Khi ở vị trí cấp cao, bạn cần khả năng lắng nghe và phối hợp tốt với đồng nghiệp. Ảnh minh họa: H.W.
Theo một cuộc khảo sát, khi được hỏi về công việc khó khăn nhất trong quản lý hoạt động, 63% giám đốc điều hành nhân sự nói rằng các nhà quản lý không thể hoặc không sẵn sàng để thảo luận về phản hồi.
Chấp nhận phản hồi thực sự rất khó khăn, nhưng đó là một kỹ năng đòi hỏi chúng ta phải cải thiện và hoàn thiện không ngừng. Khi bạn lắng nghe những lời nói thật với tâm thế bình tĩnh, chan hòa, bạn có thể rút ra nhiều điều từ những lời chỉ trích và đề nghị khó lọt tai. Vậy làm sao để bình tĩnh? Làm thế nào để có thể dễ dàng chấp nhận thông tin phản hồi?
Chúng ta phải tĩnh tâm để hiểu chính mình, hiểu cách suy nghĩ của chúng ta. Bản thân bạn thiên về cảm tính, hay là thiên về lý tính? Liệu một quyết định cảm tính có phạm phải sai lầm? Nếu như có, xin vui lòng rút ra biển "stop" (Dừng lại!) tại thời điểm bạn nhận được phản hồi.
Lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, trước tiên đừng đưa ra bất kỳ lời hứa, phản bác, tuyên bố nào, chỉ lắng nghe, tập trung tinh thần, sức lực để lắng nghe! Nếu bạn thiên về lý tính, xin hãy chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của mình, bạn cần có sự đồng cảm với các đồng nghiệp trong giao tiếp.
Nhất định đừng thờ ơ. Các hành vi quá lý tính có thể mang đến cho người khác cảm giác lạnh lùng. Ngay cả khi bạn biết mình hoàn toàn đúng, bạn cũng không cần biến lý tính thành mũ giáp, cách xa người khác đến cả nghìn dặm.
Phân biệt người và việc. “Nhằm vào việc không nhằm vào người” là những gì chúng ta thường phải nhắc nhở bản thân mình. Hãy nhìn vào sự việc một cách khách quan. Có một cách là bạn hãy thử nhảy ra khỏi vòng tròn của chính mình để là một khán giả ngoài cuộc.
Người ngoài cuộc nhìn sự việc rõ ràng hơn. Khi bạn bỏ qua sở thích cá nhân và thói quen tư duy, bạn sẽ thấy nhìn nhận sự thật khách quan rõ ràng hơn. Chúng ta nên luôn luôn tự hỏi bản thân: “Tại sao tôi lại nhận được đánh giá như vậy?”, “Những chỗ nào tôi làm không đủ tốt?”, “Tôi có thể làm những gì để thay đổi hiện trạng?”
Thường xuyên phân tích thông tin thu thập được từ các đồng nghiệp. Những thông tin nào hữu ích cho chúng ta, những thông tin nào chỉ là phản ứng cảm xúc nhất thời? Nếu không có bất cứ thông tin nào giá trị, chúng ta cũng cần chủ động tiếp nhận phản hồi.
Bởi vì không có bất cứ thông tin nào cũng là một tín hiệu, điều đó có nghĩa là bạn và đồng nghiệp thiếu sự giao tiếp. Cố gắng hết mức để dành thời gian sàng lọc, phân tích, nghiên cứu thông tin, tìm hiểu lý do đằng sau những thông tin này, những câu chuyện và ý nghĩa ở những tầng sâu phía sau. Chỉ cần bạn làm điều đó bằng trái tim và tấm lòng, nhất định sẽ có rất nhiều thu hoạch bất ngờ.
Cần sử dụng cách thức phản hồi mà đồng nghiệp có thể hiểu và chấp nhận. Nếu tiếp nhận được nhiều thông tin có giá trị, chúng ta phải đưa ra phản hồi kịp thời. Phản hồi ở một mức độ nào đó là thời cơ tốt để giúp đỡ, tư vấn cho đồng nghiệp, nhưng nhất định mỗi từ mỗi chữ phải được xem xét, bao gồm cả môi trường khi phản hồi.
Cố gắng sử dụng phương thức đồng nghiệp có thể chấp nhận để giao tiếp. Cũng phải xác nhận rằng thông tin các đồng nghiệp nhận được là những gì bạn mong đợi. Cách tốt hơn là không chỉ phản hồi thông tin mà anh ta mong muốn, hãy nói với anh ta cơ sở và logic đằng sau những thông tin mà bạn tóm tắt, bao gồm cả ý định tốt bạn tư vấn, hướng dẫn cho anh ta.
Trao đổi thông tin với các đồng nghiệp một cách thường xuyên. Tính cách của các đồng nghiệp rất khác nhau. Một số rất sẵn sàng nói chuyện trao đổi, một số thì im lặng, không muốn cất lời. Bất kể bạn làm việc ở bộ phận nào, đều phải trao đổi với các đồng nghiệp một cách thường xuyên, kể cả khi bạn là một nhân viên lâu năm.
Đặc biệt là tầng lớp trung và cao cấp trong doanh nghiệp. Nếu bạn chủ động tìm kiếm những lời khuyên mang tính xây dựng và thông tin giúp bạn cải thiện bản thân, bạn sẽ để lại cho mọi người ấn tượng rằng bạn biết lắng nghe và khiêm tốn.
Xin được chia sẻ một phương pháp nhỏ: Bạn có thể chú ý quan sát nhất cử nhất động của đồng nghiệp, tìm ra một số điểm mà đồng nghiệp cần cải thiện, trao đổi với họ một cách cởi mở và trung thực. Khi bạn kiên nhẫn và tư vấn tỉ mỉ cho đồng nghiệp, thì đó cũng là sự khởi đầu cho sự cởi mở của họ với bạn.
Tôi muốn nói thật to: "Xin hãy trân trọng đồng nghiệp nói sự thật với chúng ta, ngay cả khi cách thức biểu đạt của họ chưa phù hợp". Họ là những quý nhân trong quá trình trưởng thành của chúng ta.
Đặc biệt khi bạn là giám đốc điều hành, nếu bạn có thể bao dung một nhóm các đồng nghiệp dám nói những điều thẳng thắn, bạn sẽ có đời sống công sở thoải mái hơn, còn có thể tránh được rất nhiều nguy cơ trong cong việc. Xin được chia sẻ với các bạn một câu nói nổi tiếng mà tôi rất thích: "Những tiếng vâng dạ của một nghìn người, không bằng câu phê bình đúng đắn của một người".
Vương Xảo Lâm/ Bách Việt Books & NXB Công thương