Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ mắc bệnh cơ xương khớp cao nhất thế giới. Theo khảo sát của Hội Thấp khớp học Việt Nam, có khoảng 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên 65 tuổi và 85% người trên 80 tuổi bị thoái hóa khớp. Hội Loãng xương TPHCM cũng thống kê, hiện cả nước có khoảng 3,6 triệu người mắc bệnh loãng xương, và ước tính sẽ tăng lên hơn 4,5 triệu người vào năm 2030, trong đó phụ nữ chiếm 70%-80%. Đáng chú ý, xu hướng trẻ hóa bệnh lý xương khớp đang trở thành mối đe dọa về sức khỏe cộng đồng.
Bệnh lý cơ xương khớp có thể kiểm soát một cách hiệu quả bằng phương pháp không dùng thuốc.
Các bệnh lý về cơ xương khớp tuy không nguy hiểm như một số bệnh lý cấp tính nhưng có thể để lại nhiều di chứng, bào mòn sức khỏe và tinh thần người bệnh. Bệnh xương khớp nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng hướng có thể tiến triển nặng, gây ra nhiều hậu quả nặng nề người bệnh, gây đau đớn, tăng nguy cơ gãy xương, giảm chất lượng sống, giảm khả năng tự chủ, hạn chế phạm vi chuyển động, khiến việc thực hiện các công việc thường ngày trở nên khó khăn. Các tình trạng mãn tính của khớp có thể dẫn đến biến dạng, ảnh hưởng đáng kể đến khả năng vận động và hoạt động, sức khỏe khớp kém có thể dẫn đến giảm khả năng sử dụng chi bị ảnh hưởng, gây ra tình trạng yếu cơ và teo cơ.
Với sự hiểu biết đúng đắn và một kế hoạch chăm sóc chủ động, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát và cải thiện đáng kể các triệu chứng, đồng thời làm chậm tiến triển của bệnh.
Hiện nay, các loại thuốc tây được sử dụng trong điều trị cơ xương khớp chủ yếu nằm trong 3 nhóm chính: giảm đau giúp làm dịu cơn đau tạm thời; chống viêm giúp hỗ trợ làm giảm tình trạng sưng viêm cấp tính và giãn cơ giúp làm mềm các nhóm cơ bị co thắt, từ đó giảm cảm giác căng cứng.
Nhiều người bị đau xương khớp có thói quen uống thuốc khi cơn đau tái phát nhưng không biết rằng, nếu tùy ý sử dụng có thể “rước” thêm bệnh lý nguy hiểm cho cơ thể. Đây cũng là lý do tại sao y học hiện đại khuyến khích người bệnh nên ưu tiên phương pháp lành tính, hạn chế dùng thuốc giảm đau.
Bác sĩ CKII Võ Thị Hồng Hướng – Chuyên gia phục hồi chức năng, Trung tâm Cơ xương khớp và Phục hồi chức năng Handsviet (Đà Nẵng) cho biết: “Để kiểm soát và cải thiện các bệnh lý cơ xương khớp một cách hiệu quả và lâu dài, chúng ta cần hướng đến một phương pháp chủ động, toàn diện và mang tính phục hồi hơn, không phụ thuộc vào việc dùng thuốc”.
Theo chuyên gia, để kiểm soát và cải thiện bệnh lý cơ xương khớp hiệu quả, bệnh nhân cần có sự hỗ trợ tham vấn từ chuyên gia phục hồi chức năng để có những liệu pháp điều trị, phục hồi phù hợp; tập luyện đúng kỹ thuật nhằm phục hồi khả năng vận động và sự linh hoạt của khớp. Điều chỉnh lại tư thế và thói quen vận động sai lệch hằng ngày; tăng cường sức mạnh và độ dẻo dai của hệ cơ, đặc biệt là các nhóm cơ hỗ trợ cột sống; chăm sóc tâm lý và cải thiện giấc ngủ, vì sức khỏe tinh thần ảnh hưởng lớn đến quá trình hồi phục. Việc kết hợp nhiều biện pháp dự phòng khác nhau và có lối sống lành mạnh sẽ đảm bảo cho chúng ta có một bộ máy cơ xương khớp khỏe mạnh, tăng chất lượng cuộc sống.
Lê Tâm