữ vị trí số 1, trong khi Ấn Độ đã soán ngôi Trung Quốc thành thị trường nguồn thứ hai, xếp sau là Trung Quốc và Nga.
Phuket là điểm nóng du lịch tại Thái Lan. Trong ảnh là một nữ du khách check-in cùng một con hổ tại một sở thú ở Phuket. Ảnh: @_letsescapetogether_, @mehak_sembhy.
Còn tại Phuket, tỉnh du lịch nổi tiếng của Thái Lan ghi nhận mức tăng trưởng dòng khách quốc tế 4,3 triệu lượt khách trong nửa đầu năm 2024, tăng 42% so với cùng kỳ và tỷ lệ lấp đầy đạt 81%, vượt qua mức trước đại dịch.
ADR của hòn đảo đã tăng lên mức kỷ lục 197 USD. Con số này phản ánh sức hấp dẫn của đảo đối với những du khách có sức chi cao.
Tỷ giá hối đoái hấp dẫn, các chính sách thị thực nới lỏng và sự phục hồi của ngành hàng không dự kiến sẽ thúc đẩy thêm khách đến Phuket trong thời gian tới.
Tuy nhiên, mức giá phòng trung bình càng tăng có thể làm giảm tốc độ phát triển của khách sạn mới mọc.
Tại Phuket, khách Ấn Độ và Australia đang tạo cơn "sốt", trở thành thị trường chính. Trong khi đó, du khách truyền thống như Nga và Trung Quốc đang quay trở lại. Ngoài ra, Phuket cũng đang chứng kiến khách du lịch từ các thị trường đường bay ngắn truyền thống như Malaysia và Singapore.
Song, cả hai điểm đến đều phải vật lộn với tình trạng quá tải, gây căng thẳng cho cơ sở hạ tầng.
Chính quyền địa phương tại 2 địa danh đang lên kế hoạch cho sân bay thứ 2 nhằm mục đích giảm bớt áp lực, nhưng dự án này còn nhiều năm nữa mới hoàn thành. Trong khi vấn đề du lịch quá mức đang hiện diện trước mắt.
Louden cho biết điều này sẽ có lợi cho các điểm đến lân cận như Khao Lak ở Thái Lan và Lombok ở Indonesia.
Minh Vi