GS.TS. Đào Văn Long, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật
Vậy có cách nào bảo vệ hệ tiêu hóa khỏe mạnh? Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Đào Văn Long, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Sức khỏe hệ tiêu hóa không chỉ tác động nhiều đến thể chất mà còn ảnh hưởng đến tâm trạng, cảm xúc của con người. GS. có thể cho biết rõ hơn về vai trò của hệ tiêu hóa khỏe mạnh đến sức khỏe nói chung không ạ?
GS.TS. Đào Văn Long: Hệ tiêu hóa giữ vai trò quan trọng với sức khỏe, vì cơ thể cần chất dinh dưỡng từ thức ăn, đồ uống để hoạt động bình thường và duy trì sức khỏe.
Protein, chất béo, carbohydrate, vitamin, khoáng chất và nước là chất dinh dưỡng. Hệ tiêu hóa phân hủy chất dinh dưỡng thành các phần đủ nhỏ để cơ thể hấp thụ, sử dụng để tạo năng lượng, tăng trưởng và sửa chữa tế bào.
Khi hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, làm giảm nguy cơ mắc và tái phát bệnh, bởi có đến hơn 70% hệ miễn dịch biểu mô của cơ thể nằm ở đường ruột. Bên cạnh đó, hệ tiêu hóa khỏe mạnh giúp nuôi dưỡng làn da rạng rỡ, kiểm soát cân nặng và vòng eo, cải thiện chất lượng giấc ngủ, cải thiện sức khỏe xương...
Hệ tiêu hóa khỏe mạnh là nền tảng của một sức khỏe tốt.
Ngược lại, nếu hệ tiêu hóa không khỏe mạnh, hệ vi sinh vật đường ruột mất cân bằng sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy cho sức khỏe như hệ thống miễn dịch suy giảm, gây ra nhiều bệnh lý như viêm gan, viêm loét dạ dày, viêm ruột mạn tính, chứng khó tiêu, hội chứng ruột kích thích... thậm chí có thể gây ra những bệnh lý nguy hiểm như ung thư gan, ung thư tụy...
PV: Sức khỏe hệ tiêu hóa kém có thể gây nhiều hệ lụy cho cơ thể, vậy có dấu hiệu nào nhận biết điều này không, thưa GS?
GS.TS. Đào Văn Long: Dấu hiệu nhận biết sớm nhất sức khỏe hệ tiêu hóa hay sức khỏe đường ruột kém là: Đầy hơi, chướng bụng, táo bón, tiêu chảy và ợ nóng…
Bên cạnh đó có thể kèm theo các rối loạn giấc ngủ hoặc mệt mỏi, nuốt khó, tần suất mắc các bệnh truyền nhiễm như cảm lạnh thông thường cao hơn, thay đổi tâm trạng, trạng thái cảm xúc như thường xuyên căng thẳng, chán nản hoặc lo lắng…
PV: Để phòng ngừa và giữ sức khỏe đường tiêu hóa khỏe mạnh thì mỗi người cần thực hiện những biện pháp nào, thưa GS?
GS.TS. Đào Văn Long: Các bệnh tiêu hóa có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống, gây ra rất nhiều đau đớn và khó chịu cũng như khó khăn trong việc ăn uống. Tuy nhiên, bạn có thể cải thiện sức khỏe tiêu hóa của mình thông qua việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống.
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học: Cách tốt nhất để duy trì hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh là ăn nhiều loại thực phẩm tươi, nguyên chất, chủ yếu từ các nguồn thực vật như trái cây, rau, đậu, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt.
Thực hiện chế độ ăn nhiều chất xơ, ăn nhiều loại thực phẩm, đặt mục tiêu ăn ít nhất 30 loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật khác nhau mỗi tuần để đảm bảo cơ thể được bổ sung đầy đủ các loại vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm các loại thực phẩm chứa prebiotic, probiotic, hạn chế sử dụng thực phẩm siêu chế biến như thịt nguội, giăm bông, xúc xích, đồ tráng miệng ngọt, khoai tây chiên...
- Uống đủ nước: Nước hỗ trợ quá trình phân hủy thức ăn, để cơ thể có thể hấp thụ chất dinh dưỡng. Nước cũng hỗ trợ làm mềm phân, giúp ngăn ngừa táo bón. Uống nhiều nước còn làm gia tăng tính đa dạng của vi khuẩn trong ruột. Nên uống nước lọc và tránh các loại nước ngọt chứa nhiều đường, chứa caffein...
- Thay đổi lối sống: Lối sống lười biếng và ít vận động khiến quá trình tiêu hóa kém trơn tru, đồng thời có thể trở thành nguyên nhân gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa.
Hoạt động thể chất thường xuyên (tốt nhất là 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần) kích thích tiêu hóa và giúp ngăn ngừa các tình trạng như táo bón. Không chỉ thế, uống quá nhiều rượu và hút thuốc có thể gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa, dẫn đến viêm và làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng như viêm dạ dày và loét nên cũng cần hạn chế.
- Giảm căng thẳng: Căng thẳng mạn tính kích hoạt giải phóng hormone căng thẳng, có thể phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn trong ruột và làm suy yếu quá trình tiêu hóa. Các kỹ thuật quản lý căng thẳng như thiền, bài tập thở sâu và hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp giảm mức độ căng thẳng và thúc đẩy sức khỏe đường tiêu hóa.
- Dùng thuốc theo chỉ định: Một số loại thuốc nhất định có thể gây ra tác dụng phụ đối với hệ tiêu hóa như thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Do đó, để bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa cần tuân thủ nghiêm chỉ định dùng thuốc của bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài ra, tiền sử gia đình đóng vai trò khiến cá nhân dễ mắc một số tình trạng đường tiêu hóa nhất định như hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh viêm ruột (IBD) và ung thư ruột kết. Hiểu về tiền sử bệnh lý gia đình có thể giúp bạn xác định các rủi ro tiềm ẩn và thực hiện các biện pháp can thiệp sớm cũng như các chiến lược phòng ngừa để giữ hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
PV: Xin trân trọng cảm ơn GS!
Lê Thu Lương (thực hiện).