Sau khi kết hôn, người vợ mới đảm nhận vị trí trong nhà chồng, như một vật sở hữu sinh động và không có quyền gì ngoại trừ thông qua chồng mình. Chức năng của cô là trông nhà, chăm lo tiện nghi và sinh con cho chồng. Nếu có đủ tài năng, cô sẽ quản lý người hầu như một bà chủ; nếu không, khi chủ vắng mặt, người hầu sẽ đảm nhận công việc mà không hỏi hay nói gì với cô.
Khi chồng có khách quan trọng, cô được phép xuất hiện trước bữa tối, mặc bộ lễ phục đẹp nhất, cầm chiếc khay bạc đựng cốc nước chào mừng. Đứng trước vị khách, cô cúi chào, đưa cốc, đưa má hôn theo đạo Cơ đốc rồi lặng lẽ rút lui. Khi sinh con, những người sợ chồng cô hoặc muốn được anh ta bảo trợ đều đến chúc mừng và tặng một món quà bằng vàng cho đứa trẻ.
Nếu món quà hào phóng thì người chồng có lý do chính đáng để hạnh phúc với người vợ tuyệt vời của mình. Nếu người chồng không hài lòng thì sẽ có những thủ tục để cải thiện tình hình. Trong hầu hết các trường hợp, khi cần nhắc nhở nhẹ, anh ta có thể đánh vợ. Domostroy hay Bộ luật quản lý hộ gia đình, có từ năm 1556 và được cho là của một tu sĩ tên Sylvestr, đã đưa ra lời khuyên cụ thể cho những người đứng đầu các gia đình Nga về nhiều vấn đề gia đình, từ bảo quản nấm đến kỷ luật vợ.
Hình ảnh mô tả một gia đình quý tộc thời trung đại. Ảnh: Early-Modern Europe.
Về vấn đề thứ hai, bộ luật khuyên rằng “những người vợ không vâng lời nên bị đánh đòn nặng nề, nhưng không nên tức giận”. Ngay cả người vợ hiền cũng nên được chồng dạy dỗ bằng cách “thỉnh thoảng dùng roi quất vào người vợ, nhưng nhẹ nhàng, kín đáo và lịch sự, tránh những cú đánh gây bầm tím”.
Ở tầng lớp thấp hơn, đàn ông Nga đánh vợ vì những lý do nhỏ nhặt nhất. Bác sĩ Collins viết: “Một số kẻ man rợ sẽ dùng tóc bím của vợ để trói đứng cô ta vào cột mà đánh lúc cô ta đang trần truồng.” Đôi khi người phụ nữ tử vong do bị đánh đập dã man nhưng sau đó người chồng được tự do tái giá.
Không thể tránh khỏi những trường hợp một số người vợ do bị giày vò quá sức chịu đựng đã đánh trả và sát hại chồng mình. Con số này rất ít [...]
Trong trường hợp nghiêm trọng, khi người chồng không còn muốn vợ hoặc có người khác, thì ly hôn chính là giải pháp. Người chồng Chính thống giáo chỉ cần đưa vợ vào tu viện, dù cô ấy có đồng ý hay không. Ở đó, cô bị coi như đã chết, sống phần đời còn lại giữa các nữ tu. Nhiều phụ nữ bị ép vào tu viện khi còn trẻ vì gia đình tham lam không muốn chia tài sản, hoặc là những người vợ bỏ trốn, không muốn quay về với chồng.
Khi vợ “chết”, người chồng được tự do tái hôn, nhưng quyền tự do này không phải là vô hạn. Giáo hội Chính thống cho phép một người đàn ông góa vợ hoặc ly hôn hai lần, nhưng cuộc hôn nhân thứ ba lại trở thành cuộc hôn nhân cuối cùng. Vì vậy, dù một người đàn ông có đối xử tệ bạc với hai người vợ đầu tiên của mình đến đâu, anh ta vẫn thường bảo vệ người vợ thứ ba: nếu cô ấy chết hoặc bỏ trốn khỏi anh ta, anh ta sẽ không bao giờ được kết hôn nữa.
Việc cô lập và coi thường phụ nữ đã ảnh hưởng xấu đến đàn ông Nga thế kỷ XVII, khiến gia đình ngột ngạt, đời sống trí tuệ, và thói xấu như uống rượu tràn lan. Tuy nhiên, một số phụ nữ thông minh vẫn giữ vai trò quan trọng, đôi khi thậm chí thống trị chồng.
Trớ trêu thay, phụ nữ ở tầng lớp thấp hơn lại có nhiều cơ hội đạt được sự bình đẳng hơn, vì cuộc sống khắc nghiệt buộc họ phải cùng đàn ông đấu tranh sinh tồn. Họ cùng đàn ông tắm, ăn uống, tiệc tùng, và sống cạnh nhau, bất kể sự phân biệt. Nếu một người chồng tàn nhẫn, thì anh ta cũng có lúc tử tế; nếu anh ta đánh cô, điều đó sẽ cho phép cô tha thứ lần nữa.“Đúng, anh ấy đã đánh tôi, nhưng sau đó anh ấy quỳ xuống, rơi nước mắt và cầu xin tôi tha thứ...”
Robert K. Massie/Bách Việt Books-NXB Dân Trí